VNTB – Suy đoán vô tội trong vụ án Đồng Tâm

VNTB – Suy đoán vô tội trong vụ án Đồng Tâm

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Thể hiện qua các bài báo ‘có giấy phép’ tại Việt Nam, thì có lẽ những bị can trong vụ án Đồng Tâm đều là những người dứt khoát phải có tội.

Những kiểu rút tít tựa sau đây được ghi nhận là dày đặc trên báo chí Việt Nam thời điểm hiện nay: “Vụ án Đồng Tâm: Những đối tượng nào đã nhiều lần đổ xăng thiêu chết 3 cảnh sát?” – “Vụ án Đồng Tâm: Ông Lê Đình Kình đã chống đối thế nào khi cảnh sát tiến vào nhà?” – “Sắp đưa vụ án đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an ở Đồng Tâm ra xét xử”…

Dường như nguyên tắc “suy đoán vô tội” được quy định tại Điều 13 của Bộ luật Tố Tụng Hình sự năm 2015 đã không được báo chí quan tâm.

Liệu những vấn đề sau đây sẽ lại hiện diện trong phiên tòa hình sự sơ thẩm của vụ án Đồng Tâm – đó là quyền đặt câu hỏi của bị cáo và người tham gia tố tụng khác.

Để mở rộng quyền của bị cáo trong thủ tục xét hỏi, Điều 309, Điều 310 và Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền trực tiếp xét hỏi của bị cáo. Theo đó, bị cáo có quyền hỏi bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, và cả người làm chứng – nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý. Điều đó có nghĩa những nghi vấn của cộng đồng mạng xã hội về sự thật các chết của 3 chiến sĩ công an, phải được minh định rõ ràng giữa đôi bên bằng quyền trực tiếp xét hỏi của bị cáo.

Theo đó, bị cáo có quyền đặt câu hỏi trực tiếp với người tham gia tố tụng khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo, mà không phải truyền đạt câu hỏi của mình cho chủ tọa phiên tòa như trước đây. Dĩ nhiên, quyền đặt câu hỏi của bị cáo vẫn bị phụ thuộc vào việc đề nghị của bị cáo có được chủ tọa phiên tòa đồng ý hay không.

Người viết cho rằng đây là một vụ án thu hút dư luận cả trong và ngoài nước thì chỉ nên giới hạn là chủ tọa phiên tòa cắt những câu hỏi của bị cáo không liên quan đến vụ án hoặc câu hỏi trùng lặp, vòng vo.

Một vấn đề khác liên quan “suy đoán vô tội”, đó là Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bỏ quy định bị cáo, người bào chữa…“trình bày ý kiến về luận tội”, thay vào đó, họ được trình bày ý kiến liên quan đến vụ án, kết hợp với đưa ra chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp lại quan điểm buộc tội của kiểm sát viên… Như vậy, việc đưa ra ý kiến của bị cáo và người bào chữa không còn bị bó hẹp như trước đây, đồng thời thông qua việc đối đáp, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.

Dĩ nhiên vấn đề lớn nhất là liệu chủ tọa phiên xét xử vụ án Đồng Tâm có tuân thủ theo những luật định như kể trên hay không?; hoặc có tuân thủ thì mức độ như thế nào?

Bên cạnh đó, Điều 322 của Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm của kiểm sát viên khi đối đáp phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình và phải đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Không thể chấp nhận mẫu câu quen thuộc lâu nay: “bảo lưu ý kiến và không tranh luận gì thêm”. Dĩ nhiên ở vấn đề này cần đến vị chủ tọa phiên tòa ‘siêng năng’ trong việc thực thi quyền của mình, là quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận. Bởi đây mới tạo ra sự bình đẳng, dân chủ trong hoạt động tranh tụng.

Dự kiến phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm sẽ kéo dài trong 10 ngày liên tiếp. Thời gian đó, nếu trên báo chí Việt Nam, lại bắt gặp chuyện khi đưa tin về diễn biến vụ án mà chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật, song báo chí thay vì ‘biên tập’ một số từ có thể sử dụng khi đưa tin như “có thể bị truy tố”, “đối diện với các cáo buộc về hành vi của mình”, “có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”… – thì tiếp tục quen dùng mẫu câu “bị can sẽ bị tội…”, “bị cáo sẽ đối diện tử hình về tội giết người”…; có lẽ cái kết cuối cùng của bản án tuyên trong phiên hình sự sơ thẩm là điều ai cũng hình dung ra…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)