VNTB – Nếu tôi là lãnh đạo- sẽ không xảy ra vụ Đồng Tâm

VNTB – Nếu tôi là lãnh đạo- sẽ không xảy ra vụ Đồng Tâm

Giang Tử

 

(VNTB) – Kỳ thảm án Đồng Tâm khởi lên tranh chấp suốt 4 chục năm qua (1980-2020) cao trào kịch tính từ 2017- 2020 bùng nổ đẫm máu sắp đi vào hồi kết.

 

Mặc dù dư luận xã hội Việt Nam nôn nao, bức bối, hồi hộp chờ kết quả phiên tòa xử 29 người nông dân Đồng Tâm sắp tới, những người hiểu biết thời thế đã biết trước kết quả bị đát dành cho những nông dân bất hạnh. Tất cả 29 người lương dân kia chắc chắn bị trả thù trong khung hình phạt định sẵn. Ai cũng biết rằng vụ Đồng Tâm chỉ đem lại lợi ích cho một “nhóm lợi ích quân đội” thì cả hệ thống chính trị Đảng cũng sẽ kết thành một khối cứng rắn để chứng tỏ uy quyền của Đảng họ.

Thế thì, bao nhiêu luật sư biện hộ hay sự phản đối của công luận trong ngoài nước cũng sẽ chỉ là “gãi ngứa” hệ thống tư pháp thép gang của Đảng.

Tuy nhiên, nếu tôi là lãnh đạo Hà Nội, vụ Đồng Tâm sẽ không thể xảy ra.

 

Nhìn lại số phận “sân bay miếu môn”

 

Sân bay Miếu Môn đã được quân đội xây dựng tạm thời sơ sài từ năm 1968 phòng khi cần hạ cánh khẩn cấp hoặc ẩn giấu cho máy bay chiến đấu trong cuộc chống lại không quân Mỹ. Năm 1969 đã cho hạ cánh thử. Xây một hệ thống hấm giấu máy bay trong các dãy núi song song với đường băng và cách vài trăm mét.

Bên cạnh Miếu Môn, còn nhiều sân bay quân sự dự trữ khác như  sân Nội Bài, Vĩnh Phúc, Hòa Lạc, sân bay Kép tỉnh  Bắc Giang, sân bay Kiến An ở Hải Phòng, sân bay Thọ Xuân ở Thanh Hóa, một sân nữa ở Quảng Bình.

Gọi chung là các sân bay quân sự cấp hai dùng cho thời chiến tranh.

Ngày nay chỉ có sân bay Kép còn hoạt động hướng về biên giới Việt- Trung. Riêng sân bay Nội Bài cải tiến và nâng cấp thành sân bay dân sự – quốc tế.

Thời chiến tranh, quân đội là ông chủ toàn diện, muốn sử dụng đất đai ở đâu cũng được. Chẳng cần quyết định của chính phủ. Chỉ cần báo cho chính quyền địa phương biết rằng họ sử dụng khu đất nào đó là được. Không cần nói lý do vì là “bí mật quân sự”. Chẳng ai phàn nàn gì hết. Bao nhiêu sinh mạng người dân miền Bắc, hàng triệu trai tráng còn chẳng đắn đo huy động nhập ngũ ào ào vào chiến trường Lào, Campuchia và đặc biệt miền Nam, thì xá chi mấy chục mẫu ruộng đồng.

Đồng ruộng miền Bắc từ trước sau năm 1960 đã tuột khỏi chủ quyền nông dân, để thuộc về quyền quản lý của các “Ban chủ nhiệm Hợp tác xã” rồi. Do đó việc nhà cầm quyền muốn sử dụng đất nào cũng được vì Hiến pháp đã qui định rõ.

 

Quá trình sử dụng sân bay Miếu Môn

 

Chiến tranh kết thúc 1975.

Không còn nhu cầu dùng đất làm gì nữa, sân bay Miếu Môn chỉ còn có cái tên.

Lúc này nếu Chính phủ trả đất cho xã Đông Tâm thì chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên quân đội thời bình vẫn tham lam giữ lại.

Họ đổi tên nó là “trường bắn Miếu Môn”.

Cho lính đắp vài ụ đất cao một chút cho tân binh tập bắn đì đọp.

Đến khi không còn nhu cầu cho lính tập bắn thời bình nữa.

Đáng lẽ lúc này chính phủ giao trả đất cho xã Đồng Tâm thì chẳng có chuyện gì xỷ ra.

Nhưng quân đội lại giao cho Lữ đoàn 28 bộ binh về đóng doanh trại để giữ đất.

Cỏ dại mọc ngút ngàn. Cánh đồng ngàn năm nông dân bao thế hệ gìn giữ vun bồi nay trở nên hoang tàn lãng phí.

Nông dân Đồng Tâm tiếc rẻ đất bỏ hoang xin ký hợp đồng thuê lại đất của…chính mình để cấy trồng nộp tô % cho Lữ đoàn như ông địa chủ xưa.

Đám cán bộ Xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức câu kết với nhau chia chác một số đất làm nhà, vườn và trồng trọt.

Nông dân Đồng Tâm uất ức khiếu kiện dai dẳng lên thành phố và trung ương.

Kết quả tạm thời đạt một bước: 14 cán bộ xã và huyện đi tù và trả đất. Lữ đoàn 28 tiếp tục cho nông dân thuê đất nộp tô.

Đáng lẽ lúc này chính phủ nên giao đất cho chủ gốc hình thức danh nghĩa (hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm) để chia lại cho nông dân, dù sao họ có công khiếu kiện giữ đất khỏi rơi vào tay bọn ăn đất cấp Xã và Huyện.

Hàng nghìn năm nông dân trải qua công cuộc giữ đất bồi dưỡng đất (để không biến thành đất hoang) bỗng nhiên bị gom dồn hết vào Hợp tác xã và coi như vô chủ. Bỗng nhiên đất đai tổ tiên họ trở thành “đất quốc phòng” kể cả khi đất không cần dùng cho mục đích quân sự nữa.

Sau 1986 tạm gọi là mở cửa kinh tế thị trường, quân đội được bật đèn xanh làm kinh tế.

Các cơ sở kinh tế của quân đội, nổi bật là Tập đoàn viễn thông Viettel thèm thuồng nhòm ngó vùng đất ngoại ô Hà Nội béo bở, rắp ranh xây tường rào sở hữu.

Dân chúng ồn lên phản đối. Nhà nước công bố cánh đồng Sênh đó là “Công trình A1” có vẻ bí mật quân sự. Nhưng ai cũng thừa biết đó là cơ sở kinh doanh kinh tế thuần túy trong tay quân đội.

Nông dân Đồng Tâm lại ào ào khiếu nại cương quyết đòi phải giải quyết công bằng hợp lý.

Đáng lẽ, đây vẫn là lúc nhà cầm quyền trả lại ruộng đất cho nông dân.

Nhóm lợi ích kinh tế quân đội bắt tay nhà cầm quyền Hà Nội quyết giữ gần cánh đồng Sênh vì từ sau năm 1990 đất ruộng ngày càng có giá.

Thảm kịch đẩy lên hồi giằng co gay cấn và đổ máu cả hai bên.

Cả hệ thống chính trị không làm được công tác dân vận  và thương lượng với một thôn làng nhỏ bé.

Nhân dân đều hiểu rõ bản chất vụ án ô nhục này.

 

Kết

So sánh  thảm án Đồng Tâm 2020 với  vụ án Đồng Nọc Nạng 1928

Mức độ Vụ Đồng Tâm ác liệt, tàn bạo, có tổ chức và giằng co phức tạp vượt xa “vụ án đồng Nọc Nạn” năm 1928.

Vụ án Nọc Nạng tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức  và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan chức thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều. Vụ án gây thiệt mạng 5 người (4 người nông dân và 1 viên sĩ quan Pháp).

Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm người Việt là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco.

Tòa tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.

Làn sóng công luận  có vai trò kiểm soát chính quyền.

Báo chí Sài Gòn bấy giờ đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn. Nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ chịu bất công quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đẩy họ đến đường cùng.

Phóng viên Lê Trung Nghĩa – đã nhờ hai luật sư Tricon và Zévacon biện hộ cho gia đình Biện Toại.

Tại tòa, hầu hết tất cả báo chí Sài Gòn của người Việt và người Pháp đều có mặt.

Di tích Nọc Nạn, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Di tích gồm hai phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông.

Di tích ghi nhớ tội ác của bọn cường hào ác bá cấu kết quan chức địa phương cướp đất của nông dân.

Di tích ghi nhớ sự công tâm của Tòa án thực dân Pháp và luật sư Pháp công chính xét xử.

Vụ án Đồng Tâm thì sự thật đã quá rõ ràng qua các nhân chứng   đưa tin kịp thời.

Tiếc thay hàng trăm tờ báo, đài  bị cấm đến hiện trường trước, trong và sau thảm án để theo dõi đưa tin và khảo sát.

Tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình 500 triệu từ bốn phương gửi cho người đại diện bị công an chặn giữ lại và vu cho tiền của thế lực phản động.

So sánh đơn giản để thấy hai chế độ Thực dân và chế độ xã hội chủ nghĩa khác nhau thế nào.

Lịch sử sẽ ghi sâu vụ án này, sâu hơn vụ án Đồng Nọc Nạng.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)