VNTB – “Phố đèn đỏ”: tín hiệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

VNTB – “Phố đèn đỏ”: tín hiệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Hiền Lương

(VNTB) – Nội dung ở dự thảo “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, có ‘bật đèn xanh’ về ý tưởng lập các ‘phố đèn đỏ’ ở Việt Nam.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) tại Đà Nẵng, cho biết sở dĩ ông đưa ra đề xuất về ‘phố đèn đỏ’ ở Đà Nẵng là căn cứ vào việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổng Cục Du Lịch đang triển khai đề án kinh tế ban đêm trình Chính phủ vào năm 2021; trong đó có lập luận, “Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm nhưng thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ…”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra ý kiến là 3 thành phố được ưu tiên đầu tư xây dựng Khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt là Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. Từ đề xuất đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng nói rằng cần mạnh dạn đề cập đến vấn đề gây tranh cãi lâu nay là ‘phố đèn đỏ’.

“Là một người làm du lịch, tôi hiểu rõ nhu cầu thực tế của khách nước ngoài. Trong dịch Covid-19 vừa qua, có 2 du khách bị dương tính với Covid-19 khi truy tìm lại, họ đã có nhu cầu và đã sử dụng dịch vụ mại dâm có tổ chức. Như vậy, nếu không công khai thì làm sao quản lý được?” – ông Lê Tấn Thanh Tùng có cho biết thông tin khá sốc như vậy về chuyện dịch virus corona; đặc biệt là ở Đà Nẵng vốn nổi tiếng là một trong những thủ phủ về ‘phố Tàu’ ở Việt Nam.

Nhà báo nữ Vương Liễu Hằng, nhìn thẳng không chút kiêng dè qua việc đặt một câu hỏi và rồi tự trả lời: “Nếu phố đèn đỏ không được mở ra ở Đà Nẵng, thì ngành mãi dâm ở nước ta có tồn tại không!? Xin thưa, không những có, mà còn có tràn lan, có bát ngát”.

Là một phóng viên của báo Công an TP.HCM, nhà báo Vương Liễu Hằng thẳng thừng: “Cái nghề này nó xưa như trái đất. Đơn giản có cầu, ắt có cung. Mà cái cầu về tình dục là cái cầu bức thiết, cụ thể, chả thua gì miếng ăn ngụm nước. Và phố đèn đỏ với phạm trù đạo đức có liên quan gì đến nhau hay không?La

Vấn đề đặt ra thật khôi hài. Nó giống như cái kiểu bia rượu có liên quan gì đến trác táng? Nhiều người lý luận: Chẳng thà cứ cấm, chứ công khai ra chả khác nào chấp nhận các ông đi chơi gái. Nhưng nếu không cấm thì các ông có đi chơi gái không? Vẫn chả giảm sút chút nào.

Tôi đã từng nhiều lần ngồi trên xe jeep của công an để đi bắt mãi dâm. Giờ nhớ lại tôi thấy rất buồn cười. Các em cứ chạy như vịt, các anh cứ lùa rồi tóm lên xe. Về phường cùng lắm ngồi qua đêm rồi thả. Biết tỏng em đang mồi chài, biết tỏng em thâm niên, nhưng kết tội là kết thế nào!? Quần áo em còn nguyên và đối tác cũng chả có!

Đạo đức và đạo đức giả khác nhau. Chuyện mở hay không mở thôi thì để đảng và nhà nước lo. Chỉ có điều nếu mở ra, chắc Đà Nẵng sẽ thành vùng đất cấm đi riêng của các ông đã có thê tử”.

Đồng cảm với nhà báo Vương Liễu Hằng, một phóng viên của tờ Lao Động kêu gọi, xin đừng mặc kệ như không biết, không thấy nữa.

“Mại dâm là một nhu cầu thực tế dù có công nhận nó hay không. Có người mua, có người bán, và việc “không công nhận” chẳng những đẩy khoảng 200.000 người bán dâm ra đường mà còn khiến một nhu cầu thực tế trở thành phạm pháp, thành vô đạo đức. Có lẽ, đã đến lúc bắt đầu, dẫu chỉ là một mô hình thí điểm. Để ít nhất, số tiền bán dâm, hàng triệu đồng, hàng chục ngàn USD – như vụ việc đang thời sự- không lọt cả vào tay ma cô, tú ông tú bà, giang hồ xã hội đen.

Để ít nhất, những người bán dâm – một bộ phận dưới đáy xã hội – được bảo vệ, được gìn giữ nhân phẩm mà không phải chui lủi, bị bóc lột, chà đạp. Nên chăng, đã đến lúc cần nghiên cứu nghiêm túc đề xuất trên. Đừng mặc kệ như không biết, không thấy nữa” – nhà báo Anh Đào, báo Lao Động, nói.

Góc nhìn về bình phẩm chính trị, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng: “Nhìn rộng ra, lâu nay các thể chế độc tài thường duy trì xung quanh nó những thành kiến xã hội hẹp hòi, bởi cả hai đều có cùng tính chất trói buộc con người ta, ngăn cấm họ khỏi những điều mà họ muốn làm.

Nay nếu các ban ngành quyết định hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, đó sẽ là một bước dài tiến tới tự do, cho thấy xã hội đã đủ sức trưởng thành, đủ khả năng đề kháng xử lý trước những vấn đề vốn đầy éo le mặc cảm”.

Luật sư Trần Thành thì nói gọn: “Một khi hợp pháp hóa hoạt động mại dâm thì chúng ta mới có được hành lang pháp lý hữu hiệu bảo vệ quyền lợi chính đáng và căn bản của người bán dâm, giảm thiểu tình trạng bóc lột tình dục hiện nay”.

Còn theo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như diễn giải của ông Lê Tấn Thanh Tùng, khi có những ‘phố đèn đỏ’, nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ được thêm khoản lớn…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)