VNTB – Sống có trách nhiệm

VNTB – Sống có trách nhiệm

Tam Bình

(VNTB) – Nếu như tôi nhớ không lầm, từng có một năm học với chủ đề “Sống có trách nhiệm”.

Nói thật, khi đó, trường phát động, tôi cảm thấy có một cái gì đó mông lung. Thế nào là trách nhiệm? Và sống trách nhiệm là ra sao? Tại sao phải sống có trách nhiệm?

Và đó cũng là cái năm đầu tiên mà lứa học trò như chúng tôi được học nhiều hơn về các vấn đề sinh lý, giáo dục giới tính. Tôi vẫn còn nhớ rõ, thời điểm đó, ở một góc hành lang, có kê một cái bàn, ai thắc mắc cái gì về giới tính – dục tính thì có thể đến đó hỏi. Giáo viên dạy môn Sinh khi đó cũng nói nhiều hơn về các biện pháp tránh thai, quan hệ an toàn cũng như được học nhiều hơn các quy định của pháp luật về quan hệ tình dục, đâu là giới hạn. Phải chăng đó cũng là một trong những hành động của sống có trách nhiệm?

Mỗi khi tôi đọc tin tức ở các báo, trang thông tin điện tử hay các trang fanpage, thấy cũng có nhiều trường hợp các “bà mẹ” bỏ con mình khi vừa mới sinh ra. Tôi tự hỏi rằng, sao họ có thể làm như thế? Những đứa trẻ ấy thật dễ thương và hoàn toàn không có tội. Không biết rằng, trong thời gian họ mang thai, mỗi khi con đạp, con chồi, họ có thương hay không?

Tôi thấy thường có nhiều lý do để ngụy biện cho vấn đề này nhưng còn quá trẻ, đang tuổi đi học…. Đồng ý hết tất cả lý do nhưng lúc họ “thăng hoa” sao họ không nghĩ đến hậu quả? Những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ như thế nào? Không xót xa hay lo lắng cho việc con mình sẽ bị nguy hiểm từ xung quanh, từ các con vật hay sao? Có thể nói, hành động đó thật là vô trách nhiệm. Hay là do họ không được học những bài học (đã nói ở trên) trong nhà trường?

Hành vi không chịu trách nhiệm nói trên tuy có ảnh hưởng đến xã hội song cũng tác động không quá lớn, mang tính chất cá nhân nhiều hơn. Đáng trách hơn là trường hợp phát ngôn bậy bạ trên sóng truyền hình nhưng trưởng đài vẫn không chịu đứng ra nhận trách nhiệm.

Trách nhiệm, theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội – 1988), là phần việc được giao cho (hoặc coi như được giao cho), phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt phải gánh chịu hậu quả.

Để ngồi lên được cái ghế trưởng đài, tôi tin rằng người đó phải có thực lực. Lẽ hiển nhiên, khi được giữ một chức gì đó, họ sẽ có quyền hành. Chỉ có khác là mỗi người thực thi quyền hành đó như thế nào? Có người bá đạo, buộc cấp dưới phải nghe theo; cũng có người “dân chủ” lắng nghe ý kiến góp ý, đưa ra quyết định dựa trên sự thống nhất ổn thỏa chung. Song, có quyền thì phải có nghĩa vụ và trách nhiệm.

Để thực hiện một phóng sự truyền hình là không hề đơn giản, đồng ý là với đài truyền hình quốc gia, có thể liên hệ trước với chính quyền địa phương, sau đó họ sẽ dẫn phóng viên đi làm, giới thiệu người phỏng vấn, đơn giản hơn nhiều so với nhiều báo khác. Nhưng sau đó còn qua công đoạn dựng phim; viết và đọc lời bình trong video; sắp chương trình; lên sóng…. Có thể nói, với hành loạt công đoạn đó, nếu kỹ lưỡng, sẽ khó có thể xảy ra rủi ro, chí ít là với những cái sai rành rành, dễ thấy.

Thôi thì cứ tạm cho bữa đó kỹ thuật viên lơ đãng, phát thanh viên nói nhịu, biên tập viên buồn ngủ viết sai. Con người cũng không phải thần thánh, sai sót trên sóng cũng tạm chấp nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao trưởng đài lại không dám đứng ra nhận trách nhiệm? Không lẽ sống có trách nhiệm khó đến thế sao?

Ngày xưa, lúc vào Đoàn, tôi tự hào mình là một thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, nhiệt huyết lắm trong các phong trào và có sai thì dũng cảm nhận lỗi.

Thiết nghĩ, với một đồng chí Đảng viên như trưởng đài, chắc chắn đã từng là một thanh niên trong Đoàn như tôi. Phải chăng ông đã quên hết những điều đã được học trong lớp đối tượng Đoàn? Làm sai sao không dám nhận? Xin đừng làm mất danh tiếng những thanh niên Đoàn viên như chúng tôi…

Ông, chính là một trong số đồng chí đang ngồi trong nhóm quyền lực đỉnh cao: Ủy viên Bộ Chính trị.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)