VNTB – Phạm Chí Dũng – Đừng mặc định duy ý chí chuyện “lề báo”

VNTB –  Phạm Chí Dũng – Đừng mặc định duy ý chí chuyện “lề báo”

Ánh Liên

(VNTB) – Người viết báo và cơ quan báo chí cần tỉnh táo, sáng suốt, khách quan, trung thực, công tâm, đúng mực trong việc xem xét, đánh giá mọi vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia dân tộc.

 

Ông Phạm Chí Dũng (PCD) xuất thân trong gia đình là quan chức tập kết, gốc người tỉnh Đồng Tháp, có vợ là dân gốc Long An. Ông hoàn thành luận văn tiến sĩ kinh tế với sự hướng dẫn của GS Trần Trung Hậu (Đại học Tổng hợp TP.HCM, Trưởng khoa Kinh tế – Chính trị), nên thế mạnh dễ thấy nhất của ông PCD là các góc nhìn nghiêng về Kinh tế – Chính trị. Ông PCD thuộc lứa sinh viên chịu ảnh hưởng mạnh về tư tưởng cấp tiến, đổi mới thể chế của GS Trần Trung Hậu.

Một người viết báo khoa bảng

Ông PCD từng tham gia trong bộ máy chính quyền, từng là Đảng viên Đảng Cộng sản, nên ông cũng tường tận nhiều câu chuyện mang tính hậu trường chính trị. Ông còn từng là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, nên trong nghệ thuật viết lách, ông biết chọn lựa những thể loại văn phong báo chí thích hợp, theo nhiều đề tài khác nhau, để đáp ứng các tiêu chí đa dạng của những tờ báo điện tử mà ông cộng tác.

Tuy nhiên, sau khi rời chính trường và không trực tiếp tham gia vào các tổ chức hoạt động chính thức nào của đời sống kinh tế – xã hội ở TP.HCM, ông chịu sự giới hạn khi chủ yếu chỉ nhìn các sự kiện/ vụ việc qua lăng kính dư luận, báo chí chính thống (báo chí có giấy phép của cơ quan chức năng, bao gồm cả báo chí tại nước ngoài) và mối quan hệ riêng với các cá nhân, tổ chức. Do đó, đa phần các bài viết, ông chọn cho mình thể loại “Bình luận” cho lãnh vực chủ yếu là chính sách vĩ mô, và các diễn biến sự kiện chính trị. Thể loại này được xem là “Chính luận báo chí”.

Thế mạnh dễ thấy khi ông PCD chọn thể loại đó, là với kiến thức chuyên môn được đào tạo chuyên sâu, cùng thời gian dài ông trải nghiệm trong công việc ở bộ máy chính quyền, đã giúp ông nhanh chóng đưa ra những đánh giá, phân tích, giải thích, bàn luận về những sự thật của đời sống (những góc nhìn này ít khi xuất hiện trên báo chí ‘có giấy phép’ tại Việt Nam), đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin đa chiều của độc giả/ tờ báo mà ông cộng tác. Cho đến nay, thế mạnh chủ yếu của ông PCD ở thể loại này, là biểu hiện ở năng lực thông tin lý lẽ gắn liền với những sự kiện thời sự nhanh nhạy.

Nói cách khác, trong nhiều bài viết, ông PCD với các bút danh khác nhau nhưng đa phần có điểm chung, là không đi sâu vào mô tả vật lý thông tin, mà chủ yếu là phân tích, lý giải, bàn luận, đánh giá những sự thật đó trên cơ sở của một thái độ rõ ràng nhằm hướng dẫn, điều chỉnh dư luận. Ông PCD luôn cho rằng cần tôn trọng sự cạnh tranh của một nền chính trị đa dạng, không độc tài, và các quyền con người theo Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cần phải tôn trọng thực thi.

Có phải “chim mồi”?

Trong “Chính luận báo chí” thì thể loại bình luận giữ vai trò là hạt nhân, vì nó thể hiện sinh động nhất so với xã luận thường là khô khan, một chiều.

Trong các bài viết thể loại bình luận của ông PCD, đối tượng phản ánh là các sự kiện, hoàn cảnh, tình hình, hiện trạng tiêu biểu của đời sống, đang cần được làm sáng tỏ và được định hướng. Với nghệ thuật lập luận câu từ mềm dẻo, linh hoạt (của một văn sĩ) bằng cách kết hợp giữa các bằng chứng, luận cứ, luận điểm mà ông PCD từng trải nghiệm, các bài báo của ông PCD thường dễ thuyết phục công chúng hiểu và hành động theo hướng mà người viết bình luận muốn hướng tới. Chính điều này khiến cho các cơ quan quản lý chuyên trách lo ngại, vì hướng bình luận mà ông PCD nhắm đến là Việt Nam cần một thể chế chính trị thực sự có sự cạnh tranh của nhiều đảng phái, và quân đội – công an phải là lực lượng đứng ngoài mọi đảng phái đó.

Có người đặt câu hỏi: “Vì sao nhiều người dân viết trên facebook bị cáo buộc về Điều 258 Bộ luật hình sự, còn ông PCD thì không/ chưa chịu sự cáo buộc gì? Có phải ông PCD là một con chim mồi?”.

Theo dõi các bài viết đăng tải trên báo chí nước ngoài của tác giả PCD, có thể thấy rằng đến thời điểm này, ông vẫn tôn trọng các cam kết do chính ông đặt ra trong bản Điều lệ Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà ông đang là chủ tịch: Không đả kích cá nhân (ông chỉ đả kích người nào đó trên cương vị chức danh quản lý – như tổng bí thư, bộ trưởng…); Không xúc phạm nhân phẩm (ông không bình phẩm những câu chuyện đời tư của chính khách); Không dùng từ ngữ và hình ảnh thô tục; Không kích động các hành động bạo lực, tôn giáo, sắc tộc; Không ngụy tạo thông tin.

Tuy nhiên đôi khi trong vài bài viết, cách diễn đạt của ông dễ đưa đến cách hiểu là ông ít nhiều đang “khiêu khích chính trị” và “đối kháng với thể chế”.

Liệu ông có phải “chim mồi”? Cá nhân tôi nghĩ là không, vì nội dung các bài viết được cho là mang tính phê phán chính trị của ông PCD, thực ra có liều lượng “phê – phán” vẫn nhẹ nhàng hơn so các bài viết gần đây trên báo Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Dân Việt, Lao Động, Làng Mới…

Đừng mặc định duy ý chí chuyện “lề báo”

Góc nhìn tích cực, cá nhân tôi cho rằng cần ghi nhận những ý kiến đóng góp qua các bài viết của ông PCD, hơn là chỉ chăm chăm nhìn bằng thái độ quan sát của tâm thế mang tính đối đầu báo chí, phân biệt báo “lề trái – lề phải” như lời ví von của cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp.

Bởi nếu nhìn định kiến “lề trái – lề phải”, thì có thể nhận xét thế này về tác giả PCD: Việc ông PCD sử dụng thể loại bình luận đang là “con dao hai lưỡi”. Nếu bài viết theo đúng ý tuyên giáo thì sẽ được cho là trúng, đúng, hay, thấu tình, đạt lý và mang lại hiệu quả thông tin rất lớn; và quan trọng hơn là chuyển tải đến bạn đọc một thông điệp lành mạnh, một cái nhìn lạc quan, một niềm tin tươi sáng.

Ngược lại, là việc tác giả PCD bình luận theo cảm tính, không có cơ sở vững chắc, luận không có chứng cứ thuyết phục (theo góc nhìn chê – khen như vụ bà bộ trưởng y tế) sẽ làm phức tạp vấn đề, nghiêm trọng hóa sự kiện, rối ren thêm tình hình và hậu quả gây ra là làm nhũng nhiễu thông tin cho xã hội, gây tâm lý dao động, bất an, hoang mang cho độc giả.

Bình luận là một thể loại chủ công của báo chí và luôn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình. Tuy vậy, để có một bài bình luận hay theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi người viết không chỉ có một phông văn hóa rộng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm sống dày dạn, mà còn phải am hiểu pháp luật, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề muốn phân tích, lập luận, phản biện và đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng, động cơ trung thực, lành mạnh.

Công tâm nhìn nhận, qua theo dõi những bài viết với các bút danh khác nhau của tác giả PCD, có thể nói rằng gác qua những định kiến “lề trái – lề phải”, trong xã hội Việt Nam hiện nay, khi tinh thần dân chủ được đề cao, ý thức pháp quyền được tôn trọng, tính sáng tạo của cá nhân được khuyến khích thì không nên yêu cầu báo chí phải tiếp cận, đề cập, chuyển tải thông tin một cách đơn điệu, cũng như không nên cứng nhắc đòi hỏi nhà báo phải nhận định, phân tích, bình luận một sự kiện, vụ việc nào đó theo một giọng điệu hay một lối nghĩ áp đặt.

Nếu có khuyến cáo về chuyện “lề trái – lề phải” ở đây, thì đó là chuyện rất cần người viết báo và cơ quan báo chí tỉnh táo, sáng suốt, khách quan, trung thực, công tâm, đúng mực trong việc xem xét, đánh giá mọi vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia dân tộc, đến việc giữ vững ổn định chính trị và môi trường đồng thuận cho đất nước phát triển.

Nói một cách khác, bình luận dưới các góc nhìn, phương diện, khía cạnh đa chiều là cần thiết, nhưng cần căn cứ trên cơ sở bản chất nội tại của sự kiện, vấn đề liên quan, chứ không nên và cũng không được phép có ít kéo ra nhiều, bé xé ra to, đánh đồng lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất dễ làm lạc hướng dư luận.

Tạm kết

Nếu nhìn đơn thuần tác giả PCD là người viết báo, thì các trình bày nói trên là có cơ sở. Còn nếu nhìn giác độ tác giả PCD là một chính khách, thì vấn đề không nằm trong bài nhận xét, và cũng ngoài tầm hiểu biết của người viết.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)