VNTB – Ngày đi làm đầu năm quá nặng nề!

VNTB – Ngày đi làm đầu năm quá nặng nề!

Hiền Vương

Ngày mồng 6 Tết ở Việt Nam các công sở bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ để ‘ăn Tết”. Ở ngay ngày đi làm đầu năm mới Canh Tý, có quá nhiều tin xấu: 500 cảnh sát cơ động cùng xe thiết giáp, chó nghiệp vụ, flycam đang truy bắt một gã bài bạc là thượng úy công an xả tiểu liên AK làm chết 5 người dân ở Củ Chi, TP.HCM; Bộ Y tế thì xác nhận đã có 3 người Việt ở phía Bắc nhiễm virus corona…

Hệ lụy domino

Vào cuối giờ chiều ở ngày đầu tiên đi làm này, người ta lại dồn đập nhận tin tức hàm ý dịch bệnh vi rút corona/ Vũ Hán đang theo chiều hướng nghiêm trọng hơn tại Việt Nam, với việc Bộ Chính trị yêu cầu xem xét dừng các lễ hội đông người thường diễn ra ở tháng Giêng; phía Chính phủ thì thông báo đang cân nhắc cho học sinh nghỉ học, tạm dừng thổi nồng độ cồn nếu lo ngại lây lan dịch bệnh, và tính đến ngày 30-1, cả nước đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh để chống dịch.(1)

Thị trường tài chính Việt Nam trong phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý 2020 (30-1), chỉ số VN-Index đã giảm 31,88 điểm (3,22%) xuống 959,58 điểm. Áp lực bán không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước mà còn đến từ khối ngoại khi họ bán ròng gần 200 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào các Bluechips như VNM (công ty cổ phần Sữa Việt Nam), MSN (công ty cổ phần Tập đoàn MaSan), VJC (công ty cổ phần Hàng không VietJet), VCB (ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam)…

Mức giảm trên đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên 30-1, chỉ xếp sau thị trường Đài Loan.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Vietnam Airlines (mã HVN) và Vietjet Air (mã VJC) đều giảm sâu trong phiên 30-1. Cụ thể, cổ phiếu VJC giảm 4,4%, tương ứng vốn hóa Vietjet Air ‘bay hơi’ gần 3.500 tỷ đồng. Cổ phiếu Vietnam Airlines còn ‘thê thảm’ hơn khi giảm hết biên độ 7%, tương ứng vốn hóa mất đi gần 3.200 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không như ACV (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam), Taseco Air (AST) cũng giảm sâu trong phiên đầu xuân Canh Tý 2020.

Sang Việt Nam để ‘tỵ nạn’ dịch virus Vũ Hán

Trong bối cảnh chung đó ở ngày 30-1, người dân lại được nghe một cảnh báo kèm đe dọa từ Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm tại cuộc họp của Chính phủ vào chiều ngày 30-1.(2)

Theo ông Tô Lâm, “có xu hướng người Trung Quốc sang Việt Nam ở lại để tránh dịch”. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết từ khi xảy ra dịch, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc bắt đầu sụt giảm mạnh, với khoảng 15% khách dặt phòng bị hủy kể từ 24-1. Hiện các công ty lữ hành lớn của Việt Nam đã chủ động hủy tour, nhưng ở Đà Nẵng vẫn còn 11.700 khách du lịch Trung Quốc, Quảng Ninh còn 9.000 người, và ở Khánh Hòa là 3.000 người. Tuy nhiên, lại xuất hiện xu hướng khách Trung Quốc đi du lịch tự túc vào Việt Nam, một số bộc lộ ý định ở lại Việt Nam hoặc sang nước thứ 3 để tránh dịch.

Ông Tô Lâm nói rằng, “Dư luận người dân và các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, lái xe du lịch đều bày tỏ tâm lý lo ngại, nhiều trường hợp đã phản ứng gay gắt, đình công, treo biển không phục vụ khách Trung Quốc. Một số đối tượng chống đối đã lợi dụng tình hình này xuyên tạc, kích động, vu cáo, nói xấu Việt Nam bài trừ Trung Quốc trên mạng xã hội…”.

Nhà giáo Chu Mộng Long, Đại học Quy Nhơn cho rằng đe dọa của người đứng đầu Bộ Công an cho thấy là một lối chụp mũ vô lối.

“Thời nhỏ, tôi từng trải nghiệm qua dịch tả giết hàng chục nhân mạng ở quê tôi, nên tôi rất sợ dịch. Tôi viết nhiều bài về dịch là trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, cả đối với chính quyền trước đại dịch đang lây lan chứ không phải vì động cơ nào khác. Trong tình trạng đại dịch nguy cấp, mọi chụp mũ vô lối đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia, vì an ninh dịch bệnh chính là an ninh cao nhất, mong ngài hiểu cho! Trong chiến tranh, mọi cuộc chiến thành công đều nhờ sức mạnh toàn dân, gọi là “chiến tranh nhân dân”. Xem “chống dịch như chống giặc” mà loại trừ nhân dân ra ngoài cuộc, thậm chí có kẻ bạ đâu chụp mũ thù địch đó, liệu có thành công? Vũ Hán không là bài học nhãn tiền sao?”. Nhà giáo Chu Mộng Long bức xúc.

Các tù nhân liệu có được cảnh báo về nạn dịch này?

Lo ngại ở trên của ông Tô Lâm về “một số đối tượng chống đối” có lẽ sẽ còn phải chờ đợi vào cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra, dự tính diễn ra tối ngày 30-1 giờ Việt Nam. Tùy vào tuyên bố sau đó của WHO mà nói như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “Việt Nam sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế”.

Giả dụ như có một lệnh ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’ được ban hành, thì trong vô số lo lắng của cộng đồng, còn có nỗi lo mà tính đến nay vẫn chưa thấy giới truyền thông cả ‘lề trái’ lẫn ‘lề phải’ nhắc tới, đó là hệ thống các trại giam tù của nhà nước Việt Nam. Dịch bệnh từ virus corona nếu xảy ra ở các trại giam, chắc chắn rất nhiều tù nhân sẽ phải khốn đốn hơn gấp bội so người dân đang sống ngoài cộng đồng.

Chuột lâu nay vẫn được xem là gieo rắc căn bệnh dịch hạch đã gây nhiều trận dịch kinh hoàng với tỷ lệ tử vong rất cao trong lịch sử nhân loại. Nay với Canh Tý 2020 cho thấy xem ra linh vật đứng đầu 12 con giáp, ở ngày đầu năm mới toàn mang đến những tin xấu…

(1) https://tuoitre.vn/bo-y-te-thanh-lap-45-doi-phan-ung-nhanh-chong-dich-viem-phoi-20200130211713542.htm

(2) https://tuoitre.vn/thu-tuong-san-sang-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-y-te-ve-dich-virus-corona-20200130180826019.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)