VNTB – Liệu Việt Nam có chấp nhận thả tù ‘án xâm phạm an ninh quốc gia’?

VNTB – Liệu Việt Nam có chấp nhận thả tù ‘án xâm phạm an ninh quốc gia’?

Nguyễn Nam

(VNTB) – CIVICUS – liên minh toàn cầu các tổ chức xã hội dân sự có trụ sở tại Nam Phi gồm 9.000 thành viên trên toàn thế giới đã ra tuyên bố yêu cầu Viêt Nam, Ai Cập, Cameroon và một số quốc gia khác phải đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện đang lây lan toàn cầu.

Bài báo trên trang Việt Nam Thời Báo đã cho biết như trên (1). Trang Việt Nam Thời Báo còn có bài viết đưa ra con số cụ thể, “Theo số liệu thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), cho đến ngày 31/3/2020, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự” (2)

“Tù nhân lương tâm” là cụm từ không nằm trong bất kỳ văn bản tố tụng hình sự nào ở Việt Nam. Tương tự, ở Việt Nam không có tội danh về ‘tù chính trị’. Tuy nhiên dùng từ ‘tù chính trị’ (loại trừ về hành vi khủng bố) lại được nhìn nhận là phù hợp với Bộ luật hình sự, Chương 13: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ điều 108 đến điều 122.

Về lập luận tố tụng cho dấu hiệu pháp lý của nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi xâm phạm đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm an ninh đối nội và đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với cách hiểu như trên cho thấy yếu tố chính dẫn đến các hành vi cáo buộc, là đương sự không đồng tình với chế độ chính trị hiện tại. Việc không đồng tình này có thể chỉ dừng ở bước của quyền tự do chính trị cá nhân là ‘nghĩ trong đầu’, vẫn có thể bị cáo buộc rằng đây là hành vi của chuẩn bị phạm tội, tức là giai đoạn người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó (3).

Việc không đồng tình chế độ chính trị hiện hành cũng có thể chuyển sang bước lên tiếng yêu cầu cải tổ đường hướng chính trị, và có thể cả chuyện kiên quyết đòi hỏi phải chấm dứt sự độc quyền toàn trị.

Dù là ở giai đoạn nào đi nữa, thì nếu đã có ý phủ nhận chế độ chính trị hiện hành, cá nhân đó có thể vướng vòng tố tụng hình sự với những cáo buộc nặng nhẹ khác nhau, và tất cả đều có điểm chung là họ không được quyền có sự tham gia của luật sư bảo vệ khi chưa kết thúc điều tra vụ án.

Như vậy, từ cách hiểu quen thuộc ở trên trong nhóm tội danh thuộc Chương 13: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ điều 108 đến điều 122 của Bộ luật hình sự, cho thấy yêu cầu ‘thả tù chính trị’ mà CIVICUS đặt ra với Việt Nam gần như là khó thể được chấp thuận. Và con số “đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự” như tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền đã thống kê cho thấy nếu vì lý do ‘thả tù’ để ngừa lây lan đại dịch Covid-19, có lẽ cần mở rộng hơn nữa đối với những nhóm tội danh khác.

Tuy nhiên nếu xét trên tinh thần của yếu tố nhân đạo trước đại dịch Covid-19, cần thiết có các lệnh đặc xá đối với những ‘tù nhân chính trị’ không liên quan đến hành vi ‘khủng bố’ (4).

___________________

Chú thích:

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-civicus-yeu-cau-viet-nam-tha-tu-chinh-tri-de-ngan-ngua-lay-lan-dich-benh/

(2) https://vietnamthoibao.org/vntb-to-chuc-nguoi-bao-ve-nhan-quyen-viet-nam-dang-giam-giu-242-tu-nhan-luong-tam/

(3) Theo điều 14 Bộ luật hình sự đã sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điều 109, điểm a khoản 2 điều 113 hoặc điểm a khoản 2 điều 299 của Bộ luật hình sự.

(4) Bộ luật hình sự: Điều 299 (Tội khủng bố); Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (Tội bắt cóc con tin); Điều 302 (Tội cướp biển); Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)