VNTB – Ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh đố quốc dân

VNTB – Ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh đố quốc dân

 

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Gọi là ‘đánh đố’ vì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký một nghị định có nội dung gồm 138 trang khổ A4, cỡ chữ 12 với tổng số từ là 70.653. Ký ngày 30-12-2019, thực hiện ngày 01-01-2020, nghĩa là ký xong, chưa kịp đăng Công báo đã có hiệu lực thi hành.

Không ít người đoan chắc hồi đặt bút ký vào nghị định này, ông thủ tướng cũng không buồn lướt mắt qua, chứ đừng nói chi là ‘cầm đọc’ để hiểu sơ qua về các điều mà ông sắp đặt bút ký ban hành.

Khi chữ – nghĩa như… ‘đám rừng’

Nghị định có độ dày 138 trang giấy A4 với 70.653 từ nói trên có tên “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”. Phần “Căn cứ pháp luật” để ban hành nghị định này, thấy liệt kê như sau: “Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008; Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”.

Như vậy, các viện dẫn ở phần căn cứ cho thấy không tình tiết nào mang tính cấp bách đến mức nghị định ký ngày 30-12-2019, và khi chưa người dân nào biết đến nghị định ấy thì lập tức nó đã có hiệu lực thi hành vào ngày 01-01-2020.

Ngay cả những người khoác áo công vụ thực thi pháp luật được quy định ở nghị định này cũng không có thời gian đọc và so sánh về những khác biệt, bởi thực chất ở đây chỉ là một văn bản “thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” (trích Điều 84.2).

Có câu hỏi đặt ra: phải chăng nghị định ‘thần tốc’ chỉ nhằm mục đích để xử phạt liên quan đến ‘độ cồn’?

Ngoài ra, phần viện dẫn không có dòng nào về “Luật phòng chống tác hại của rượu bia”. Trong khi đó, Luật giao thông đường bộ năm 2008 không quy định xử phạt với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn, không xử phạt người điều khiển xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở.

Chưa biết rõ ‘pháp luật’ thì làm sao sống theo pháp luật?

‘Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật’ sẽ dừng lại ở khẩu hiệu khi mà người dân không có cơ hội biết và hiểu pháp luật đã có những quy định gì trong cuộc sống để người dân phải tuân thủ.

Để phổ cập, phổ dụng các văn bản pháp luật như nghị định có độ dày 138 trang giấy A4 với 70.653 từ như nghị định số 100 nói trên chẳng hạn, nó phải đạt được 04 điểm sau: (1). Nội dung của nó phù hợp với cuộc sống, không phải chỉ là ý chí, trình độ của những người soạn thảo hoặc một lực lượng cục bộ nào đó. (2). Mục đích của nó là nhằm giải quyết một mục tiêu nào đó – ở đây là an toàn giao thông, nhưng không làm phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực khác. Đó là điều cốt tử.

(3). Kỹ thuật trình bày phải dễ hiểu, phù hợp dân trí nói chung. (4). Với những nghị định có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới cuộc sống phải phổ biến trước, phổ biến rộng, phổ biến bằng những chương trình khả dụng để người dân nắm bắt. Thời hiệu nghị định được áp dụng không phải ngày tháng do “ông nhà nước” ấn định mà là khi thỏa mãn tương đối những yêu cầu trên.

Tiền, tiền, và… nhiều tiền hơn nữa

Một luật gia ở Sài Gòn đã bỏ công ngồi đọc và tìm điểm mới của nghị định được ban hành nhằm để thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, điểm mới là tăng mức xử phạt với 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó tăng mức xử phạt cao với 61 hành vi, nhóm hành vi.

Vài dẫn chứng, tăng mức phạt từ 2 đến 4 lần đối với “xe không chính chủ”, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (trước đây là 100.000 đồng đến 200.000 đồng) đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (trước đây là 200.000 đồng đến 400.000 đồng) đối với tổ chức là chủ xe nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (trước đây là 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng) đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (trước đây là 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng) đối với tổ chức là chủ xe nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Ngoài ra, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) còn tăng mức phạt đối với các trường hợp uống rượu, bia rồi mà còn lái xe ô tô với điểm mới nhất đang gây tranh cãi: người nào chỉ cần uống rượu, bia (dù chỉ nhắm môi) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp cũng bị xử phạt – trước đó, có nồng độ cồn vượt 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở mới bị xử phạt. Đồng thời, lần đầu tiên quy định xử phạt người uống rượu, bia mà còn ‘đạp’ xe đạp tham gia giao thông.

Thay lời kết

Trên giảng đường đại học luật, ngay năm đầu tiên sinh viên đã được dạy rằng, ‘Luật pháp là rường cột của những chính sách. Mà những chính sách sẽ liên quan tới tồn vong, phát triển của một quốc gia’. Chính sách pháp luật của một quốc gia không thể chỉ đơn giản vì ngân khố quốc gia cần tiền, nên giờ ‘cứ có cồn là phạt’, mà không xác định ngưỡng của ‘cồn – ethanol’ có trong rượu, bia mà người dân sử dụng và sau đó họ tham gia giao thông.

Một chút bên lề thay lời kết, theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính, lực lượng công an được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cho biết nếu tài xế sử dụng rượu, bia – dù chỉ mới nhấp môi, sẽ bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng. Như vậy, số tiền xử phạt đối với người vi phạm giao thông sẽ tăng vọt trong năm 2020, đồng nghĩa với việc lực lượng công an được giữ lại khoản tiền lớn tương ứng 70%.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)