VNTB – Ngành y tế Việt Nam bắt đầu lúng túng?

VNTB – Ngành y tế Việt Nam bắt đầu lúng túng?

Mỹ Thuận

(VNTB) – “Hiện nay viện đã hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao nên sẽ không nhận mẫu từ các đơn vị và đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh chủ động triển khai xét nghiệm”.

Sáng 6-8, lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang cho biết đơn vị này có văn bản hôm 5-8 gửi 11 tỉnh, thành miền Trung về việc tạm hoãn tiếp nhận mẫu xét nghiệm Covid-19.

Trước đó, tại buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh, thành phố, sáng 2-8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Trung ương không cấp kit test nhanh (xét nghiệm máu tìm kháng thể), khuyến khích làm xét nghiệm rRT-PCR.

Giải thích về khuyến cáo trên, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam, nói rằng với dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiệm vụ số một là phải phát hiện kháng nguyên, tác nhân gây bệnh, tức virus SARS-CoV-2 ở những người đi về từ Đà Nẵng. Mục đích là cách ly, ngăn mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Vì thế, kỹ thuật cần dùng duy nhất là rRT-PCR.

“Khi chỉ định xét nghiệm sớm, kết quả sẽ luôn âm tính. Bởi kháng thể xuất hiện muộn, thường sau 7-15 ngày kể từ khi bị nhiễm. Xét nghiệm nhanh sớm gây lãng phí. Khi kết quả âm tính, chúng ta không thể biết người đó có còn virus trong cơ thể hay không. Để có câu trả lời, họ cần được xét nghiệm lại bằng kỹ thuật rRT-PCR.

Trong trường hợp kết quả dương tính, tình trạng “vồ hụt” sẽ xảy ra. Lúc này, người đó chưa chắc còn virus trong cơ thể. Thậm chí, khi người này từng nhiễm virus SARS-CoV-2, hậu quả là virus đã lây lan. Nguy hiểm nhất, người nhận được kết quả âm tính qua test nhanh sẽ cho rằng mình không bị nhiễm virus. Họ có thể chủ quan, dẫn đến nguy cơ nhiễm virus hoặc lây lan virus cho người khác.

Trong tình hình hiện nay, để phát hiện virus SARS-CoV-2, chúng ta không nên dùng xét nghiệm nhanh. Nếu dùng sẽ bị lạc đường. Vừa qua, tôi thấy một số động thái đáng mừng khi nhiều nhà khoa học lên tiếng về điều này”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, chia sẻ với báo chí ý kiến như trên.

Một câu hỏi tiếp theo đặt ra: vì sao ngành y tế Việt Nam không nhận ra điều này ngay từ đầu, hoặc từ vài tháng trước để có thể chuẩn bị đầy đủ nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao cho xét nghiệm rRT-PCR?

Không chỉ vậy, đơn vị tư nhân muốn lập trung tâm xét nghiệm mẫu Covid-19 đưa ra yêu cầu phải mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao của họ. Việc này cũng vướng quy định, bởi nếu mua cũng phải qua đấu thầu, đấu giá. Còn tự mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư cũng phải làm theo luật đấu thầu, đấu giá. Dù là ở trường hợp nào thì thời gian chờ đợi cho thủ tục cũng quá lâu.

Rất đáng ngại còn là việc – như nhận định với tư cách cá nhân của GS.TS Nguyễn Anh Trí, “Một số đối tượng đã cấu kết đưa người nước ngoài vào nước ta, khó kiểm soát được việc nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Dịch bùng phát bởi một chủng virus SARS-CoV-2 ngoại lai đã biến thể, lây lan nhanh hơn trước nhiều. Nguy hiểm là xảy ra trước hết và nhiều nhất trong các bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân nặng”.

***

Không thể là cả hai đều đúng, hay là sự lúng túng của ngành y tế?

Sáng 5/8, trong bản tin phát đi của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của UBND tỉnh Quảng Nam thông báo về 2 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó 1 trường hợp liên quan đến bệnh viện Bình An (Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nâng tổng số người có liên quan đến bệnh viện này là 5 người.

Cụ thể như sau – trích theo văn bản mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam đã gửi báo chí:

Trường hợp bệnh nhân thứ 626, nữ, 38 tuổi, ở khối phố Xuyên Đông (Đình An cũ), thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. “Ngày 18/7/2020, chị vào chăm mẹ chồng (bệnh nhân thứ 524, lúc này chưa phát hiện mắc COVID-19) đang điều trị tại Bệnh viện Bình An, thị trấn Nam Phước”…

Trường hợp 2 là bệnh nhân thứ 627: nam, 46 tuổi, ở tổ 4, khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. “Lúc 21g ngày 21/7, anh cùng với 2 con gái đến Bệnh viện Bình An thăm mẹ (lúc này bệnh nhân thứ 524 nhập viện tại đây và chưa phát hiện bệnh COVID-19)”…

Trường hợp 3 là bệnh nhân thứ 671: nam, 33 tuổi, ở thôn Phú Nham, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, làm thợ hồ… 16g ngày 22/7, bệnh nhân được xuất viện Bệnh viện Đà Nẵng về lại Bệnh viện Bình An – Duy Xuyên bằng taxi (không rõ biển số, tài xế). Tại Bệnh viện Bình An, bệnh nhân được chuyển lên phòng 204, khoa Đông y lúc 17g.

Trường hợp 4 là bệnh nhân thứ 592: nữ, sinh năm 1920, ở thôn Nam Thành, Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam. Theo báo cáo ghi, vào lúc 7g ngày 22/7, cụ bà vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bình An (trong thời gian từ 18 – 24/7, bệnh nhân L.T.D. 86 tuổi – ca 524 đang điều trị tại bệnh viện này được chuyển đi nhiều khoa như: Cấp cứu, khoa Nội, khoa Đông y. Bệnh nhân 524 đã tử vong ngày 2/8). Đến 9g, cụ bà được cho đi chụp phim, siêu âm, xét nghiệm và nhập viện tại phòng 508, khoa Nội, còn bệnh nhân 524 có lúc nằm ở phòng 505 và 507.  Khi nằm viện, cụ bà có tiếp xúc với con cháu đến thăm.

Trường hợp 5 là bệnh nhân thứ 591: nữ, sinh năm 1957, trú tại Lang Châu Nam, Duy Phước, Duy Xuyên. Vào lúc 9g ngày 26/7, bà sốt nên đến Bệnh viện Bình An, thị trấn Nam Phước khám bệnh, được hướng dẫn chụp phim, xét nghiệm máu, siêu âm, sau đó nhận thuốc về nhà.

Thế nhưng, Ban truyền thông của bệnh viện Bình An đã có văn bản, khẳng định: báo chí đã đưa tin sai đối với 2 trường hợp là bệnh nhân 591 và 592. Con số 5 người liên quan tới bệnh viện này là không đúng. Theo đó, trường hợp bệnh nhân thứ 591 không có lịch sử khám bệnh tại bệnh viện Bình An vào lúc 9g ngày 26/7 như báo chí đã cung cấp.

Đối với bệnh nhân thứ 592, chỉ điều trị 1 đợt duy nhất tại bệnh viện Bình An từ ngày 22/7 đến 26/7 (từ cấp cứu lên Khoa Nội tại phòng 508). Trong khoảng thời gian này người bệnh chưa có yếu tố nguy cơ và không có lịch trình chuyển Khoa Đông y để điều trị; ngày 26/7 đến ngày 27/7, bệnh nhân được chuyển từ phòng 508 đến phòng 507 của Khoa Nội, khoảng thời gian này người bệnh mới có yếu tố nguy cơ (cùng phòng với bệnh nhân 524).

Nếu đúng như bệnh viện Bình An cung cấp thông tin, có nghĩa là Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam sai. Đồng nghĩa với đó là khả năng chưa rõ có bao nhiêu F1 bị bỏ sót ngoài cộng đồng, bởi bệnh nhân thứ 591 và 592 đã di chuyển không theo hướng như trong báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)