VNTB – Qui định xử lý nợ xấu – Phe tài chính ra đòn với Chính phủ ?

Thiên Điểu (VNTB) Ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện đang chuẩn bị các bước triển khai nghị quyết đã được thông qua về xử lý nợ xâu. Theo đó, “chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, kể cả việc bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ. 

Bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất có quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.
Bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ đã mua.
Nghị quyết quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định ngay tại nghị quyết..”.
Chưa cần bàn thêm về những câu chữ chuyên ngành tài chính, ngân hàng với hàng loạt những qui định khác thòng trong nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, sẽ có hiệu lực từ 15/8/2017. Đại ý nội dung tóm tắt của nghị quyết này có thể rút gọn như sau:
Ngân hàng, tổ chức tín dụng có nợ xấu được quyền bán nợ xấu cho Công ty quản lý nợ xấu (VAMC) theo giá thị trường, kể cả giá thấp hơn mức giá ngân hàng đã thẩm định trước đó. 
Việc mua bán nợ xấu giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với VAMC có hiệu lực tức khắc và VAMC chỉ cần mang hợp đồng có xác nhận của ngân hàng để làm thủ tục sở hữu, sang tên, mua bán đối với tài sản bảo lãnh khoản nợ xấu mà không cần có sự đồng ý của chủ tài sản.
Nếu đọc hết các nội dung lê thê rồng rắn của đề án xử lý nợ xâu và cả nghị quyết đã được thông qua. Người ta dễ sa vào những lý giải lòng vòng để kết luận rằng đề án này sẽ giúp ngân hàng, tổ chức tín dụng có nợ xấu cần có hành lang pháp lý để xử lý, tình hình nợ xấu và an toàn tín dụng sẽ tăng lên..v.v. và v.v. Nhưng nếu rút gọn cho dễ hiểu bằng cách góp nhặt các ý cụ thể lại như trên thì sẽ hiểu ngay mục đích và kết quả: Ngân hàng được quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ ngay khi bên vay gặp khó khăn, rơi vào trạng thái nợ xấu.
Về việc thành lập Công ty mua bán nợ trong đề án xử lý nợ xấu trước đây đã được thông qua bằng Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013. Lấy lý do tiến trình xử lý nợ xấu chậm và dư nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng cao, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã đề xuất thêm nghị quyết này. Toàn bộ nội dung của nghị quyết chỉ tập trung vào vấn đề xử lý tài sản bảo lãnh cho các khoản nợ xấu. Nhưng hoàn toàn bỏ qua quyền lợi của bên nợ vốn trong quan hệ vay mượn mà thực chất là đối tác hợp tác đầu tư: Ngân hàng đầu tư lấy lãi, bên vay thu lời từ hoạt động sản xuất kinh doanh từ vốn ngoài khoản lãi chia cho ngân hàng.
Nếu thừa nhận ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng .. hoạt động như một doanh nghiệp thì nghị quyết này đi ngược lại nguyên tắc trong quan hệ hợp đồng kinh tế. Nếu nói ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng là công cụ của nhà nước nhắm điều tiết, thúc đẩy kinh tế thì nghị quyết này rõ ràng sẽ tạo ra không ít hệ luy về mặt xã hội nếu không nói là hết sức nguy hiểm.
Từ đối tác thành quan hệ tín dụng kiểu xã hội đen
Mấy năm trước đây, việc ngân hàng xiết nợ tài sản để thu hồi vốn đã bộc lộ không ít những vấn đề bất cập. Dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, kiện cáo gây bất ổn cho xã hội. Nay với nghị quyết này, chắc chắn việc áp dụng sẽ tạo ra hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chưa nói tới tài sản thế chấp là tài sản chính chủ, trong quá trình sử dụng vốn gặp rủi ro nhưng có thể sẽ không được ngân hàng xem xét phương án tháo gỡ vì nhiều lý do khác nhau. Việc thanh lý các tài sản này để thu nợ trong chừng mực nào đó miễn cưỡng có thể chấp nhận theo kiểu “thua thì chung”. Nhưng với tài sản bảo lãnh thì sao ? Thực chất tài sản bảo lãnh thường là của bên thứ 3, được dùng để bảo đảm khoản vay trong một thời gian và với một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn như tài sản cá nhân bảo lãnh cho Doanh nghiệp thực hiện kế hoạch vay vốn đầu tư. Khi Doanh nghiệp đầu tư xong thì sẽ dùng tài sản hình thành sau đầu tư thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế từ trước tới nay, ngân hàng luôn xem đây là tài sản thế chấp – phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và suốt thời gian của hợp đồng vay. Tài sản bảo lãnh không được rút ra mà bị giữ cùng tài sản hình thành sau đầu tư để đảm bảo trả nợ. Thực trạng này rất phổ biến nhưng ít thấy có kiện cáo, tranh cãi đơn giản là vì các Doanh nghiệp đều mong muốn đầu tư hiệu quả, trả nợ sòng phẳng, không dám xoi mói, thắc mắc với đối tác đang nắm giữ sinh mạng của mình. Một phần khác là thiếu hiểu biết mà im lặng, chấp nhận thua thiệt. Cả đề án trình và Nghị quyết 42 hoàn toàn không đề cập các vấn đề xung quanh loại tài sản này.
Về nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, rất nhiều các văn bản, các qui định pháp lý lẫn 100% các hợp đồng tín dụng không hề có đề cập tới việc hỗ trợ trong trường hợp bên vay bị nợ xấu vì các lý do bất khả kháng, từ bất hợp lý trong kế hoạch trả nợ vốn chưa được đánh giá kỹ khi ký hợp đồng.v.v.
Các Doanh nghiệp Việt Nam từng đầu tư, từng đi vay hẳn không ai không từng nếm trải tình cảnh chực chờ, cầu cạnh khi vay vốn từ ngân hàng. Chưa nói tới vấn nạn phải lo lót, lại quả phần trăm cho khoản vay, nỗi truân chuyên cơ cực rất khó để đong đếm nhưng qua thái độ khi ký được hợp đồng vay thì mừng rỡ ra sao, cái gật đầu hạ bút ký không cần xem, không cần thắc mắc các điều kiện liên quan nhanh chóng thế nào thì không mấy khó hiểu. Ký xong hợp đồng là tới tình trạng bị hành khi giải ngân, giải ngân chậm, giải ngân không đủ theo kế hoạch.. đã gây ra không ít thiệt hại nhưng không một Doanh nghiệp nào dám lên tiếng (!) Đơn giản vì ngân hàng được mặc định là “Vua” trong giới doanh nghiệp. Nghị quyết 42 chưa hề có hứơng dẫn chi tiết để xem xét, phòng ngừa việc lợi dụng nhằm thâu tóm tài sản trong trường hợp Doanh nghiệp có dự án đầu tư tốt, đảm bảo tính khả thi để trả nợ, các dự án nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế chiến lược.. nhưng bị ghép vào nợ xấu do không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ, kỳ hạn trả nợ do ảnh hưởng bới rủi ro bất khả kháng, do cái bẫy từ chính những điều khoản phụ mà ngân hàng đã áp đặt trong hợp đồng vay.
Chỉ phân tích sơ qua vài vấn đề làm ví dụ như trên, trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động ngân hàng, tín dụng Việt Nam về thực chất vốn là hoạt động cầm cố tài sản. Việc thu nợ “cấm cãi” vì không có bất cứ quyền nào như trong nghị định 42. Hoạt động tài chính ngân hàng của Việt Nam sẽ không còn khác biệt nào với hoạt động tín dụng trái phép của xã hội đen đã và đang gây bao tai họa cho xã hội.
Mục tiêu kinh tế hay mafia tài chính – phe lợi ích nhằm vào Chính phủ mới?
Tuy không có một bằng chứng chính thức nào, nhưng bất kể đẳng cấp nào trong giới làm ăn đều biết hoặc hiểu quá trình hình thành hầu hết các ngân hàng thương mại từ khi chuyển sang kinh tế thị trường tới nay đều gắn liền với một vài quan chức cao cấp, thậm chí là chóp bu nào đó. Nhìn chung, người ta chỉ biết rằng: Dân thường, kể cả giới doanh nhân “không sao” không ai có thể mua được cổ phần của ngân hàng.
Trong thời kỳ tăng trưởng nóng, thặng thắn mà nói thì không thể phủ nhận tác động của hoạt động ngân hàng. Nhưng hậu quả nợ xấu và vấn nạn tham nhũng thì cũng không lĩnh vực nào sánh được với ngân hàng. Đó là lý do tại sao hàng loạt vụ đại án đã bị phanh phui trong những năm gần đây, nhất là từ khi phát động chiến dịch chống tham nhũng và sau Đại hội 14 với ê kíp Chính phủ mới.
Việc điều tra, truy tố, sát nhập hàng loạt ngân hàng cho thấy một kế hoạch chấn chỉnh ngân hàng tương đối quyết liệt. Nhưng sau qui chế hạn chế đầu tư bất động sản (Thông tư Số: 36/2014/TT-NHNN) đến nghị quyết 42 vừa thông qua. Có vẻ như bộ máy của Chính phủ mới thụ động nếu không nói là bị ngăn trở trước các chính sách của ngân hàng nhà nước. Chính phủ mới cũng chưa có chiến lược nào rõ rệt để quản lý và đưa hoạt động ngân hàng vào đúng quỹ đạo, thực sự tham gia vào các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của đất nước mà Chính phủ đề ra.
Cụ thể: Sau Thông tư 36/2014/TT-NHNN, toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại một mặt hạn chế cho vay bất động sản (tất nhiên loại trừ các dự án bất động sản của các Doanh nghiệp “sân sau”). với qui chế chỉ được cho vay đầu tư bất động sản dưới 5% dư nợ. Một mặt không đầu tư cho bất động sản (liên quan dự án), một mặt lại buộc tất cả các dự án phải có tài sản thế chấp. Từ qui chế này, gần như toàn bộ các dự án đầu tư dù không phải là nhằm kinh doanh bất động sản đã gặp khó khăn nếu không nói là bế tắc khi tiếp cận nguồn vốn vay vỉ liên quan các khoản đầu tư vào tài sản vốn không thể tách rời trong dự án. Hệ lụy của nó tuy âm thầm nhưng đã khiến chiến lược phát triển kinh kế, chiến lược cấu trúc kinh tế ngành mà Chính phủ đề ra đã không thực hiện được như mong muốn. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực khó tiếp cận về vốn vay nhiều nhất.
Nghị quyết 42 có hiệu lực, không chỉ gây ra các bất ổn về mặt xã hội khi thực hiện mà hệ lụy của nó chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vì tâm lý sợ đầu tư sẽ phải đi vay vốn với một qui chế “siết nợ” tàn khốc như vậy.
Tại sao những qui chế đầy “rủi ro” như vậy là được thông qua một cách dễ ràng và áp dụng ngay trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay ?
Dàn cố vấn kinh tế cho Thủ tướng mới thành lập có tham gia thẩm tra đề án hay tham mưu gì cho Thủ tướng về nghị quyết này?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)