VNTB – Nếu cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài, thì…

VNTB – Nếu cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài, thì…

Xuân Minh

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có tài lãnh đạo hay không?

 

Câu trả lời dễ được cho là ‘phạm thượng’, và cũng dễ đối mặt với án hình sự về tội danh nào đó cho chuyện đơm đặt, gây mất uy tín lãnh đạo.

Bài viết này xin được ‘chấp nhặt’ đôi nhận định của chính khách từng trong bộ máy công quyền, qua đó để bạn đọc có thể lựa chọn một lý giải thích hợp.

“Người có đức mà không có tài thì dễ trì trệ; người có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ – nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp viết” – trích bài báo “Cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài”, đăng trên báo điện tử VietnamNet (1).

Viết tắt của TT&TT là Thông tin và Truyền thông. Người đứng đầu một bộ chuyên trách về tin tức như vậy, ắt am tường cả những điều nên và không nên nói chốn hậu trường chính trị.

Cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp, viết: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng rối. Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đức là vùng đất tốt, tài là hạt giống tốt. Hạt giống tốt gieo trên vùng đất tốt sẽ cho năng suất cao nhất. Đức là sự tín nhiệm của dân. Tài là sự kính trọng của dân. Cha ông ta đã dạy: “Quan đần dân khổ”. Sẽ rất khó để tìm ra một mô hình quan dốt mà dân sướng”.

Trên báo điện tử VietnamNet, chuyên mục “Thời sự chống tham nhũng” có bài báo thể loại tường thuật, “Kỷ luật sáu ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương trong nửa năm” (2).

Mở đầu bài báo là “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đã kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng”. (…)

“Điều này khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, góp phần phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói”.

Nội dung các phát biểu này là tường thuật về phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020; cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.

Theo đó, từ sau phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đến nay, đã xử lý dứt điểm 6 vụ án, bổ sung mới 1 vụ án; khởi tố mới 13 vụ án/16 bị can; phục hồi điều tra 3 vụ án/5 bị can; mở rộng điều tra, khởi tố thêm 55 bị can trong 11 vụ án; kết thúc điều tra 11 vụ án/63 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án/44 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án/27 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/47 bị cáo.

Thử dừng lại mốc thời gian 6 tháng đầu năm, khi cả nước căng mình chống đại dịch Covid, thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã kịp kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Như vậy, có thể coi đây là cái tài của người lãnh đạo trong việc trị tham nhũng?

Gác qua mọi định kiến chính trị, khi đã gọi là một người có tài lãnh đạo, thì người đó cần hiểu rõ các phần việc chức trách của từng cơ quan trong bộ máy quản trị quốc gia.

Liên quan đến án tham nhũng trong đảng chính trị, thì đó là phần việc độc lập của viện kiểm sát, tòa án. Nếu như người đứng đầu ở đảng chính trị can dự vào việc kiểu như “thống nhất quan điểm xử lý”, hóa ra sắp tới đây là những phiên xét xử với mức án dạng ‘bỏ túi’ của ‘báo cáo án’ – ‘duyệt án’ – ‘trao đổi án’ rất quen thuộc trong hệ thống tố tụng ở Việt Nam.

Chưa vội đao to búa lớn đến tận cấp trung ương Bộ Chính trị, giới thầy cãi ở Việt Nam luôn phải thúc thủ đối với những vụ án mà đã được lãnh đạo cấp địa phương đánh tiếng trước “yêu cầu phải xử nặng, hoặc phải xử nhẹ…”. Dĩ nhiên tòa, viện kiểm sát, công an thì ai đủ gan để mà cãi lại lãnh đạo đây?

Công an thì chắc chắn là không. Bởi vì lãnh đạo công an tỉnh muốn được đề bạt thì cũng phải hiệp y với tỉnh ủy. Cán bộ viện kiểm sát, tòa án cũng thế. Nếu như cấp ủy đảng chính quyền địa phương có ý kiến không đồng thuận, thì việc bổ nhiệm coi như chấm dứt…

Trở lại với bài viết của cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Một cán bộ có tài là phải có sản phẩm cụ thể được đo đếm qua từng chức danh lãnh đạo của mình. Đảng ta có một số cán bộ đi qua khá nhiều chức danh nhưng chưa rõ sản phẩm, thành quả được tạo ra như: mức tăng thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm, công trình phúc lợi công cộng để lại, đội ngũ cán bộ trưởng thành được dân tín nhiệm cao v.v…”.

Giả dụ như ở đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam, thiên hạ chứng kiến hình ảnh vị tổng bí thư hôm nay bất chợt lâm cảnh rủ áo công hầu khanh tướng, thì phải chăng lịch sử sẽ chỉ ghi nhận ông là người đốt lò vĩ đại nhất của đảng?

Trong suốt hai nhiệm kỳ làm người đứng đầu, thành quả chung cuộc ở những năm cuối nhiệm kỳ, là đã đưa rất nhiều đồng chí của mình vào cảnh tù tội. Vậy, đây là người lãnh đạo có tài ra sao, nếu hiểu từ cách lập luận của một đảng viên – cựu bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp?

***

“Có một thực tế là: Một số sai phạm của cán bộ dân đều biết mà các cơ quan công quyền của chúng ta lại biết quá muộn, đến lúc đổ vỡ buộc phải xử lý thì tổn thất quá lớn cả thiệt hại về kinh tế, mất cán bộ và suy giảm niềm tin của dân với Đảng. Tất cả đều do bệnh né tránh hữu khuynh của cán bộ không dám nói vì thiếu dũng khí và bản lĩnh” – cựu bộ trưởng bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, nhận định trước thềm Đại hội 13 của Đảng.

___________________

Chú thích:

(1) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cai-tai-cua-nguoi-lanh-dao-la-quy-tu-nhan-tai-660286.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ky-luat-6-uy-vien-nguyen-uy-vien-bo-chinh-tri-trung-uong-trong-nua-nam-660745.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)