VNTB – Phê bình Tất Thành Cang: giơ cao – đánh khẽ?

VNTB – Phê bình Tất Thành Cang: giơ cao – đánh khẽ?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Tất Thành Cang “được hưởng cách xử lý với mức phê bình là phúc đức cho Cang, nhưng là sự vô phúc cho công lý dân tộc này. Đảng ạ” 

Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thế nào là ‘hết thời hiệu’ theo quy định của pháp luật hiện hành?

Chiều 7/8, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM có thông báo về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên đối với vụ việc tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo UBKT Thành ủy, 3 người là Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020, có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất kết luận phê bình.

Cụ thể, 3 cán bộ này là bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Tài chính; ông Bùi Xuân Cường – Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải; ông Tất Thành Cang – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình lịch sử thành phố, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

Dường như cách giải thích ở trên về cách hiểu “thời hiệu” của Đảng bộ TP.HCM có khác với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo đó, thời hiệu là khoảng thời gian mà văn bản quy phạm pháp luật hoặc một quyền do pháp luật quy định có hiệu lực bắt buộc thi hành. Trong khuôn khổ của khoảng thời gian đó, chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc khi kết thúc khoảng thời gian đó thì chủ thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, được miễn chấp hành bản án hoặc mất quyền khởi kiện. Thời hiệu được phân loại theo hiệu quả pháp lý phát sinh.

Thời hiệu được chia làm 5 loại cụ thể:

1) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: không truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tính từ ngày phạm tội đã qua những thời hạn: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 2 năm tù trở xuống hoặc hình phạt khác nhẹ hơn; 10 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm; 15 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng.

2) Thời hiệu thi hành bản án hình sự: không buộc người bị kết án phải chấp hành bản án, nếu tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã qua những thời hạn: 5 năm đối với các trường hợp xử phạt từ năm năm tù trở xuống; 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên năm năm đến mười lăm năm; 15 năm đối với trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến hai mươi năm.

3) Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

4) Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc nó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ đó.

5) Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, nếu thời hiệu đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, riêng đối với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không áp dụng đối với các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

‘Hết thời hiệu’ theo cách hiểu của Đảng bộ TP.HCM?

Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật đảng viên; trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Ngày 22/3/2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ký ban hành văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Khoản 1, Điều 3 quy định: “Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật”.

Đảng viên vi phạm ở bất cứ thời điểm nào đều phải được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể. Sau đó căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.

Như vậy, xét về cách hiểu về tiếng Việt, cho thấy việc ‘hết thời hiệu’ mà Đảng bộ TP.HCM nêu ra trong trường hợp ông Tất Thành Cang là đúng quy định của Đảng. Bởi suốt thời gian mà ông Tất Thành Cang tác oai, tác quái gây tội ác với người dân Thủ Thiêm, mặc dù có rất nhiều đơn thư tố cáo, thậm chí cả kết luận từ cơ quan thanh tra chính phủ, song đã không có bất kỳ một xử trí nào cả về mặt Đảng lẫn chính quyền với ông Tất Thành Cang.

Dễ nhận ra ở đây về sự ‘bao dung’ đối với ông Tất Thành Cang của Đảng bộ TP.HCM.

Điều 3.2 của Quy định số 102-QĐ/TW, “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, ghi như sau: “Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp”.

Với cách đánh giá hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với ông Tất Thành Cang, đồng nghĩa với nhìn nhận của tập thể Đảng bộ TP.HCM, là các sai phạm kéo dài trong quản lý đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không nghiêm trọng tới mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Tất Thành Cang.

Giơ cao – đánh khẽ

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi tháng 11/2018, ông Tất Thành Cang (khi còn là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) năm 2013, đã vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bốn tuyến đường dài gần 12 km (trong đó có 10 cây cầu), rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.

Ngoài sai phạm tại Thủ Thiêm, trước đó, ông Tất Thành Cang còn bị xác định sai phạm liên quan đến Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho doanh nghiệp.

Ngày 26/12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Hiện, ông Cang vẫn là đại biểu HĐND TP HCM ở đơn vị bầu cử 11 (quận 10).

“Cang được hưởng cách xử lý với mức phê bình là phúc đức cho Cang, nhưng là sự vô phúc cho công lý dân tộc này. Đảng ạ” – luật sư Đặng Đình Mạnh, nhận định.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (5)
  • comment-avatar
    Quốc Thông 4 years

    Họ TẤT là họ TÀU

  • comment-avatar
    Phạm Thanh Bình 4 years

    Phê bình là động tác giả làm cho Cang mất cảnh giác, như chuyện các sếp trước cho ngồi vào ghế phó ban KTTW sau đó sẽ cho vào lò!
    Còn nếu Cang thoát vụ này thì nên trọng thưởng cho Cang vì đã có công VÔ HIỆU HÓA HỆ THỐNG KỶ LUẬT không đến một nốt nhạc và đây là kinh nghiệm quý báu để các quan tham nên học hỏi!

  • comment-avatar
    Phạm Gia Hân 4 years

    Thì nếu căng thì phải căng hết.
    Tác giả không hỏi cái sân golf ở sân bay tân sơn có người ta không trả mà ÔNG trọng có nhóm lửa đâu?

  • comment-avatar
    Tran Truong 4 years

    Không thể gọi là giơ cao đánh khẽ được. Đây là dấu hiệu bao che hoặc thỏa thuận ăn chia đã thành công của cả hệ thống chính trị.

  • comment-avatar
    Si Tran 4 years

    Nghe từ kỹ luật quá dữ dằn, quá nghiêm khắc,… : nhưng mà hình thức chỉ là phê bình, khiển trách, cảnh cáo,… Chẳng ăn thua gì so với những tội danh, những thiệt hại nghiêm trọng,… họ đã gây ra,…. Vì họ là đảng mà đảng thì luôn thuộc tầng lớp thượng lưu, tinh hoa của dân tộc,…Luôn ăn trên ngồi trước,…. ?