VNTB – Ngân khố có cạn tiền?

VNTB – Ngân khố có cạn tiền?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định ngân sách nhà nước không bao giờ cạn kiệt.

Đe dọa thâm hụt tài khóa ngân sách quốc gia

Theo vị Bộ trưởng Tài chính, thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1.343 ngàn tỷ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán và ngành tài chính phấn đấu đạt 100%, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.

“Tôi khẳng định ngân sách nhà nước bảo đảm đầy đủ cho các nhiệm vụ chi đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao” – Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhấn mạnh.

Tuy nhiên – vẫn theo ông Hồ Đức Phớc, khoản dự phòng ngân sách đã được sử dụng hết.

Theo Luật Ngân sách, khoản dự phòng chiếm từ 2 – 4% tổng dự toán ngân sách. Năm 2021 được giao 17.500 tỷ đồng dự phòng ngân sách. Do sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 cho nên khoản dự phòng này đã hết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện tiết kiệm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Đến nay, đã tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên được khoảng 14.620 tỷ đồng.

“Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển khoản tiết kiệm này để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch hiệu quả nhất. Năm 2022, sẽ có khoản ngân sách riêng cho phòng chống dịch” – Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho hay như vậy.

Những giải thích mang tính trấn an ở trên của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho thấy đây là hệ lụy đến từ dịch bệnh Covid -19, vốn dĩ đã gây nên khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng trên thế giới. Hệ lụy tất yếu là sự thâm hụt tài khóa trong ngân sách quốc gia. Nợ công ngày càng tăng do bội chi ngân sách chính phủ có thể khiến quốc gia mất khả năng thanh khoản và vỡ nợ, điều này tác động xấu lên tăng trưởng và phát triển kinh tế, mức sống của người dân, và ổn định xã hội.

Có tham nhũng y tế hay không?

Ngày 14-9-2021, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2021, người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã yêu cầu cần thiết thực hiện kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, qua việc cần bổ sung thêm vào kế hoạch kiểm toán ngân sách trong năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

“Mục đích sử dụng và hiệu quả thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mà cái này có thể phải trường kỳ kháng chiến chứ không phải ngày một, ngày hai. Mẫu xét nghiệm đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”, ông Huệ phân tích.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội chúng ta huy động.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong năm 2022, Kiểm toán cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không?

“Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng? Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách của chúng ta rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn, cần làm rõ để chúng ta còn rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra”, ông Huệ nêu.

Nhìn từ “thần tốc” Hà Nội

Số liệu trên trang web Sở Y tế Hà Nội cho biết, về công tác lấy mẫu xét nghiệm, tính đến 12g00 ngày 14-9-2021, toàn thành phố đã lấy được 3.128.380 mẫu, phát hiện 19 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 2.311.514, có 1.114.197 mẫu âm tính và 14 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Trong số 816.866 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 47 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 05 ca dương tính.

Thử  tính chi phí hoạt động công khai từ số liệu kể trên bằng bài toán học trò cấp 1: Chi phí Test RT-PCR (lấy mẫu 100.000 đ/mẫu, xét nghiệm 634.000 đ/mẫu gộp, tạm tính mẫu gộp là 10.

2.311.514 * 100.000 = 231.154.400.000 đồng

2.311.514 * 634.000/10 = 146.549.987.600 đồng

Chi phí test nhanh (238.000 đồng/ mẫu)

816.866 * 238.000 = 194.414.108.000 đồng, Đơn giá lấy theo qui định của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28-5-2021.

Tổng chi phí cả 2 phương pháp: 572.115.495.000 đồng (năm trăm bảy mươi hai tỷ một trăm mười lăm triệu bốn trăm chín mươi lăm ngàn đồng).

Kết quả: Phát hiện được 19 F0.

Vậy chi phí để phát hiện 1 F0 là: 572.115.495.000 đồng/19 ca = 30.111.341.874 đồng /ca, tức là: Cuộc “thần tốc xét nghiệm” ở Hà Nội với kết quả bắt được 19 ca F0, cho ra chi phí để Hà Nội ‘bắt’ 1 F0 là 30,13 tỷ VNĐ.

Tính toán trên là chưa kể chi phí các nguồn lực khác của của cả xã hội phục vụ cho việc tổ chức xét nghiệm. Chi phí ngầm không tính được do tổ chức “thần tốc” có thể là nguồn lây nhiễm mới. Cũng chưa tính thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội trong thời gian này…

Mới chỉ đơn cử Hà Nội qua tính toán kể trên, có thể lý giải phần nào nguyên do vì sao ngân sách dự phòng năm 2021 lại sớm cạn kiệt như thông báo của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)