VNTB – Ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM có tham nhũng hay không?

VNTB – Ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM có tham nhũng hay không?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu ông Lê Thanh Hải không tham nhũng, thì vì sao ông lại bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015?

Nếu không là Ủy viên Bộ Chính trị, thì…

Ông Lê Thanh Hải, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI, nguyên Bí thư TP.HCM, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII. Theo lý lịch, ông có bằng Cao cấp Lý luận Chính trị, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Văn chương.

Từ ngày 28-6-2006 đến 5-2-2016, ông Lê Thanh Hải là Bí thư Thành ủy TP.HCM. Từ ngày 24-4-2006 đến 26-1-2016, ông Lê Thanh Hải là Ủy viên Bộ Chính trị.

Nhìn từ cột mốc thời gian cho chức vụ theo thứ tự lớn, nhỏ thấy rằng để có thể ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy TP.HCM, điều kiện tiên quyết, ông Lê Thanh Hải phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Khi mất chức Ủy viên Bộ Chính trị, đồng nghĩa trong tương lai cận kề, người đó buộc phải rời ghế Bí thư Thành ủy/ Tỉnh ủy.

Tin tức đăng công khai trên báo chí cho biết, ngày 8-1-2020 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, phải bị xem xét kỷ luật.

Ngày 20-3-2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Trách nhiệm của người đứng đầu có cần xử trí để gìn giữ kỷ cương?

Thắc mắc với hầu hết người đọc báo về thông tin nêu trên: vì sao ông Lê Thanh Hải, một chính khách sở hữu những văn bằng Cao cấp Lý luận Chính trị, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Văn chương, lại có thể quá dễ dàng “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố”?

Người đọc có thể tự trả lời luôn về thắc mắc ở trên: đó là vì tiền, là tham nhũng của một người có cấp hàm quyền lực Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy.

Phản đề ở đây: nếu ông Lê Thanh Hải không là Ủy viên Bộ Chính trị, tất nhiên ông cũng sẽ không được quyền ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy. Khi ông không là Bí thư Thành ủy, ông sẽ không nhiều cơ hội để thông qua Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khiến người dân nghĩ méo mó về vai trò của Đảng và Chính quyền.

Nếu hiểu theo chiều hướng hình sự hóa của án về an ninh quốc gia, có thể cáo buộc ông Lê Thanh Hải với việc làm xấu uy tín của Đảng và chính quyền Thành phố, là nhằm đến điều 86, Bộ Luật hình sự 1999 – tức tương đương với điều 115 “Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội” của Bộ Luật hình sự hiện hành.

Trường hợp xem xét ông Lê Thanh Hải từ những căn cứ của Luật phòng, chống tham nhũng (phiên bản 2005, hết hiệu lực từ 01-7-2019), thì ở đây cần quan tâm tiếp những nội dung liên quan của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP “quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”.

Nghị định 107/2006/NĐ-CP, tại điều 2 “Đối tượng áp dụng”, ghi: “1. Nghị định này áp dụng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của nhà nước và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.

2. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này cũng phải bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách”.

Như vậy, tổng hợp từ những quy định của pháp luật liên quan về thời hiệu, đặc biệt là điều 4, Hiến pháp 1992 “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, cho thấy ở đây nếu muốn thượng tôn pháp luật, đề cao kỷ cương phép nước, cần xử trí trách nhiệm của người đứng đầu – tức cấp trên của ông Lê Thanh Hải, khi đã để xảy ra tham nhũng ở Thành ủy TP.HCM giai đoạn 2010-2015.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Không