VNTB – Những người vợ sẵn sàng hy sinh vì chồng…

VNTB – Những người vợ sẵn sàng hy sinh vì chồng…

Lâm Viên

(VNTB) – Theo tường thuật của báo chí, sở dĩ ông Son bị kêu đến án tử vì chưa chịu nộp 3 triệu USD tiền khắc phục hậu quả của hành vi nhận hối lộ, sau một ngày ông được cho gặp gia đình để bàn bạc.

Cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ ‘hy sinh’ có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi” – trích thi phẩm Cảm xúc của Hồ Dzếch, trong tập thơ Quê ngoại, 1935-1942.

Nếu chữ ‘hy sinh’ có ở đời”, câu thơ này thật thấm thía với tình cảnh của cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, khi ông phải nhận mức án đề nghị “tử hình” từ Viện kiểm sát trong vụ án đình đám đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo tường thuật của báo chí, sở dĩ ông Son bị kêu đến án tử vì chưa chịu nộp 3 triệu USD tiền khắc phục hậu quả của hành vi nhận hối lộ, sau một ngày ông được cho gặp gia đình để bàn bạc.

Trong bản luận tội vào sáng ngày 20-12, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đánh giá cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son “chưa ăn năn hối lỗi”, đề nghị hội đồng xét xử phạt 16-18 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, án tử hình do Nhận hối lộ; hình phạt chung là tử hình. Căn nhà do vợ chồng ông Son đứng tên tại ngõ 36 C1 Lý Nam Đế cần kê biên để đảm bảo thi hành án vì “chưa nộp lại tiền”.

Trong hầu hết các vụ án hình sự liên quan những tội danh như trên, đặc biệt là trong án liên quan đến kinh tế, yếu tố “tiền khắc phục hậu quả” luôn được xem trọng khi cân nhắc các mức án sẽ tuyên – dĩ nhiên ngoại trừ những vụ án chứa nhiều ẩn tình như trong vụ Epco – Minh Phụng, hay Tamexco trước đây.

Từng là một ủy viên trung ương đảng nên ngay khi diễn ra phiên tòa hình sự, ông Nguyễn Bắc Son nhận được sự ưu ái mà khó thể tìm thấy trong những vụ án liên quan tham nhũng khác.

Hôm 19-12, phiên tòa đã dừng không làm việc để cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bàn với gia đình cách khắc phục hậu quả của hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, tức hơn 66 tỷ đồng Việt Nam. Theo luật pháp Việt Nam thì số tiền ông Son nhận hối lộ là đặc biệt lớn, gấp hơn 60 lần mức khởi điểm của tội Nhận hối lộ có hình phạt tới án tử hình.

Đây là hành vi nhận hối lộ lớn nhất được điều tra từ trước đến nay. Do đó việc bị cáo chưa hoàn trả số tiền bất chính sẽ là tình tiết bất lợi khi tòa án quyết định mức phạt. Nói theo ngôn ngữ pháp chế xã hội chủ nghĩa, cựu bộ trưởng 66 tuổi sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là khắc phục hậu quả, trong khi đây là yếu tố quyết định trong đường lối giải quyết các vụ án về tham nhũng.

Tại phiên tòa có tình tiết phía kiểm sát viên đã trưng ra một lá thư mà ông Son viết gửi về gia đình. Báo chí có trích đăng lá thư đó như sau: “Anh rất mong em và các con tha lỗi cho anh. Anh rất đau khổ trong những tháng ngày đã qua song anh luôn luôn tin tưởng em sẽ vững vàng thay anh gánh vác việc nhà như em đã từng làm trong thời gian anh vắng nhà trước đây khi còn công tác. Lý ạ, anh đã khai báo với cơ quan điều tra về việc sau khi ký hợp đồng mua bán hoàn tất, Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền 3 triệu USD”.

Lý” là tên người vợ của ông Son. Bà Lý không có mặt ở phiên xét xử chồng mình. Bà Lý cũng không đồng ý việc giúp chồng ‘khắc phục hậu quả’ về số bạc tham nhũng tương đương 66 tỷ bạc Việt Nam đó.

Với người đàn bà của ông Phạm Nhật Vũ, một bị cáo cùng hầu tòa trong vụ án này, thì mọi việc trái ngược hẳn.

Trong phần xét hỏi những người có liên quan, tòa đã cho gọi vợ của cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ là bà Ekaterina Valerievna Kolmakova (sinh năm 1980). Bà Kolmakova nói tiếng Việt khá thuần thục và bày tỏ nhiều sự tôn trọng, sẻ chia với chồng mình.

Người đàn bà ngoại quốc đó trước tòa dõng dạc bằng tiếng Việt. Bà không hề cầu xin. Nếu tinh ý mọi người sẽ thấy bà sử dụng ngôn từ của thách thức. Bà đem chính mình ra thách thức.

Bà gắn kết số mạng chồng vào số mạng mình: “Sợi dây liên kết duy nhất của tôi tại Việt Nam là anh Vũ… Chúng tôi còn nợ lại 1000 tỷ, bắt giam chồng tôi có đáng không?”. Đó là hỏi chứ không xin. Đồng nghĩa với việc nếu chồng bà xảy ra chuyện gì thì bà dắt con về nước. 1000 tỷ coi như xù. Nếu chồng của bà được khoan hồng, bà có thể dùng tài sản tại nước nhà trả nợ thay cho chồng.

Vợ của cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn, nói trước tòa là số tiền 200.000 USD tức hơn 4,4 tỷ đồng không thấy ông Tuấn mang về nhà, nhưng bà đã thu xếp hoàn lại mong được khắc phục phần nào hậu quả để mong chồng của mình được giảm nhẹ hình phạt.

Hai bị cáo Lê Nam Trà và Cao Duy Hải cũng được gia đình nộp lại toàn bộ số tiền ‘nhận hối lộ’ là 2,5 triệu USD với ông Trà, và hơn 11 tỷ đồng của ông Hải.

Là người vợ, tôi chứng kiến sự việc khi xảy ra, chồng tôi đã đứng lại chịu trách nhiệm, không trốn tránh, không bỏ đi dù có cơ hội ở nước ngoài, dù nhiều người khuyên. Anh Vũ tâm sự mình khắc phục không lấy tiền của người dân và nhà nước, tôi cũng đồng ý với chồng thực hiện việc này”, bà Kolmakova kể lại, và mong muốn Hội đồng xét xử cho bị cáo Phạm Nhật Vũ hưởng sự khoan hồng đặc biệt.

Chợt nghĩ, hồi xưa bên Tàu có Ngu Cơ đồng quy vu tận cùng Hạng Vũ. Thời vụ án Nam Cam khuấy động giang hồ, người ta đã thấy Trúc Mẫu Hậu – người đầu ấp tay gối với ông trùm, đã chọn ‘sai cùng sai’ với Năm Cam. Vợ của bầu Kiên trong vụ án ngân hàng hồi nào, vẫn cùng chồng sát cánh dù ngày tù tội…

Có nhiều người đàn bà đứng sau lưng người đàn ông của mình, biết họ sai đó không cản được chỉ có chờ ngày giải quyết hậu quả mà thôi. Đàn bà ngu khôn đều có mặt tốt, xấu nhưng đàn bà khi đã bất chấp thì không ai cản được. Đàn bà suy tính cây kim, cọng chỉ nhưng đàn bà bất chấp thì mạng có thí cũng là thường tình. Đàn bà đáng sợ nhất, khó đoán nhất là đàn bà bất chấp vì một người đàn ông.

Đàn ông dù có uy phong thần võ cách mấy hơn thua nhau là có được bên mình một người đàn bà bất chấp hay chưa?

Ông Son dù là người từng quyền uy đến mức khi nhận hối lộ, thì khoản tiền đó phải tính bằng bạc chục ngàn tỷ cho chỉ một cú áp phe. Thế nhưng ông Son lại không có được bên mình một người đàn bà như Năm Cam, như bầu Kiên…

Một so sánh có thể khập khiểng, ngay cả trong phiên xét xử bị bố ráp, khủng bố bằng nhiều hình thức, song những người vợ của các ‘tù nhân lương tâm’ luôn sát cánh cùng chồng. Họ xứng đáng được tôn vinh như câu thơ hồi nào của Hồ Dzếch:

Cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ ‘hy sinh’ có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)