VNTB – Nền báo chí tự do theo đúng quy hoạch

VNTB – Nền báo chí tự do theo đúng quy hoạch

 

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Lúc còn giữ chức bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều nguồn tin từ báo chí ở Việt Nam cho biết ông Trương Minh Tuấn là người ‘nêu ý tưởng’ để dàn trợ lý soạn thảo cho đề xuất gọi là “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”.

 

 

Ngày 23/7/2018, ông Trương Minh Tuấn bị Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (12/10/1956 – 21/9/2018) tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do có vi phạm nghiêm trọng trong thương vụ mua bán cổ phần giữa Mobifone và AVG.

Hôm 20/12/2019, trong vụ án Mobifone và AVG, Viện kiểm sát đề nghị cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn 6-7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và 8-9 năm tù về tội nhận hối lộ.

Trở lại với nội dung “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” mà ông Trương Minh Tuấn đã trình ở cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, và được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, có nhiều nội dung cho thấy quyền tự do báo chí ở Việt Nam, là một ‘tự do’ theo đúng ‘khuôn phép giới hạn’, mà văn bản pháp quy gọi là ‘quy hoạch’.

Lộ trình thực hiện như sau: Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 01 cơ quan báo.

Như vậy, lộ trình như vừa nêu cho thấy dường như nhóm soạn thảo bản quy hoạch này đã cố tình hạn chế việc dùng truyền thông để đưa các chủ trương, chính sách, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam đến với rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng được đánh giá có hàm lượng tri thức dồi dào tại thủ đô Hà Nội, và thành phố Hồ Chí Minh – nơi được ghi nhận là có số dự toán thu ngân sách năm 2019 cao gấp 1,5 lần so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội, gấp 6,2 lần so với Hải Phòng, gấp 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp 35,47 lần so với Cần Thơ.

Với một nơi là hầu bao tài chính quốc gia như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng theo quyết định về “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, thì thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 chỉ được quyền có 05 cơ quan báo, và đến năm 2025 thì chỉ có 01 cơ quan báo chí mà thôi.

Sở dĩ có thể nói việc quy hoạch báo chí theo hướng thu hẹp tối đa cơ quan báo chí như vậy sẽ khiến người dân xa rời đảng chính trị, vì theo điều 4 của Luật báo chí, thì “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Khi đã hạn chế ‘quyền được biết’, thì với, “thực tế cho thấy tham nhũng, bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản, thói chuyên quyền, độc đoán, tính háo danh,… đã chi phối nhận thức, hành động của một số cán bộ, đảng viên, mà có người là cán bộ cao cấp, giữ chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước”, ở bài viết “Chủ động định hướng thông tin trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ”, phát hành ngày 24/12/2019 trên báo Nhân Dân, cho thấy nguy cơ trong lũng đoạn thông tin từ căn bệnh kiêu ngạo cộng sản sẽ giống như ổ ung thư với nhiều di căn, mà mai này chỉ có thể chữa trị ở mỗi một bệnh viện đa khoa duy nhất, thay vì phải có nhiều lựa chọn ở các bệnh viện chuyên khoa.

Trước đó, trong Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, tổ chức tại Hà Nội ngày 23/12/2019, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày tham luận chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động của lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới”.

Trong tham luận của tướng Thành, có đoạn cho biết trong năm 2019, các cơ quan tuyên truyền, báo chí, xuất bản công an nhân dân, trung tâm phát thanh, truyền hình, điện ảnh công an nhân dân tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải gần 400 tin, bài viết, chương trình phát sóng mang nội dung chuyên biệt, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, được dư luận và nhân dân đánh giá cao.

Từ hai ý kiến trích dẫn ở trên cho thấy với việc hạn chế phát triển báo chí, cũng đồng nghĩa hạn chế các kênh truyền thông chính thức trong yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra, là các cấp cần biết chủ động định hướng thông tin trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Mạng xã hội phát triển mạnh mẽ thì không thể có một nền báo chí quy hoạch kiểu “riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 01 cơ quan báo”, như ghi ở quyết định số 362/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)