VNTB – Pháp lý hợp lý là gì?

VNTB – Pháp lý hợp lý là gì?

Vân Khanh

 

(VNTB) – “Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý, tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam và thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

 

Bản dịch bản phúc đáp của chính phủ Việt Nam đề ngày 28/12/2020 đối với thư chất vấn của Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cùng Phạm Đoan Trang và Hồ Sỹ Quyết, có đoạn như trên.

“Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý” là như thế nào? Phải chăng ở Việt Nam vẫn có trường hợp gọi là “cơ sở pháp lý không hợp lý”, khi không cần phải tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam, cũng như không quan tâm đến sự thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên?

Pháp luật Việt Nam có đề cập đến hành vi pháp lý, đó là hành vi thực hiện một sự kiện thực tế, cụ thể theo ý chí của con người làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

Hành vi pháp lý được chia thành hành vi pháp lý hợp pháp và hành vi pháp lý bất hợp pháp. Thứ nhất, hành vi pháp lý hợp pháp là hành vi pháp lý được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ: ký kết hợp đồng dân sự theo đúng thủ tục; đăng ký kết hôn theo đúng quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, hành vi pháp lý bất hợp pháp là hành vi pháp lý được thực hiện trái quy định của pháp luật làm xuất hiện, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật, gồm hành động và không hành động. Hành động là loại xử sự chủ động, thể hiện thành thao tác nhất định của chủ thể pháp luật, như ký kết một hợp đồng dân sự, đánh người gây thương tích, trao tặng quà… Không hành động là cách xử sự thụ động, không thể hiện thành thao tác nhất định, như hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy thì nên hiểu thế nào về cách thức có vẻ ‘sính chữ’ khi dùng kết cấu câu: “Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý, tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam và thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”?.

Một dẫn chứng để mọi việc đơn giản hơn về chuyện chữ nghĩa: Không có gì làm phiền lòng người dân hơn khi lâm tình cảnh, hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý.

Số là vào năm 2018 báo chí từng đăng vụ việc phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê, vì hành vi đổi 100 USD lấy tiền Việt tại một cửa hàng vàng ở Cần Thơ, có thể là xử phạt hợp pháp (theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP), nhưng rõ ràng là không hợp lý.

Nhắc nhở ông Rê và cho qua thì hợp lý, nhưng lại không hợp pháp. Như một giọt nước phản chiếu cả bầu trời, thí dụ cụ thể phản ánh những vấn đề rất lớn của quy trình lập pháp. Vấn đề liên quan trực tiếp ở đây chính là tính hợp lý đã không được quan tâm đầy đủ trong quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong cuộc sống, cái hợp lý bao giờ cũng chiến thắng, nhưng nhiều khi – với những “khổ đau” không đáng có. Việc người dân bị đẩy vào tình cảnh đã nghèo còn bị phạt trắng tay; chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao; cuộc sống khó khăn, tốn kém… là những “khổ đau” nhiều khi quả thật không đáng có. Khổ đâu chỉ của một mình ông Rê, mà của nhiều người trong xã hội. Mặc dù… cái hợp lý thì vẫn chưa chiến thắng.

Khi cái hợp lý và cái hợp pháp xung đột với nhau, thì những “khổ đau” nói trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng bất hạnh. Trong phần chìm của nó, tiềm ẩn những tai họa còn lớn hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Một dẫn chứng, đó là việc kỷ cương, phép nước khó được xác lập. Cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý. Nếu pháp luật không cho phép làm điều đó thì người dân buộc lòng phải tìm cách lách luật hoặc trốn tránh việc tuân thủ. Tệ hại hơn, một sự phản cảm đối với pháp luật và cơ quan thi hành pháp luật có thể hình thành trong xã hội. Và trong một bối cảnh tâm lý xã hội như vậy, bao giờ chúng ta mới xác lập được nhà nước pháp quyền?!

Trở lại với phúc đáp được lập luận, “Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý, tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam và thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Rất có thể các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cũng hệt như ông Nguyễn Cà Rê. Nhu cầu đổi ngoại tệ sang tiền Việt là có thật. Và cũng có thật khi Đảng vì không phải là thần, thánh nên Đảng cũng không tránh được sai lầm. Và khi ai đó lên tiếng về những sai lầm ấy của Đảng, thì nếu Đảng dùng quyền lực để buộc họ phải im tiếng bằng bản án tù tội nặng nề, thì có khác nào vụ phạt vạ 90 triệu đồng cho tờ 100 Mỹ kim đổi ngoài tiệm vàng…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)