VNTB – Quyền im lặng của người bị buộc tội

VNTB – Quyền im lặng của người bị buộc tội

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương vẫn giữ quyền im lặng sau 3 tháng bị công an Hà Nội bắt giữ để điều tra với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Bài báo “Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương vẫn im lặng sau 3 tháng bị tạm giam” đăng trên trang web của Đài Á Châu Tự Do (*), đã dẫn lời của bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương cho biết: “Họ nói anh Phương nhà em vẫn khỏe, nghe họ nói anh Phương hiện tại vẫn không nói một câu gì hết, anh ấy vẫn trong tình trạng im lặng (giữ quyền im lặng)”.

Ở Việt Nam, quyền im lặng lần đầu tiên được quy định trực tiếp trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS 2015). Có thể nói, việc quy định quyền im lặng là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện trình tự xét xử công bằng trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, quy định về quyền im lặng và các đảm bảo pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót, từ đó khó đảm bảo mục tiêu xây dựng nền tư pháp vững mạnh.

Quyền im lặng là một quyền hợp pháp được công nhận trong Bộ luật TTHS 2015. Đây là quyền của nghi phạm, của người bị kháng cáo, trong một vụ án có quyền im lặng, không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay tự buộc mình có tội. Theo quyền này, một công dân được mặc định là vô tội cho đến khi các cơ quan pháp luật chứng minh được người đó có tội, luật pháp công nhận quyền này căn bản phán xử dựa trên chứng cứ.

Quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình – nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự. Đây được xem là điều không quá khó hiểu khi mà điều tra viên trong trường hợp dùng các cách thức không công bằng để chứng minh việc phạm tội của người bị điều tra. Tình trạng mớm cung hoặc thêm bớt vào lời khai không phải chưa từng xuất hiện trong các vụ án ở Việt Nam. Do đó việc im lặng tới khi có sự tham gia của luật sư là cách thức bảo vệ đơn giản nhất và có thể áp dụng cho mọi người.

Tuy nhiên ở Việt Nam trong các vụ án liên quan cáo buộc đến vấn đề an ninh quốc gia, thì bị cáo thường chỉ được gặp luật sư sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.

Bộ luật TTHS 2015 ghi nhận quyền im lặng dành cho người bị buộc tội, gồm bốn chủ thể pháp lý khác nhau, bao gồm: (1) người bị bắt; (2) người bị tạm giữ; (3) bị can; (4) bị cáo. Theo đó, trong quá trình tham gia tố tụng, tất cả các đối tượng trên đều có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Việc quy định quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình, có thể được hiểu là người bị buộc tội có quyền không khai những điều chứa đựng thông tin bất lợi cho bản thân mình. Quy định này có thể hiểu tương đương với quyền im lặng.

Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung điều luật, người bị buộc tội chỉ có thể từ chối đưa ra lời khai, nếu sự thẩm vấn yêu cầu lời khai có chứa đựng thông tin chống lại họ, hoặc buộc họ phải nhận mình có tội.

Còn đối với những câu hỏi khác trong quá trình thẩm vấn, người bị buộc tội không có quyền giữ im lặng. Mặt khác, một trong các nghĩa vụ của người bị buộc tội là phải có mặt theo sự triệu tập, hoặc chấp hành yêu cầu của của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, điều này có nghĩa là họ không thể từ chối tham gia cuộc hỏi cung, lấy lời khai hoặc tại phiên tòa. Suy ra, người bị buộc tội phải có mặt trong các cuộc thẩm vấn và không thể giữ im lặng trong suốt thời gian này.

Có thể thấy, khi so sánh với luật pháp các nước và luật quốc tế, quy định về quyền im lặng của Việt Nam có nội dung và phạm vi tương đối hẹp. Lý giải cho điều này, có thể xét rằng đây là loại quyền mới đối với Việt Nam, một quyền im lặng tuyệt đối dành cho người bị buộc tội có thể gây ra nhiều rào cản cho các cơ quan tố tụng hình sự trong việc giải quyết vụ án.

Hơn nữa, so sánh với các nước khác, lực lượng điều tra của Việt Nam không được sở hữu những công cụ điều tra hiệu quả, như thỏa thuận nhận tội (plea bargain), hoạt động ngầm (undercover), hoặc gài bẫy (sting operation), mà chỉ có thể sử dụng các biện pháp như nghe lén, ghi âm ghi hình bí mật một cách hạn chế.

Sự quy định quyền im lặng ở mức độ tương đối, hay còn gọi là quyền không tự buộc tội chính mình, là sự cân bằng giữa quyền cá nhân và lợi ích xã hội. Tuy nhiên pháp luật của Việt Nam hiện tại vẫn thiếu cơ chế bảo vệ người bị bắt, người bị tạm giữ khi họ thực hiện “quyền im lặng”.

_______________

Chú thích:

(*) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/detained-activist-trinh-ba-phuong-has-upheld-silence-right-for-3-months-09242020073716.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)