VNTB – Sài Gòn kỷ niệm

VNTB – Sài Gòn kỷ niệm

Hiền Vương

 

(VNTB) – Rốt cuộc thì kỷ niệm là thứ người ta đã mất đi rồi, hay là thứ người ta giữ lại được, trong đời?

Cứ mỗi dịp mà chính quyền tưng bừng cờ hoa cho mừng ngày gọi là thống nhất đất nước, thì người miền Nam lại nhớ da diết về Sài Gòn, mặc dù họ đang ở ngay tại mảnh đất Sài Gòn. Tên gọi Hồ Chí Minh cho đô thị này được dùng chủ yếu trong các nội dung liên quan thủ tục hành chánh, giấy tờ pháp lý, văn kiện gì đó của đảng cầm quyền. Nếu không nhắc Sài Gòn, người ta sẽ gọi gọn đó là “Thành phố”, tất hiểu muốn nói đến Sài Gòn. Tiếng rao chào của các lơ xe khách (trước đây thường gọi xe đò, dù đó là xe chạy trên đường bộ, chẳng chút đò giang sông nước!) ở miền Nam: “Đi Thành phố cô, bác ơi!…”.

Sài Gòn, giờ thì kể từ mùa hè của năm 1975, cứ dần mỗi năm, với người sống ở thành phố này, kỷ niệm càng dày thêm lên với những mất mát. Người Sài Gòn mất dần nhau từ lúc mà cây cột đèn nếu có chân, thì giờ cũng có thể thành “Việt kiều”.

Không ít người đồng ý rằng có thể Sài Gòn không còn tên như ý muốn của “bên thắng cuộc”, nhưng Sài Gòn mãi mãi còn trong ký ức. Không chỉ là ký ức của những người sanh ra, lớn lên ở Sài Gòn, mà còn của những ai một thời ở Sài Gòn, đang ở Sài Gòn, thậm chí chỉ một lần ghé chơi Sài gòn mà có chút gì xao động… Bởi bao đời nay Sài Gòn đâu của riêng ai, của riêng một thể chế chính trị nào, phải thế không?

Với tôi, dẫu gần nửa thế kỷ trôi qua, những dấu vết cà phê Sài Gòn của tuổi hoa niên đã trở nên mù mịt, nhưng cũng có hương vị còn nguyên trong ký ức, dù cửa đã đóng, và chốn vỉa hè đã vắng bóng bạn hữu cà phê.

Chiến tranh đi qua. Trong thời sự Sài Gòn trở thành Hồ Chí Minh, với bao xôn xao lo âu, mừng vui lẫn lộn. Bên này bên kia, đi hay ở, thất nghiệp chợ trời, thì nơi phố Bà Lê Chân miệt Tân Định bó hẹp, một vỉa hè cà phê ra đời như muôn ngàn cà phê vỉa hè xuống đường sau sự kiện thời cuộc đổi thay.

Vậy thì rốt cuộc, kỷ niệm là thứ người ta đã mất đi rồi, hay là thứ người ta giữ lại được, trong đời?

Tôi nhớ cái ông hay bà ký giả nào đó của trang Việt Nam Thời Báo, khi thuật lại buổi lễ ‘online’ kỷ niệm 45 năm ngày 30 tháng tư, tổ chức tại dinh Độc Lập, đã nhắc về tiếng ve như một ám ảnh. Tiếng ve hồng hạ của 45 năm về trước ở Sài Gòn dường như đến muộn màng, vì tuổi học trò của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã kết thúc sớm niên khóa từ tuần lễ đầu tháng tư, bằng tiếng bom của một phi công “Việt cộng nằm vùng” Nguyễn Thành Trung bỏ xuống dinh Độc Lập.

Tuổi hoa niên rồi cũng lớn dần với những chiều dừng lại ngoài hành lang cửa Nguyễn Huệ, ngồi húp tô bún ốc của bà Năm Khẽo, cũng nổi tiếng như bún ốc bà Ba Bủng gần cửa Bắc chợ Bến Thành. Sau khi gia đình Năm Khẽo đi định cư ở nước ngoài, thì chỗ cũ được ông già “café bít tất” tiếp nhận, bán café kèm rượu đế nếp, nơi tụ hội văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa một thời lao đao hậu chiến 1975.

Giờ thì nhiều người nói rằng, nếu Việt Nam có những cây cầu chờ lún, thì chung quanh cái rốn của Sài Gòn có rất nhiều tòa nhà chờ đập. Đập một cách thản nhiên không thương tiếc. Chả có gì gọi là kỷ niệm cần lưu giữ cả, vì kỷ niệm của người này là sự phiền toái… cho túi tiền của người khác. Quá khứ của một lớp người này là một trời xa lạ của một lớp người khác. Con người tạo nên kỷ niệm cho chính họ, và chẳng ai quan tâm đến chuyện xót xa của người khác cả.

Giống như hàng cây trăm năm trên con đường Cường Để của Sài Gòn, mấy năm trước, ở thời của ông bí thư Đinh La Thăng, người ta đã đốn bỏ không chút thương tiếc, và Ba Son của người thủy thủ cộng sản Tôn Đức Thắng nằm trên con đường này cũng chỉ còn lại trong ký ức người Sài Gòn.

Rốt cuộc thì kỷ niệm là thứ người ta đã mất đi rồi, hay là thứ người ta giữ lại được, trong đời?

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)