VNTB – Nếu chính sách có sai lầm, cần cầu thị sửa đổi

VNTB – Nếu chính sách có sai lầm, cần cầu thị sửa đổi

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – “Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành”.

Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan chủ quản và sự phối hợp của các bộ trong xây dựng luật, trong một phát biểu ngày 12/8 tại phiên họp Chính phủ, chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước”.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi nhớ đến câu “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Ngày 17/10/1945, báo Cứu Quốc số 69, phát hành tại Hà Nội, lần đầu tiên công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Trong lá thư này có câu: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng” – trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, năm 1947, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy. Điều đó cho thấy, nếu chính sách có sai lầm, cần cầu thị sửa đổi.

Bài viết này muốn nói đến vấn đề đất đai mà Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết 23/2003/QH11 mang tên “Về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991”.

Nghị quyết 23/2003/QH11 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ký ban hành, theo đó quyết nghị là:

“Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

Từng sai lầm do hoàn cảnh, thì nay cũng vì hoàn cảnh, cần sửa sai

Trở ngược lịch sử, trong Quyết định số 111/CP, do Chủ tịch Hội đồng Chính phủ – ông Phạm Hùng ký ban hành ngày 14 tháng 4 năm 1977 “Về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam”, ở Chương III “Đối với nhà đất của các đoàn, hội tôn giáo”, có ghi:

“Để bảo đảm thống nhất quản lý nhà cửa, bảo đảm tôn trọng tự do tín ngưỡng và căn cứ vào các chế độ, chính sách khác của Nhà nước, việc quản lý của các đoàn, hội tôn giáo ở các tỉnh phía Nam được quy định như sau:

1. Nhà nước bảo hộ mọi nhà thờ, chùa chiền, miếu mạc, thánh thất được thực sự và thuần tuý dùng vào việc thờ cúng hành đạo.

2. Nhà nước tịch thu toàn bộ nhà đất của các Đoàn Hội các tổ chức không được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động.

3. Nhà, đất của các đoàn, hội, các tổ chức khác và của các tôn giáo hiện đang cho thuê được giải quyết theo chính sách chung về nhà, đất cho thuê. Riêng đối với các nhà tập trung của các tổ chức, các tôn giáo đã cho hội viên, giáo dân của mình nhờ, hoặc ở thuê với giá rất rẻ mà không nằm trong phạm vi nơi thờ cúng, hành đạo thì Nhà nước có thể xét cấp hẳn cho người đang sử dụng.

4. Những nhà cửa đất đai khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì Nhà nước vận động thuyết phục giáo dân giao cho Nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung”.

Với quyết định nói trên, tháng 4/1977, cho thấy thời điểm đó xét về mặt quản lý hành chánh, Nhà nước Việt Nam chưa thừa nhận bất kỳ tôn giáo nào đang hoạt động tại miền Nam, tính từ bờ Nam Bến Hải đến Cà Mau.

Đây là thời kỳ mà nói như nhận xét linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn trong bài viết “Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)”:

“Cả hai miền trải qua một thời kỳ thử thách căng thẳng từ năm 1975 đến năm 1986, trước khi bước vào thời kỳ “đổi mới”, nhất là đối với những tín hữu Công giáo ở miền Nam, vì chưa có kinh nghiệm sống trong chế độ Cộng Sản như anh chị em ở miền Bắc.

Khi tất cả các cơ sở thờ phượng bị kiểm soát chặt chẽ, các cơ sở tu trì, từ thiện, giáo dục, kinh tế của Giáo hội miền Nam bị đóng cửa hay bị quốc hữu hoá, người tín hữu hết sức lo sợ, có người không dám đến nhà thờ. Các chủng sinh và tu sĩ, nhất là những người chưa khấn, được trả về để sống với gia đình.

Nhiều cộng đoàn như toà giám mục, nhà xứ, dòng tu, sau vụ đổi tiền ngày 22/9/1975 và ngày 3/5/1978 với mỗi hộ gia đình được đổi 200 đồng, không biết phải làm gì để sinh sống. Nhiều tu sĩ đã khấn đang hành nghề dạy học, bị buộc phải nghỉ dạy, không biết phải làm gì để tiếp tục đời tu. Nhiều người phải đi bán hàng rong, hay làm trong các tổ hợp đan mây tre lá, làm mành trúc,…

Đó là chưa kể nỗi lo sợ thường xuyên bị quản lý, theo dõi, khám xét nhà ở. Tuy nhiên, hầu hết đều trung thành trong ơn gọi của mình” – Trích “Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)”, linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, đăng trên trang web Tổng Giáo phận Sài Gòn – TP.HCM, ngày 25/11/2019 (https://tgpsaigon.net/bai-viet/cuoc-hoi-nhap-van-hoa-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-1533-2019-58836).

Nếu như từ vào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao. Theo đó, Việt Nam trả ngay một khoản “downpayment” hơn $8.5 triệu tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Sau đó, Việt Nam trả đều đặng số nợ còn lại từ tháng bảy, 1997 đến năm 2019 thì hết.

Và theo tin tức trên trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm 28/07/2020, thì “trong một email gửi cho VOA Tiếng Việt gần đây, người phát ngôn Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết: “Việt Nam đã hoàn tất các khoản thanh toán của mình. Kể từ ngày 31/12/2019, Việt Nam không còn nợ bất kỳ khoản nợ nào đối với bất kỳ cơ quan chủ nợ nào của chính phủ Hoa Kỳ”.

Làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành

Bình luận sự kiện “trả nợ” nói trên, từ Sài Gòn, luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng: “Sau những cuộc vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương tây, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã chấp nhận sự thừa kế quốc gia đối với các khoản nợ được vay bởi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.

Sự nhượng bộ này được phía Việt Nam gọi là sự “linh hoạt trên nguyên tắc”, hay “vận dụng linh hoạt có nguyên tắc luật pháp quốc tế theo đúng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bởi lúc bấy giờ phía Mỹ khuyến nghị Hà Nội “không nên giữ quan điểm cứng rắn nữa mà nên nhìn vào tương lai quan hệ hai nước để đi tới giải pháp…”.

Diễn biến thời cuộc như các tường thuật tóm lược ở phần đầu bài viết, cho thấy xét riêng về vấn đề đất đai tôn giáo, cần sự dũng cảm để “xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất từ sau tháng 4/1975”.

Bởi, như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 12/8 tại phiên họp Chính phủ, chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020: “Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (4)
  • comment-avatar
    Định Phong 4 years

    Kô thấy chính sách nào có lợi cho dân , chỉ có chính sách đẩy lạm phát lên cao , tăng giá điện , nước bòn rút người dân , bần cùng hóa thôi

  • comment-avatar
    Si Tran 4 years

    … Chính sách sai lầm dẫn đến chết người,… Rồi sửa sai có làm người chết sống lại,… Mất đất mất của sao cũng không thấy trả lại,… ?

  • comment-avatar
    Thái San 4 years

    Điều cần sửa đổi đầu tiên là đ 4 hp.

    • comment-avatar
      HÙNG CA SỬ VIỆT 4 years

      Thái San Cần thực hiện theo đúng Điều 4.3 của Hiến pháp 2013.