VNTB – Lo trước cái lo của thiên hạ

VNTB – Lo trước cái lo của thiên hạ

Út Sài Gòn

(VNTB) – “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Mỗi khi viết bài về đạo đức cách mạng, báo chí vẫn thường hay nhắc đến câu trên và cho rằng đây là huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ với câu này trong mùa dịch Covid tại Việt Nam bắt đầu gây thương vong đã sang mức 2 con số, cho thấy đầy tính thời sự.

Câu chuyện đảm bảo máy móc, thiết bị, sinh phẩm cho phòng chống dịch trở thành tâm điểm của cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, diễn ra sáng 7-8, khi Thủ tướng liên tục nhắc phải đảm bảo đủ thiết bị, sinh phẩm cho phòng chống dịch chứ không đổ cho cơ chế hay thiếu tiền.

– Anh Út, tui đọc báo thấy bản tin ông thủ tướng yêu cầu các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho trang bị phương tiện, sinh phẩm phòng chống dịch chứ không được nói là vì thiếu tiền hay đổ lỗi cho cơ chế. Với cái đề nghị của ngài ấy thì người dân như mình an tâm rồi, không sợ thiếu mấy cái để xét nghiệm dịch Covid cũng như đầy đủ các trang thiết bị cho việc chữa bệnh.

– Tui cũng nghĩ như anh Tám. Có điều, tui thấy thế này. Thay vì buộc chính quyền địa phương phải này phải nọ, sao không chủ động luôn?

– Ý của anh là sao tui không rõ?

– Tui nhớ ngày xưa được học, hình như là trong một tác phẩm nào đó của ông Phạm Trọng Yêm bên Tàu lận, có câu “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” (lo trước cái lo của thiên hạ). Đã là người tài, người giỏi được người dân tín nhiệm, biết rõ mấy cái khó khăn như vậy sao mình không chủ động giúp đỡ chính quyền địa phương trước. Chứ đợi báo cáo này nọ là cũng tốn thời gian rồi.

Đó là chưa kể, hồi bữa tui có lên mạng, người dân cảm ơn ông Thủ tướng và bác Đam nhà mình. Phải công nhận là họ cũng có công trong việc phòng chống dịch đó, nhưng cũng không thể không ghi nhận công lao của chính quyền địa phương, từ ông chủ tịch đến bác bí thư. Nhưng khi bị than phiền thì chính quyền địa phương bị trước tiên.

– Anh nói sao chứ tui thấy thứ nhất, cái ông Yêm gì đó là bên Tàu, đem qua Việt Nam có phù hợp? Thứ hai, đụng chuyện địa phương bị chửi hồi nào?

– Tàu thì cũng có người đàng hoàng, tử tế chứ đâu phải Tàu nào cũng tào lao bá đạo kiểu Tập tiên sinh. Với lại, những cái gì phù hợp, giúp ích cho dân cho nước, sao mình lại không duy trì, bác bỏ làm gì? Còn anh nói địa phương không bị chửi hả, chứ không nhận được tiền hỗ trợ; tổ trưởng với tổ dân phố đi ghi nhận thông tin bà con cho đã rồi không phát, được bao nhiêu người biết rõ như thế nào đâu! Quy định đâu phải do địa phương đề ra.

Quay trở lại vấn đề, tui thấy việc đề xuất của ông thủ tướng là không sai, song thay vì chính quyền phải này phải nọ, thì ông thủ tướng nên coi chính quyền địa phương họ cần cái gì, có hành động giúp đỡ cụ thể, sẽ hiệu quả hơn là lên tivi hô hào.

– Anh nói sao chứ ngài còn bận trăm công nghìn việc.

– Nhưng có người giúp đỡ mà. Đâu thể ai một thân một mình có thể làm hết mọi việc. Tui thấy vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế đã là một bài toán khó cho chính quyền địa phương rồi. Rồi sắp tới còn phải căng thẳng trong việc thi tốt nghiệp và chờ đợi sau đó 14 ngày ủ bệnh coi sao nữa nè. Đủ thứ chuyện chứ bộ.

Đó là chưa kể, tui còn thấy thế này. Bài báo đó tui có đọc, tui rất ủng hộ ý kiến của thủ tướng về việc đeo khẩu trang trước hết đối với nơi công cộng, các thành phố lớn, nơi có dịch và cứ thể mở rộng ra nhiều địa phương trong thời gian tới. Nhưng tui có một đề nghị, trước khi phạt nặng người ta để nghiêm, thì mấy ông quan trên trung ương làm gương trước đi. Chứ trong hội nghị, rồi đại hội đảng gì đó, có ông bà nào đeo khẩu trang đâu mà kêu người dân đeo? Ví dụ như những người nào không đeo, bị phạt, họ nói vậy, thì mấy anh phải trả lời làm sao? Phòng họp có thể không phải là nơi công cộng, nhưng phòng họp đó nằm ở Hà Nội và thủ đô lại là một trong những thành phố lớn ở Việt Nam.

– Ờ, nghĩ đi nghĩ lại thì thấy anh nói cũng có lý.

– Dân đen như tui với anh thôi nha, học hành chẳng được bao nhiêu, cũng chẳng biết sâu hay rộng gì cả, nên mùa dịch này chỉ tin tưởng vào các cơ quan y tế, chính quyền địa phương cũng như nhà nước thôi. Thành ra, ý kiến của mấy anh có thể không sai nhưng thay vì nói, hành động đi cho nó thiết thực. Nói thì ai chả nói được…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)