VNTB- Nguyễn Bá Thanh: Công và tội ở Đà Nẵng

Khúc Thừa Sơn

(VNTB) – “Đà Nẵng! Nguyễn Bá Thanh!” – cái tên gắn liền với thương hiệu thành phố rồi cũng đến ngày tắt nguội, công và tội dài lâu hậu nhân sẽ phán xét kỹ lưỡng và công bằng hơn.


Dư luận cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đều dành một sự quan tâm đặc biệt đến tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư thành ủy TP. Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung Ương sau mấy tháng ông Bá Thanh ra nước ngoài điều trị bệnh tật. Sự quan tâm của dư luận dành cho ông Bá Thanh, qua sự tìm hiểu của tôi, đã gặt hái được những ý kiến khá đa chiều mà bài viết này tôi chỉ lấy từ những ý kiến của người dân sinh sống tại Đà Nẵng để đánh giá về công và tội của ông Bá Thanh tại thành phố Đà Nẵng.

Là người có công với thành phố Đà Nẵng

Chiếc máy bay đưa ông Nguyễn Bá Thanh đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào tối ngày 9/1/2014 đánh dấu sau mấy tháng ông Bá Thanh ra nước ngoài điều trị bệnh tật không hiệu quả. Phải nói rằng cái tên Nguyễn Bá Thanh trở thành câu nói thường niên nơi cửa miệng hễ khi người dân khắp nơi nhắc đến Đà Nẵng, nó như một thương hiệu của một người miệng hét ra lửa , nói được làm được, không được thì “ hốt liền”. Chính vì lẽ này mà sự trở về của ông Bá Thanh tuy với tư cách là người đi chữa bệnh nhưng vẫn được sự quan tâm đặc biệt của người dân Đà Nẵng, với những bằng chứng là số đông người dân tụ tập tại sân bay Đà Nẵng ngóng chờ ông về hoặc có đến gần ngàn người dân nối thành hàng dài ở hai bên đường theo dõi đoàn xe đưa ông Bá Thanh vào bệnh viện Đà Nẵng, mặc dù không ai thấy được dung nhan hình ảnh của ông Bá Thanh ngay tại thời điểm nóng bỏng.

Tôi đã có dịp trò chuyện với chú Hải là người dân sống ở Đà Nẵng quan tâm và đánh giá đến nhân cách con người ông Bá Thanh được trích từ facebook cá nhân như sau: “Có nhiều người không thích, thậm chí căm ghét Bá Thanh, nhưng việc hàng ngàn người dân ra sân bay, đến cổng bệnh viện Đa khoa, đến trước cổng nhà riêng đón chờ ông về đã nói lên lòng mến mộ của dân chúng đối với ông. Tui không tin có một lãnh đạo địa phương hay Trung ương nào hiện nay có thể được đón chào như thế nếu họ rơi vào hoàn cảnh như ông”.

Kết thúc những chia sẻ, chú Hải không quên chúc ông Bá Thanh chóng bình phục bệnh để tiếp tục phục vụ cho dân cho nước chí ít là phục vụ cho riêng người dân và thành phố Đà Nẵng. Sau khi tách ra từ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng đã có những chuyến biến tích cực như kinh tế phát triển, cảnh quang khang trang, đẹp đẽ… xứng tầm đô thị loại một của cả nước. Nếu không xét đến tầm quan trọng sự đồng lòng vào cuộc của người dân cùng làm với chính quyền, có thể nói công lao lớn nhất dành riêng cho ông Bá Thanh với những chủ trương đúng đắn từ khi ông đảm nhận chức lãnh đạo thành phố.

Một người dân Đà Nẵng khác là ông Nam khi nghe tôi hỏi công và tội của ông Bá Thanh tại Thành phố Đà Nẵng thì ông Nam chia sẻ “ ông Bá Thanh có công Xây dựng phát triễn được thành phố Đà Nẵng đẹp, hiện đại”. Một ca khúc có tên “ Về Đà Nẵng đi anh” lời Nguyệt Vũ, nhạc Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào ngày 10/1/2015 tại Sài Gòn dành tặng cho nhân vật Nguyễn Bá Thanh sau khi ông Thanh rời Đà Nẵng và trở về. Hay để ca tụng những công trạng của ông Bá Thanh đã đóng cho thành phố Đà Nẵng, câu lạc bộ Trẻ đã cho ra một CD đĩa nhạc có tên “ Bóng mát cho đời, kính tri ân anh Nguyễn Bá Thanh” với các ca khúc “ Sống mãi với quê hương, bóng mát cho đời , sống mãi về anh…” .

Có thể nói , những ngày này ở Đà Nẵng đi đâu tôi cũng bắt gặp không khí thảo luận về tình hình sức khỏe của ông Bá Thanh. Rất nhiều sự thắc mắc về ông Bá Thanh còn sống hay đã chết mà không thấy báo đài nhà nước đưa hình ảnh hiện thực. Và những người yêu mến dành tình cảm cho ông Bá Thanh đều thể hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể.

Có điều, ngoài con số hàng trăm người yêu mến ca tụng công trạng của ông Bá Thanh thì cũng có đến hàng chục người dân kể tội của ông Bá Thanh đối với người dân và thành phố Đà Nẵng khi tôi hỏi.

Tội không nhỏ

Không ít người dân ở Đà Nẵng còn nhớ hình ảnh Thiếu tướng Trần Văn Thanh – Chánh thanh tra của Bộ công an – phải ra trước vành móng ngựa bằng cán cứu thương với dây truyền dịch, trong vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” vào năm 2007 kéo dài đến năm 2009 mới kết thúc, mà người bị xâm phạm lợi ích ở đây chủ yếu là ông Nguyễn Bá Thanh bị tố cáo rút ruột tiền xây dựng cầu Sông Hàn và xây dựng đường Bắc Nam.

Với hình ảnh ông tướng Thanh ra tòa như vậy, dư luận cho rằng hết sức tàn nhẫn. Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là người từng theo dõi phiên tòa nhìn thấy tướng Thanh ra tòa vậy đã phải thốt lên rằng “hành động vô cùng tàn bạo và man rợ, một phiên tòa chưa từng có trong lịch sử thế giới”. Vụ án sau đó tuyên án treo cho tướng Thanh.

Chưa dừng, ngay sau vụ án trảm tướng Thanh thì ông Bá Thanh lại liên can đến vụ cưỡng chế đất xóm đạo Cồn Dầu vào năm 2010 để xây dựng khu sinh thái. Có đến hàng trăm hộ dân xóm đạo Cồn Dầu bị công an đánh đập, có người tù tội, nhà cửa bị phá, mồ mả bị đào bới và rất nhiều gia đình ở đây đã nhờ đến các cơ quan quốc tế giúp đỡ đưa đi định cư ở nước ngoài; số còn lại thì trở thành dân oan đi khiếu kiện từ địa phương đến trung ương đến nay vẫn chưa dứt. Vụ cưỡng chế Cồn Dầu được không ít dư luận nhắc đến với cái tội dành cho ông Bá Thanh. Ông Nam chia sẻ “ông Bá Thanh giải quyết vụ Cồn Dầu thiếu tình người và làm mất di sản văn hóa một xóm đạo lâu đời”.

Thêm một tội sau cuối mà tôi quan tâm từ dư luận dành cho ông Bá Thanh là việc xây dựng tòa nhà hành chính của thành phố Đà Nẵng. Nhiều người dân khi đi ngang qua trục đường Trần Phú chiêm ngưỡng tòa nhà hành chính thành phố Đà Nẵng với trang trí xây dựng lạ mắt, hoành tráng cao ngất nhưng sẽ ít người trong số đó biết được sự có mặt của nó đã làm mất đi một phần lớn di tích lịch sử thành Điện Hải. Thành Điện Hải là nơi lưu dấu sự kiện năm 1858 quân liên minh Pháp – Tây Ban Nha đặt chân tại Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam và đã bị thất bại tại đây. Việc ông Bá Thanh cho phép xây dựng tòa nhà hành chính thành phố nằm ngay trong đất thành Điện Hải ban đầu đã có không ít dư luận phản ánh vụ việc nhưng việc xây dựng vẫn tiến hành xâm phạm di tích văn hóa lịch sử. Có người ví von nói đùa với tôi là tại ông Bá Thanh khi cho phép xây dựng tòa nhà hành chính không biết kiêng cử nên mới bị vong linh trách phạt dẫn đến tình trạng bệnh tật ngày hôm nay.

Công và tội ở mỗi người là chuyện thường tình ở đời, bởi chẳng ai ở đời là toàn vẹn công, cũng chẳng có ai là thánh thần, và ông Bá Thanh dù đã chết hay là còn sống thì vẫn chỉ là người bình thường như bao người trong cuộc đời này. Và lẽ dĩ nhiên “Đà Nẵng! Nguyễn Bá Thanh!” – cái tên gắn liền với thương hiệu thành phố rồi cũng đến ngày tắt nguội, công và tội dài lâu hậu nhân sẽ phán xét kỹ lưỡng và công bằng hơn.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)