VNTB – Quá cứng nhắc liệu sẽ tốt hơn chăng?

VNTB – Quá cứng nhắc liệu sẽ tốt hơn chăng?

Diệp Chi

(VNTB) – Cứng nhắc ở đây là chuyện về một lập trình rất có thể lợi bất cập hại.

Tình hình diễn biến dịch Covid19 có thể nói vẫn đang phức tạp trên thế giới. Ở Việt Nam, có những biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người… đạt được hiệu quả trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, nói đi cũng nói lại, với quy định chỉ được một thân nhân chăm nuôi người bệnh trong bệnh viện đã làm cho không ít trường hợp phải gặp khó khăn, nhất là với những ca bệnh nặng, phẫu thuật…. Ghi nhận cho thấy, có những trường hợp, người chăm nuôi đã phải “tranh luật và tranh luận” ít nhiều với các nhân viên y tế và bảo vệ ở bệnh viện.

“Đúng là với quy định một người nuôi bệnh, có thể sẽ góp phần hạn chế nguy cơ lây lan về dịch. Nhưng nói đi cũng nên nói lại, không phải bệnh nào một thân nhân cũng có thể lo cho xuể được. Tôi cũng là một thân nhân nuôi bệnh, nhận thấy, có một số trường hợp tập đi lại, cần người vịn. Điển hình như có chị kia, bác sỹ kêu chị nếu được nên đi lại để dễ sinh. Lúc sáng có thể chỉ cần một người nhưng đến chiều, dù là đàn ông, chồng chị ấy cũng mệt và cũng cần thêm người giúp để hỗ trợ chị ấy trong việc đi lại”, một thân nhân chia sẻ.

“Có thể ý của Bộ y tế là phòng bệnh hơn chữa bệnh nên mới đưa ra quy định đấy. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Người dân cũng ý thức, tuân theo quy định, nhưng thực sự có những cái cũng rất khó. Điển hình như trường hợp thai phụ sinh mổ, đứa con xuống trước, thai phụ nằm hậu phẫu sau đó mấy tiếng mới xuống.

Cũng chính mấy cô điều dưỡng nói, vừa chăm mẹ vừa chăm con, sẽ khó khăn. Dĩ nhiên, nếu gắt quá, cố gắng cũng được thôi, nhưng hiệu quả liệu sẽ hơn nếu được hai người chăm? Thật ra, theo quan điểm của mình, biện pháp nào cũng có cái ưu, cái khuyết bổ trợ nhau. Nếu nói áp dụng cái cách thức một người chăm bệnh sẽ hạn chế lây lan, nói theo kiểu của dân gian, là phòng kẻ ngay chứ người gian là cũng thua. Người dân họ tự có ý thức, họ sẽ tự phòng bị. Chủ yếu là ý thức của mỗi cá nhân thôi. Chứ một người nuôi bệnh mà ẩu tả, không đeo khẩu trang hay không phòng bị, cũng đều có nguy cơ cả” – ông Minh, một người chăm nuôi kể.

“Đồng ý là thông qua những ca nhiễm ở bệnh viện Đà Nẵng, Bộ y tế cẩn trọng hơn với môi trường bệnh viện. Nhưng cũng nên có những trường hợp ngoại lệ. Điển hình như tôi thấy, một trường hợp mới mổ xong, người nhà lên thay cho người đang chăm sóc trong bệnh viện. Thay vì cho họ lên phòng, rồi thay người, đằng này bệnh viện cứ khăng khăng người trong phòng bệnh phải xuống thay trước mặt bảo vệ. Rồi lỡ trong thời gian đó, xảy ra chuyện gì thì sao? Bệnh viện tư nhân còn có cái chuông để bấm hay dây để kéo, còn với bệnh viện khác thì như thế nào?”, bà Út, một người vừa trải qua việc chăm sóc thân nhân hậu phẫu chia sẻ.

Việc quy định không cho người vào thăm trong thời điểm dịch bệnh diễn biến vẫn còn phức tạp, có thể chấp nhận được. Song với vấn đề quá cứng nhắc trong việc chỉ một thân nhân nuôi bệnh, vô hình trung, sẽ làm ảnh hưởng đến bệnh nhân.

Có ý kiến cho rằng, người thân cứ an tâm, sẽ có điều dưỡng hỗ trợ. Điều đó có thể hoàn toàn đúng với các bệnh viện tư nhân. Song, với những người nghèo, không nhiều khả năng chi trả, liệu nó sẽ đúng?

Cũng xin được chia sẻ với các bệnh viện công, với số lượng bệnh nhân quá đông mỗi ngày, tập thể trong bệnh viện cũng khó có thể tránh được sự mệt mỏi nên dễ sinh cáu gắt hay khó chịu, hoặc có trường hợp lớn tiếng với bệnh nhân. Trong thời gian Bộ y tế vẫn chưa tìm được cách chia sẻ và khắc phục đó cho các y – bác sỹ – hộ lý… tại sao không châm chước cho những trường hợp bệnh nặng hai người chăm nuôi?

Dẫu biết rằng, biện pháp phòng dịch của Bộ y tế đưa ra là có hiệu quả, song với tình hình dịch bệnh đang kéo quá dài, liệu rằng những biện pháp đưa ra ngay từ ban đầu liệu sẽ vừa hiệu quả trong phòng dịch vừa hiệu quả trong chăm sóc người bệnh? Có lẽ, cũng nên tới lúc Bộ y tế nên đi khảo sát tình hình và đưa ra những giải pháp phù hợp hơn về vấn đề này.

Cứng nhắc quá, đôi khi cũng không tốt…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)