VNTB – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và quyền tự chủ đại học

VNTB – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và quyền tự chủ đại học

Hiền Vương

(VNTB) – Hằng năm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức phát bằng tốt nghiệp 2 đợt, tháng 4 và tháng 9. Tuy nhiên tháng 9 năm 2020 này việc phát bằng này đã không thể thực hiện được do không có Hiệu trưởng ký bằng.

 

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường không sử dụng vốn ngân sách từ nhà nước. Trường cũng không nhận đồng vốn nào từ cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Những vấn đề này được củng cố hơn nữa về mặt pháp lý khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Đặc biệt, ngày 29/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 – 2017; và được tiếp tục thực hiện đến khi có Nghị định mới về tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trở ngược thời gian. Năm 2007 được xem là dấu mốc bắt đầu những chuyển biến quan trọng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, khi Hội đồng Quản trị thông qua đề nghị của Hiệu trưởng để ban hành Kế hoạch 30 năm (2007 – 2037) phát triển Đại học bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay) thành đại học nghiên cứu nằm trong top 60 đại học tốt nhất châu Á.

Sau đó, sự thành công của Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ đại học đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước; được báo cáo điển hình với Chính phủ vào tháng 8/2014 để sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP, về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trong Quyết định số 158/QĐ-TTg, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 29 tháng 01 năm 2015, về Phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 – 2017 (sau đây gọi tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau đây (trích):

“1. Mục tiêu chung

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (sau đây gọi tắt là Trường) chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của Trường và xã hội (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) để phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành một trường đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng ở trong khu vực và trên thế giới; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, trên cơ sở thực trạng hoạt động của Trường trong thời gian qua nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự cho Trường.

b) Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức của Trường; bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp theo cam kết với xã hội.

c) Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

d) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, có sản phẩm là bằng sáng chế quốc tế, bài báo được công bố quốc tế và công trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn.

đ) Tiếp tục phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất của Trường; xây dựng và phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện, trung tâm khoa học – công nghệ theo tiêu chuẩn của các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

e) Tăng cường các nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ và triển khai chuyển giao kết quả nghiên cứu. Chú trọng việc cải thiện và nâng cao đời sống, thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động của Trường.

g) Thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập và các chính sách hỗ trợ sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận với các chương trình đào tạo của Trường.

h) Phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Trường; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và đào tạo theo đặt hàng”.

Như vậy, nếu như có “kỷ luật hiệu trưởng” đối với trường đại học tự chủ, thì phải căn cứ vào pháp luật tương ứng. Đàng này với những gì công khai trên báo chí, cho đến tận lúc này người ta chỉ thấy các cơ quan Đảng ở Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã dùng quyền lực ‘bề trên’ để ‘ngưng chức hiệu trưởng’.

Bởi nếu nói chuyện về luật, căn cứ Luật Viên chức và Nghị định 27/2012/NĐ-CP, thì không có hình thức đình chỉ chức vụ 90 ngày; và nếu có kỷ luật viên chức thì phải do cơ quan quản lý nhân sự (theo Điều 16 sửa đổi của Luật Giáo dục đại học hiện hành và Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng là Hội đồng trường) ra quyết định thành lập hội đồng và xem xét hình thức kỷ luật. Nay Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ra quyết định đình chỉ xem xét kỷ luật; thì như vậy có đúng thẩm quyền không?

Ngoài ra, cũng theo Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 (Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 sửa đổi) thì Hội đồng trường là đơn vị có quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng. Như vậy Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ra Quyết định đình chỉ và phân công người tạm quản lý một đại học tự chủ thì có phù hợp thẩm quyền hay không?, có vi phạm các qui định luật pháp nói trên không?.

Và đàng sau chuyện ‘ngưng chức’ đó lại là một dấu hiệu của tranh giành quyền lực từ ‘cơ quan chủ quản’ ở bối cảnh tranh tối – tranh sáng của chuẩn bị nhiệm kỳ mới của Đảng – đặc biệt là từ đầu năm 2021, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chấm dứt sự ‘độc quyền công đoàn’ vốn dĩ đã kéo dài từ năm 1929 đến nay ở miền Bắc, và từ sau tháng 4/1975 là phạm vi toàn quốc.

***

Ngày 24/8/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác điều hành Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đối với Giáo sư Lê Vinh Danh; cũng như công bố quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với các thành viên Ban giám hiệu nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019.

Từ đó đến nay, tình hình đã trở nên xáo trộn với việc sinh viên ra trường không có người ký bằng tốt nghiệp, gây bức xúc và hụt hẫng cả ngàn người; việc tuyển sinh năm học mới giảm mạnh, đe dọa tình hình tài chính để hoạt động ổn định cho TDTU. Xa hơn là đe dọa làm phá sản chủ trương của Đảng về tự chủ đại học và tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

“Chúng tôi được biết, Tổng liên đoàn cho rằng TDTU làm sai Luật đầu tư công trong công tác xây dựng, và đòi xuất toán nhiều tỷ đồng; cũng như cho rằng đấy là “tình trạng gây thất thoát tài sản công” theo Luật phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Tổng liên đoàn đã cố tình lờ đi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản 3995/VPCP-KGVX) khi chuyển Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thành Trường đại học Tôn Đức Thắng thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo Văn bản này, tài sản của TDTU “được coi là” tài sản của Tổ chức công đoàn. Chính phủ cũng chưa có văn bản nào quốc hữu hóa tài sản của TDTU để trở thành tài sản công; và TDTU cũng không sử dụng ngân sách nhà nước để tạo ra tài sản công; mà sử dụng tiền tự tích lũy hằng năm và vốn vay.

Đó là chưa nói đến việc Chính phủ đã cho TDTU cơ chế tự thu – tự chi như trường đại học tư thục. Vậy thì gán ghép đầu tư của TDTU phải theo Luật đầu tư công thực chất chỉ là cách để qui tội cho bằng được đối với TDTU và lãnh đạo nhà trường.

Đó là chưa nói đến việc Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng” đã cho phép TDTU được đổi mới cơ chế quản lý “trên cơ sở thực trạng hoạt động của Nhà trường trong suốt thời gian qua”. Mà thực trạng suốt thời gian qua chính là thực trạng quản lý đầu tư, mua sắm, trang bị của một đại học dân lập” – Luật sư, thạc sĩ Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, phân tích.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)