VNTB – Nhận định Tân Hoa Xã: TPP sẽ không hoàn toàn là hoa hồng đối với Việt Nam

Thái Thịnh (VNTB/Xinhua) Trong một bài bình luận trên Tân Hoa Xã, tác giả Tao Jun và Quang Hua đã nhận định “TPP không phải tất cả hoa hồng cho Việt Nam”.

Theo đó, quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động kinh tế rất lớn vào Việt Nam, nhưng Việt Nam sẽ biết cách để tận dụng và đối phó với những thách thức.

Tác động kinh tế

TPP sẽ có tác động biến đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam và cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, Tân Hoa Xã dẫn lời nhận định của Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết tác động của TPP về Việt Nam dự kiến ​​sẽ là tích cực.

“TPP sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là mỏ neo quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của cải cách cơ cấu ở Việt Nam”, Sandeep Mahajan, nhà kinh tế WB tại Việt Nam cho biết trong tháng Mười Hai.

VNTB – Nhận định Tân Hoa Xã: TPP sẽ không hoàn toàn là hoa hồng đối với Việt Nam

Cụ thể, TPP có thể giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 8%, 17% cho xuất khẩu thực và tăng vốn cổ phần của đất nước thêm 12%.

Việt Nam cũng được hưởng lợi bởi lịch trình cắt thuế của TPP, nhất là trong ngành may mặc và giày dép xuất khẩu, đồng thời, quy tắc xuất xứ và sự lạc quan của nhà đầu tư có thể gia tăng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nestor Scherbey, Tổng giám đốc CTRMS Việt Nam có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với Tân Hoa Xã vào cuối tháng Mười Hai.

Cạnh tranh sẽ làm tăng năng suất, tham gia lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường động lực cho cải cách thúc đẩy cơ hội tăng trưởng. Xuất khẩu tăng và nhập khẩu cũng sẽ cho phép Việt Nam tiếp nhận đầu tư nhiều hơn và tăng trưởng nhanh hơn, Scherbey nói.

Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài lẫn Việt Nam cũng đã chỉ ra nhiều thách thức liên quan đến TPP. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức đáng kể trong việc thực hiện một thỏa thuận vốn yêu cầu kỷ luật nghiêm ngặt trong các lĩnh vực như lao động, mua sắm chính phủ và tạo thuận lợi cho thương mại.

Trong hai năm qua, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy thương mại bằng cách thực hiện hệ thống hải quan điện tử đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu và cải tiến thủ tục hành chính. Những thách thức chính hiện nay phải được giải quyết liên quan đến nhiều Bộ, ngành nhà nước, thong qua điều tiết nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa, Scherbey nói.

“Những lợi ích của TPP không thể đảm bảo cho kinh doanh hợp pháp và phát triển kinh tế ở Việt Nam khi môi trường vẫn dung túng gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả. Các đối tác TPP của Việt Nam sẽ không cho phép điều này và sẽ cung cấp cho Việt Nam các kỹ thuật hỗ trợ cần thiết để thực thi tuân thủ thương mại,” ông nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức khó khăn trong việc duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô cho phép điều chỉnh và khuyến khích đầu tư dài hạn. Giám đốc điều hành AmCham Hanoi Adam Sitkoff nói, Việt Nam cần phải cải cách luật để tạo ra một kinh doanh hấp dẫn và cạnh tranh hơn trong môi trường kinh tế toàn cầu.

“Việt Nam cần có một nỗ lực và nghiêm túc hơn để chống tham nhũng bằng cách xóa bỏ các khoản thanh toán bất hợp pháp. Tham nhũng đã ăn sâu ở Việt Nam và là mối nguy hiểm cho nền kinh tế cũng như toàn thể xã hội. Một bước tiến quan trọng hơn là hạn chế việc sử dụng các khoản thanh toán bằng tiền mặt,” Tân Hoa Xã trích dẫn nhận định Sitkoff.

Ông cho rằng, Việt Nam cũng cần phải đảm bảo rằng các cam kết WTO đang được thực hiện đúng thời gian, và với tinh thần tạo ra một môi trường kinh tế hiệu quả và cạnh tranh hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư và dịch vụ. Việt Nam cần đầu tư đủ nguồn lực và chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giáo dục để đảm bảo rằng Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động có tay nghề gồm các nhà quản lý, kỹ sư và kỹ thuật…

Theo Sitkoff, Việt Nam cũng cần phải có những hành động quyết liệt hơn để giải quyết các vấn đề đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng. Và Việt Nam cần phải đi về phía trước với những nhiệm vụ khó khăn của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo chúng được quản lý minh bạch, trách nhiệm [giải trình] hơn, và cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong và ngoài nước, ông nói.

Thách thức đối với công nghiệp số

Ít nhất có 10 cam kết hàng hóa và dịch vụ của TPP là cao hơn so với WTO, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Thương mại Việt Nam cho hay. Các cam kết liên quan đến thuế xuất khẩu, mở ra các dịch vụ và đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, ‘thị trường mua sắm, doanh nghiệp nhà nước’ hoạt động theo cơ chế thị trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương mại kết hợp với bảo vệ môi trường, thương mại điện tử, minh bạch và chống tham nhũng, tạo điều kiện làm việc, và cho khởi kiện chính phủ trong một số trường hợp đặc biệt.

Chuyên gia nước ngoài cho biết TPP sẽ hỗ trợ xé bỏ các rào cản thương mại trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và mua sắm chính phủ, trong khi thiết lập các tiêu chuẩn mới trong quyền lao động, bảo vệ môi trường và các quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Việt Nam trong các lĩnh vực, ông Tú nói.

“Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, mua sắm chính phủ thường chiếm đến 40% GDP. Sự mở cửa của thị trường mua sắm chính phủ, trừ các dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng, sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đối với dự án có vốn tầm trung và lớn”, ông Tú nói. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang hạn chế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, ông lưu ý.

Tất cả các cam kết TPP đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi nhiều luật, bao gồm cả liên quan đến việc mua sắm chính phủ, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp và sở hữu trí tuệ, ông Tú nói.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng nhiều ngành kinh tế của Việt Nam có khả năng cạnh tranh thấp, khó thâm nhập vào các thị trường TPP khác. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm sơ chế với giá trị gia tăng thấp, trong khi quy mô xuất khẩu còn nhỏ, dẫn đến khó khăn để đảm bảo tăng trưởng bền vững hoặc bị các thị trường nước ngoài chiếm ưu thế.

Quy tắc xuất xứ, trong đó yêu cầu một mặt hàng xuất khẩu được sản xuất chủ yếu bằng nguyên nhiên liệu của các thành viên TPP, không phải là một nước thứ ba bên ngoài nhóm TPP, sẽ gây ra đau đầu lớn cho nhiều nhà sản xuất Việt Nam trong các lĩnh vực như may mặc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam phải nhập khẩu trên 80% gỗ để sử dụng để làm đồ gỗ. Tính trung bình, mỗi năm cả nước nhập khẩu gần 3,5 triệu mét khối gỗ, với 65% là gỗ. Bên cạnh đó, năng suất lao động trong ngành công nghiệp đồ gỗ Việt Nam còn thấp. Một công nhân Việt Nam có thể sản xuất, trung bình 1,9 chiếc ghế gỗ/ ngày, so với 4,5 sản phẩm của Trung Quốc.

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết liên quan đến ngành công nghiệp khoa học và công nghệ trong nước, TPP đặt ra những thách thức nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt là các yêu cầu nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ và chất lượng hàng hoá. Theo thỏa thuận, xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ bị quy kết là tội phạm, trong khi Việt Nam chỉ thực hiện hình phạt tài chính.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cả nước hiện có gần 600.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 90% là vừa và nhỏ, và chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu.

Tình hình trong nông nghiệp Việt Nam cũng tương tự – có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và năng suất lao động thấp. Thậm chí đối với mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, bao gồm cả cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, sẽ khó thâm nhập vào thị trường TPP lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản – vốn sẽ áp đặt các rào cản phi thuế quan cao hơn, các chuyên gia cho biết.

Mười hai nước tham gia TPP, bao gồm Singapore, Brunei, New Zealand, Chile, Hoa Kỳ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, thỏa thuận thương mại tự do này đạt được sự đồng thuận trong tháng 10 năm 2015 sau 5 năm đàm phán. TPP sẽ chiếm gần 40% GDP toàn cầu.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)