VNTB – Người đạp rừng Võ Văn Thưởng?!

VNTB – Người đạp rừng Võ Văn Thưởng?!

Hiền Vương

(VNTB) – “Người đạp rừng” là từ để chỉ về một người có khả năng tìm con đường ngắn nhất, dễ di chuyển nhất từ nơi cưa hạ cây rừng, sau đó vận chuyển ra đến cửa rừng.

Thập niên 80 ở thế kỷ trước, một trong những ông vua phá sơn lâm ở vùng Tây nguyên, là tổ chức có tên “Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM”. Để mở được con đường từ cửa rừng vào bãi 1, tức khu rừng được chọn để chặt hạ, và rồi số gỗ này sẽ ‘tập kết’ xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), luôn cần đến sự am tường của một ‘thổ địa’ – người này có biệt tài tìm ra được hướng mở đường vận chuyển ngắn nhất, ít tốn kém nhất từ nơi khai thác ra bên ngoài cửa rừng. Người đạp rừng là tên gọi vắn tắt cho nghề này.

Sở dĩ nhắc tới vai trò chọn đường – mở đường của “người đạp rừng”, vì mới đây thấy trên báo chí đăng ông Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, có nói (đại khái), rằng: Công tác tuyên giáo cần tiếp tục ‘đi trước – mở đường’.

Theo bài viết trên báo Tuổi Trẻ (1), “Công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước – mở đường, đi cùng và phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng” – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng đã khẳng định như vậy khi kết luận hội thảo khoa học “Công tác tuyên giáo của Đảng – 90 năm chặng đường vẻ vang: thành tựu và tầm nhìn” (do Hội đồng lý luận trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 15-7).

Không rõ phóng viên tường thuật về buổi hội thảo khoa học này có nhầm lẫn gì hay chăng, hay đây là cách nhận định của biên tập viên, khi đặt tên cho bài tường thuật bằng thể văn khẳng định: Công tác tuyên giáo cần tiếp tục ‘đi trước – mở đường’.

Bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ (cả báo Dân Trí cũng cùng nội dung) có nhiều đoạn, nếu ai đó thử làm một phân tích kiểu vế này đối chọi hay tương thích với vế kia, sẽ thấy ngay nó mâu thuẫn nhau đến mức chan chát.

Đơn cử, đoạn nằm ở phần được rút tít “Tổng kết thực tiễn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận”, tường thuật: “Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương khẳng định công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước – mở đường, đi cùng phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Những đóng góp toàn diện, quan trọng của công tác tuyên giáo đã góp vào quá trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối đổi mới của Đảng; xây dựng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân”.

Đoạn cuối trong phần “Tổng kết thực tiễn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận”, lại tường thuật về nhận định của ông Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương như sau: “Cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng chính trị tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống giáo điều, cơ hội, xét lại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.

So sánh hai đoạn nói trên, cho thấy nếu như đã đạt điểm 10 cho yêu cầu tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước – mở đường, đi cùng phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, thì làm sao lại đưa đến hệ lụy của một điểm âm cho yêu cầu đẩy lùi khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống giáo điều, cơ hội, xét lại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”?

Phải chăng ở đây nếu dùng hình ảnh của người đạp rừng Tây nguyên, có thể suy diễn rằng con đường từ cửa rừng đến bãi 1 thay vì tối ưu nhất như tính toán, đàng này lại bất ngờ có nhiều con suối xuất hiện với đá tảng ngầm cản lối cho ‘xe be’ đưa gỗ ra bờ rừng?

Một dẫn chứng khác được nhiều người biết đến hơn: Lần nọ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông” (2).

Ngay cả người đứng đầu Đảng là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng không mấy chắc ăn, khi ông có nói rằng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (3).

Từ ‘than vãn’ của ông Bùi Quang Vinh, cho tới ‘không mấy chắc chắn’ như lời của ông Nguyễn Phú Trọng, cho thấy nếu ông Võ Văn Thưởng vẫn một mực yêu cầu công tác tuyên giáo cần tiếp tục ‘đi trước – mở đường, thì có lẽ cần giải thích thêm cho rõ, là trên con đường đó, thế giới có ai cùng đi hay không?; hay đó là khu rừng trơ trọi dành cho mỗi người đạp rừng của ban tuyên giáo trung ương? (4).

Nói thêm, bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ, đoạn gần phần kết, có viết: “Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho rằng thời gian tới, ngành tuyên giáo phải tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần trực tiếp hơn nữa trong giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc”.

Như vậy, nếu thử làm một trục so sánh về mức độ ngờ vực, rõ ràng điểm chung của ông Bùi Quang Vinh, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Võ Văn Thưởng, là đều không mấy tin tưởng thực sự có con đường mang tên xã hội chủ nghĩa.

___________________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/cong-tac-tuyen-giao-can-tiep-tuc-di-truoc-mo-duong-20200715123002274.htm;

 https://dantri.com.vn/xa-hoi/truong-ban-tuyen-giao-tu-vo-van-thuong-tuyen-giao-di-truoc-mo-duong-20200715151324018.htm

(2) https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/lam-gi-co-ma-di-tim-465805.html

(3) https://tuoitre.vn/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu-576098.htm

(4) http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/cong-tac-tuyen-giao-di-truoc-mo-duong-di-cung-phat-trien-doi-voi-tien-trinh-cach-mang-cua-dang-128769

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)