VNTB – Miền Trung tiếp tục cảnh ngập lụt nặng nề vì thủy điện xả lũ

VNTB – Miền Trung tiếp tục cảnh ngập lụt nặng nề vì thủy điện xả lũ

Sơn Trà

(VNTB) – Có lẽ khi bài viết này được lên trang Việt Nam Thời Báo thì lũ trên sông Vu Gia của tỉnh Quảng Nam lên báo động 3, vượt mức lịch sử gần nửa mét.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Vu Gia đang lên rất nhanh, mực nước lúc 16g ngày 28-10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55m dưới báo động 2 là 0,25m.

Lưu lượng thủy điện Đắk Mi 4 đang xả xuống hạ du và lúc 15g30 ngày 28-10 là 5.100m3/s. Trong khi đó, Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mi thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2). Thời điểm bắt đầu vận hành vào lúc 15g30 ngày 28-10, lưu lượng xả tràn dự kiến đến 11.400m3/s.

Trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như lúc 15g30 về hạ lưu, dự báo từ nửa đêm về sáng ngày 29-10, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 10,3m, trên báo động 3 là 1,3m (dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47m). Trường hợp thủy điện xả xuống hạ lưu như dự kiến, tức 11.400m3/s, thì ‘nửa đêm giờ tý canh ba’, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2m, trên báo động 3 là 2,2 mét, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m.

Trong khi đó, theo số liệu cập nhật của người viết lúc 18g ngày 28-10, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đak Mi 4 là 6.309 m3/giây. Thủy điện này xả nước qua tràn hơn 6.338 m3/giây.

Trung tâm Dự báo Thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ cao gây ngập lụt sâu trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn Duy Xuyên, Hội An và thành phố Đà Nẵng; đồng thời cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất là cấp 4.

Trong một diễn biến khác, tin tức từ Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai- Chi cục tại miền Trung cho biết, từ chiều ngày 27-10, có 40 hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ để tạo dung tích, đón mưa lớn kèm theo bão số 9.

Có lẽ sau khi thiên tai đi qua, Đảng và Nhà nước cần phải trả lời cho công chúng, rằng liệu cùng với bão, thủy điện có là nguyên nhân gây ra lũ lụt; đặc biệt tại các tỉnh miền Trung ở hiện nay?

Về lý thuyết, thủy điện phục vụ an ninh năng lượng, điều tiết dòng chảy (với các thủy điện có hồ chứa)… Nhưng nếu quy hoạch phát triển thủy điện không hợp lý, vận hành không tuân thủ, thủy điện sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, con người và có thể gây nên thảm họa khi có sự cố.

Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Nếu vận hành đúng, hợp lý, hồ chứa thủy điện cũng không tăng thêm quá nhiều tác động. Có nghi vấn dường như nhiều năm qua các hồ chứa thủy điện có sự vận hành không hợp lý. Nếu chứa nước quá sớm thì khi mùa lũ đến không còn chỗ chứa buộc phải xả. Mà xả lượng nước quá lớn, quá gấp làm lũ trên sông lên rất nhanh khiến người dân khốn khổ.

Ông Tô Xuân Bảo – phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), đưa ra thông tin như sau cho nghi vấn kể trên: Các hồ có dung tích lớn, có khả nước cắt lũ, xả lũ, việc chỉ đạo điều hành nằm trong điều hành liên hồ. Các hồ có dung tích phòng lũ thì nguyên tắc trong mùa lũ phải đưa lượng nước về mức đảm bảo phòng lũ, báo cho ban phòng chống thiên tai tỉnh để duy trì mực nước đón lũ, làm chậm, giảm lũ về hạ du. Đó là nguyên tắc vận hành hồ chứa thủy điện.

Khu vực miền Trung có địa hình dốc, mỏng. Trong khi đó đa số là các hồ nhỏ, đập tràn tự do, khi nước về qua các tổ máy phát điện sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du, không có dung tích phòng lũ.

Những bất an về thủy điện đã được đặt ra từ lâu, và đều gây tranh cãi. Khi Quốc hội thảo luận về phương án xây dựng thủy điện Sơn La tháng 12-2002, lúc đó, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội Nguyễn Văn Khá từng đưa ra một nghi vấn chấn động: “Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4 – 60 m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người”.

Cảnh báo đó đã gây nên tranh luận, thậm chí bất an suốt nhiều năm sau đó…

Có ý kiến: Nước cũng là tài nguyên ngày càng hiếm, nếu không tích trữ lại để sử dụng, sẽ trôi ra biển, gây lãng phí không chỉ trong nông nghiệp. Song, việc xây dựng các thủy điện nhỏ trong tương quan giữ môi trường, nhất là bảo vệ rừng, cũng cần được cẩn trọng hơn trước nhiều với bài học nhãn tiền của lũ lụt miền Trung ở hiện tại.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)