VNTB – Ông Phạm Chí Dũng và Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

VNTB – Ông Phạm Chí Dũng và Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Nguyễn Thị Huyền

(VNTB) – Tôi có đọc một bản tin trên VOA, “Đồng Tâm, Phạm Chí Dũng liệu có ‘gây khó’ cho EVFTA?”, ký tên tác giả Khánh An, phát hành ngày 19-1-2020. Bài báo có đoạn cho biết nhà báo Phạm Chí Dũng bị “tạm giữ” vì đã “thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà không đăng ký theo luật pháp Việt Nam, sử dụng mạng xã hội để viết, xuyên tạc và truyền bá tin giả về các chính sách và luật pháp Việt Nam nhằm kích động và gây rối an ninh công cộng, gây hoang mang và lo lắng trong nhân dân và sự ổn định xã hội”.

Tôi không biết về hiện tình của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, nhưng vì quan tâm đến việc Việt Nam thực hiện cam kết trong thỏa thuận các FTA, trong đó sẽ sớm có điều khoản về quyền tự do lập hội ở Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế, nên ở bài viết này tôi muốn chia sẻ đôi điều về tính pháp lý của Hội nhà báo độc lập Việt Nam.

Nói thêm, tôi hiện không là hội viên của tổ chức có tên Hội nhà báo độc lập Việt Nam.

Tính pháp lý của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam và trang web của tổ chức này

Thứ nhất, Hiến pháp 2013, Điều 25, ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Trong họp báo ngày 9-12-2013 về “Công bố lệnh của chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Nghị quyết Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, nói: Những quyền như biểu tình, hội họp, nếu trong Hiến pháp 1992 là phải theo quy định của pháp luật, thì lần này xác định Hiến pháp đã quy định thì quyền đó là có, không phải chờ đến luật và pháp luật nữa.

“Nhưng luật sẽ quy định trình tự, thủ tục tạo điều kiện cho công dân thực hiện các quyền này. Hạn chế quyền phải là luật, song tạo điều kiện cho quyền sẽ là pháp luật, vì thang bậc rộng hơn sẽ làm lợi cho người dân nhiều hơn”, ông Phan Trung Lý nhấn rõ.

(http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/152905/se-co-luat-ve-bieu-tinh–lap-hoi.html)

Như vậy, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” chưa được xem là tổ chức hội, vì đến nay vẫn chưa có luật về lập hội. Tuy nhiên, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, được bảo hộ bởi Điều 25, Hiến pháp 2013. Và vi phạm nếu có ở đây là tổ chức có tên “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” chưa thực hiện theo bộ thủ tục hành chính liên quan về việc thành lập hội đoàn dân sự mà Nhà nước quy định.

Thứ hai, nguyên tắc pháp lý của dịch vụ blogger do Google cung cấp. Ở đây là tôi đơn cử, vì không rõ trang web của Hội Nhà báo độc lập có hay không phát triển trên nền tảng blogger. Đây là nền tảng miễn phí của Google, và phải tuân theo những điều khoản nguyên tắc mà Google đưa ra (trích):

Lời nói kích động sự thù địch: Các sản phẩm của chúng tôi là nền tảng cho tự do ngôn luận. Tuy nhiên, chúng tôi không hỗ trợ nội dung mà khuyến khích hoặc dung túng cho bạo lực chống lại các cá nhân hoặc các nhóm dựa trên chủng tộc, tôn giáo, khuyết tật, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, tình trạng cựu chiến binh hoặc giới tính/ xu hướng tình dục hoặc có mục đích chính là kích động hận thù trên cơ sở những đặc điểm cốt lõi này. Đây có thể là hoạt động cân bằng tinh tế nhưng nếu mục đích chính là tấn công một nhóm được bảo vệ thì nội dung đó đã vượt quá giới hạn được phép.

Nội dung thô tục: Không đăng nội dung chỉ để gây sốc hay đồ họa. Ví dụ: các bộ sưu tập hình ảnh cận cảnh của những vết thương do súng đạn hoặc cảnh tai nạn mà không có ngữ cảnh hoặc nhận xét bổ sung sẽ vi phạm chính sách này.

Bạo lực: Không đe doạ người khác trên blog của bạn. Ví dụ: không đăng các nội dung đe dọa đến tính mạng của một người hoặc nhóm người khác và không đăng nội dung khuyến khích người đọc của bạn có hành động bạo lực chống lại một người hay một nhóm người khác.

Quấy rối: Không quấy rối hoặc bắt nạt người khác. Bất cứ ai sử dụng Blogger để quấy rối hay bắt nạt có thể bị xóa nội dung vi phạm hoặc bị cấm vĩnh viễn khỏi trang web. Quấy rối trực tuyến cũng là bất hợp pháp ở nhiều nơi và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi ngoại tuyến.

Bản quyền: Chính sách của chúng tôi là phản hồi các thông báo rõ ràng về vi phạm bản quyền. Bạn có thể tìm thấy thông tin khác về các quy trình liên quan đến bản quyền của chúng tôi. Ngoài ra, xin vui lòng không cung cấp các liên kết đến các trang web mà người đọc có thể tải xuống trái phép nội dung của người khác.

Thông tin cá nhân và bí mật: Không được xuất bản thông tin cá nhân và bí mật của người khác. Ví dụ: không đăng số thẻ tín dụng, số an sinh xã hội, số điện thoại riêng tư và số giấy phép lái xe của người khác. Ngoài ra, hãy nhớ rằng trong hầu hết các trường hợp, thông tin đã có sẵn ở nơi khác trên Internet hoặc trong các hồ sơ công cộng không được coi là riêng tư hay bí mật theo chính sách của chúng tôi.

Mạo danh người khác: Xin đừng lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người đọc bằng cách giả vờ là một người khác hoặc giả vờ đại diện cho một tổ chức trong khi thực tế bạn không như vậy. Chúng tôi không nói là bạn không thể xuất bản văn thơ nhại hay châm biếm – chỉ cần tránh những nội dung mà có thể khiến người đọc nhầm lẫn về danh tính thực sự của bạn.

Các hoạt động bất hợp pháp: Không sử dụng Blogger để tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp hoặc để thúc đẩy các hoạt động nguy hiểm và bất hợp pháp. Ví dụ: không viết blog khuyến khích mọi người uống rượu và lái xe. Xin cũng đừng sử dụng Blogger để bán hoặc quảng cáo ma túy. Nếu không, chúng tôi có thể xóa nội dung của bạn. Ngoài ra, trong các trường hợp nghiêm trọng chẳng hạn như những trường hợp liên quan đến lạm dụng trẻ em, chúng tôi có thể báo cáo bạn với cơ quan chức năng.

Hàng hóa và dịch vụ được quản lý: Không sử dụng Blogger để bán hoặc tạo điều kiện cho việc bán hàng hóa và dịch vụ được quản lý như rượu, cờ bạc, dược phẩm và các thực phẩm chức năng chưa được phê duyệt, thuốc lá, pháo hoa, vũ khí hoặc các thiết bị y tế/sức khỏe.

Spam: Spam có nhiều hình thức trong Blogger, tất cả mọi hình thức đều có thể dẫn đến việc xóa tài khoản hoặc blog của bạn. Một số ví dụ bao gồm việc tạo các blog được thiết kế để hướng lưu lượng truy cập đến trang web của bạn hoặc để thăng hạng trang web trong danh sách tìm kiếm, đăng nhận xét lên blog của người khác chỉ để quảng bá trang web hoặc sản phẩm của bạn và xóa bỏ nội dung hiện có khỏi các nguồn khác vì mục đích chính là mang lại doanh thu hay lợi ích cá nhân khác.

Phần mềm độc hại và vi rút: Không tạo các blog lan truyền vi rút, khiến cửa sổ bật lên, cố gắng cài đặt phần mềm khi chưa nhận được sự đồng ý của người đọc hoặc làm ảnh hưởng đến người đọc với mã độc hại. Điều này bị nghiêm cấm trên Blogger.

(Dừng trích, tham khảo đầy đủ tại: www.blogger.com/content.g?hl=vi)

Thứ ba, tương đồng về nguyên tắc quản lý. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm chỉnh Công ước Viên năm 1969 về điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều 26 và 27 Công ước đã đề ra nguyên tắc nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết quốc tế, tức là một khi quốc gia tự nguyện ràng buộc bởi một cam kết quốc tế, thì cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó có trách nhiệm pháp lý quốc tế phát sinh từ cam kết đó mà không được viện dẫn bất cứ lý do gì, kể cả lý do về pháp luật quốc gia để biện minh cho việc không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết.

Như vậy, các nội dung nêu tại www.blogger.com/content.g?hl=vi, phù hợp với Điều 25, Hiến pháp 2013; tương đồng đối với Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 09/2014/TT-BTTTT.

Thực tiễn cho thấy, Điều 20.4 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP, chưa cập nhật điều chỉnh về loại hình mạng xã hội trên nền tảng mã nguồn mở như blogger, facebook, youtube, workpress… Như vậy, trường hợp trang web của Hội nhà báo độc lập Việt Nam hoạt động theo quy định của nhà cung cấp Google, không tạo sự đối nghịch với quy định pháp lý liên quan (như đã dẫn), cho thấy chưa có căn cứ pháp lý để yêu cầu chấm dứt hoạt động của trang web ở tổ chức này.

Nếu các nội dung trên trang web của tổ chức Hội nhà báo độc lập Việt Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản luật liên quan, như Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Xuất bản…

Tôi nghĩ rằng trang web của tổ chức có tên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, tất nhiên sẽ có nhu cầu trước tiên là đăng những bài viết thể loại báo chí của chính hội viên, và cả những công tác viên được Hiến định tại Điều 25, Hiến pháp 2013.

“Văn dĩ tải đạo” (chở đạo lý) hay “tái đạo” (khôi phục đạo lý) là nhiệm vụ đầu tiên của người làm báo. “Đạo lý” đó không chỉ là lý thuyết dân chủ suông, mà là làm sao ứng dụng các lý thuyết đó trong đời sống hàng ngày. Khi chạm đến những vấn đề sống còn đó của người dân, chính là nói thay người dân. Ý của người làm báo sẽ là ý của dân và ý của trời (vox populi, vox dei).

Với cách lập luận từ những viện dẫn pháp lý mà tôi tự tìm hiểu, cho phép tôi nghĩ rằng ở đây nếu chỉ cáo buộc hành vi vi phạm điều luật hình sự đối với ông Phạm Chí Dũng, song lại không chỉ rõ về những bài báo liên quan nào trên trang web của tổ chức có tên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, mang nội dung xuyên tạc và truyền bá tin giả về các chính sách và luật pháp Việt Nam nhằm kích động và gây rối an ninh công cộng, gây hoang mang và lo lắng trong nhân dân và sự ổn định xã hội như lời của Đại sứ Vũ Anh Quang, thì rất dễ đưa đến cách nghĩ về ‘chụp mũ’ chính trị.

Bởi về mặt nguyên tắc, hệ thống pháp luật dân sự và hành chính của Việt Nam hoàn toàn xử lý được mọi thông tin gọi là ‘xuyên tạc, truyền bá tin giả’, chứ không cần đến việc đưa điều luật ở chương về An ninh quốc gia của Bộ Luật hình sự vào những trường hợp này.

Xin nhắc lại, những ý kiến nói trên là thuần túy từ góc nhìn cá nhân qua căn cứ theo dõi các bài viết đăng trên trang web của Hội nhà báo độc lập Việt Nam.

Mong rằng với những thiện chí của Nhà nước Việt Nam như lời của Đại sứ Vũ Anh Quang mà VOA đã trích đăng hôm 19-1, sẽ có một danh sách tù nhân chính trị, bao gồm cả trường hợp của ông Phạm Chí Dũng sớm được Nhà nước Việt Nam trả lại sự tự do để các ông, bà đó có thể ăn cái Tết sum vầy với người thân.

Ba mươi chưa phải là Tết. Tôi thật sự mong các anh, chị tù nhân chính trị sớm được đoàn viên cùng gia đình.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)