VNTB – Quyết định hành chính cao hơn luật?

VNTB – Quyết định hành chính cao hơn luật?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Dĩ nhiên câu trả lời là quyết định hành chính không thể nào cao hơn luật cho được. Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể tiếp sau đây, thì luật đã xếp thứ yếu so với “kim khẩu” của ngài thủ tướng.

 

Ngày 14/9, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa có Thông báo số 326/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 11/9. Theo đó, “khẩu dụ” tại cuộc họp hôm sáng 11/9 của ngài Thủ tướng đã được “hành chính hóa” bằng Thông báo số 326/TB-VPCP:

“Không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp”.

Thể loại văn bản có tên “Thông báo số XXX/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ…”, không nằm trong quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu quản lý răm rắp bằng pháp luật một cách đồng bộ, thì cho đến nay, các tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương đã hết dịch, chưa được công bố hết dịch.

Cụ thể, tại Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm”:

“Điều 1. Bổ sung phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016

Bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra) tại Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016”.

Theo đó, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày, với thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.

Như vậy, cả Đà Nẵng, Hải Dương đều chưa qua hạn 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc Covid-19. Và Quảng Nam kể từ ngày 15/9 mới xong 28 ngày, và lại có đến 2 ca tái nhiễm Covid được công bố hôm 13/9.

Tuy nhiên vì là “khẩu dụ” nên chiều 14/9, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thừa Thiên – Huế thông báo, từ ngày 15/9, tỉnh này sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến Huế. Tương tự, từ 0 giờ ngày 16/9, công dân đi từ Đà Nẵng vào Thừa Thiên – Huế chỉ cần đăng ký tại trang web tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt, và tự chịu trách nhiệm về thông tin đăng ký, không cần xét nghiệm PCR và không bị cách ly bắt buộc.

Chính quyền TP.HCM cũng có quyết định tương tự, mặc dù trước đó đã chuẩn bị toàn bộ cơ sở hạ tầng y tế để xét nghiệm 100% những người từ vùng dịch Đà Nẵng vào Sài Gòn.

Động thái tương tự, chiều 15/9, UBND tỉnh Bình Định cũng có công văn gỡ bỏ một số nội dung giãn cách xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 nhằm tiếp tục đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội theo yêu cầu của Thông báo số 326/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 11/9.

Các hoạt động này được thực hiện từ 0 giờ ngày 16/9. UBND tỉnh Bình Định cũng cho dừng thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú, nơi làm việc… đối với người đến, về tỉnh Bình Định từ thành phố Đà Nẵng.

Giả dụ sắp tới nếu có các rủi ro xảy ra ở các địa phương liên quan đến người về từ vùng dịch, nếu quy trách nhiệm quản lý, thì liệu có cơ sở pháp lý nào để quy trách nhiệm cho ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)