VNTB – Tái thẩm vụ huyết án ở bưu điện Cầu Voi?

VNTB – Tái thẩm vụ huyết án ở bưu điện Cầu Voi?

Mai Lan

(VNTB) – Ngày 13-5, tại văn phòng luật sư Trần Hồng Phong đã có buổi gặp gỡ ‘bỏ túi’ giữa gia đình của tử tù Hồ Duy Hải, và một số đồng nghiệp luật sư cùng đại diện báo chí. Nội dung xoay quanh tình tiết mới cho kháng nghị tái thẩm.

Luật sư Trần Hồng Phong phân tích (trích băng):

“Hồ sơ ghi rõ là Hồ Duy Hải đã dùng ở tư thế ở phía trước và dùng tay phải cầm dao cắt cổ hai nạn nhân. Đó. Tuy nhiên, bây giờ tôi mới nói về mặt khoa học. Thì sau khi gọi là có cái, tôi tạm gọi là có cái thông tin là đặc biệt đi, những thông tin rất là đặc biệt từ nhà báo Thủy Cúc là xuất hiện một cái bàn tay trái đó, thì tôi đã mổ xẻ cái hồ sơ ra. Và cụ thể là xem các cái giấy tờ, các cái giáo trình về pháp y, về giám định pháp y, thì là mình đã phát hiện ra như thế này, nói một cách tổng quát đó, là theo cái hướng cắt trên cổ của nạn nhân đó hoàn toàn có thể xác định được là hung thủ đó thuận tay phải hay là tay trái.

Thì nếu như vậy thì trong cái mô tả mà nếu mà cái hung thủ mà ở phía trước nạn nhân mà đè xuống như vậy đó, mà cái vết cắt có cái hướng đi từ trái qua phải đối với cô Hồng, thì chắc chắn là cái hung thủ đó phải là cái người mà thuận tay trái. Phải là người thuận tay trái. Tuy nhiên đó là coi như Hồ Duy Hải thuận tay phải. Và cái việc Hồ Duy Hải thuận tay phải là mọi người đã thấy rất rõ. Cho nên đó là tôi muốn nói đây chính là về mặt nguyên tắc đây chính là cái bằng chứng rất là rõ ràng và khoa học là để khẳng định rằng là Hồ Duy Hải không thể nào mà là cái công cụ cắt cổ cô Hồng, tại vì cái vết dấu ứng nó không có hợp lý. Đó là điều mà tôi muốn khẳng định”.

Theo luật sư Trần Hồng Phong thì, “trong vụ án này, hung thủ sát hại hai nạn nhân gần như chắc chắn phải là người rất thân quen hai nữ nạn nhân, đặc biệt là với nạn nhân Hồng, trong bối cảnh đã khuya, có ăn uống. Điều này cho chúng ta có hướng suy luận liên quan đến hai người là người yêu của nạn nhân Hồng khi đó là Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi trong hồ sơ vụ án không có thông tin xác định tình tiết ngoại phạm của hai người này”.

Luật sư Trần Hồng Phong Hồng kể rằng tài liệu vụ án lúc ban đầu ghi nhận Nguyễn Mi Sol có ở bưu điện Cầu Voi vào tối 13-1-2008. Trong khi đó thì cáo trạng mô tả như  Hải nói chuyện với Hồng khá lâu, hai người đùa giỡn rồi Hải kéo Hồng vào phòng ngủ đòi quan hệ tình dục … – cho thấy giữa hai người phải có mối quan hệ rất thân tình, tương đối lâu dài và công khai. Thế nhưng, thực tế không có bất kỳ chi tiết nào cho thấy giữa Hải và hai nạn nhân có mối quan hệ vượt trên bình thường. Tại thời điểm xảy ra vụ án, những người bạn thân nhất của hai nạn nhân đều khẳng định Hồng đang có quan hệ tình cảm với 2 người là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, không hề biết hay thấy Hải bao giờ.

Quan hệ tình cảm giữa Hồng – Sol là sâu đậm. Hồng đeo trên tay nhẫn cưới do Sol tặng, hai người đang sống “như vợ chồng”. Hàng tuần Sol thường xuyên từ TP.HCM về thăm Hồng, và mỗi lần như vậy đều ngủ lại ngay tại bưu điện. Tại “Biên bản ghi lời khai” ngày 21-6-2008 (Bút lục 209, 210) ông Sol khai: “Sau khi lên TP.HCM thì tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống chung như vợ chồng với Hồng. Trung bình cứ 1 tuần lễ thì về 1 ngày. Thời gian gần nhất trước khi Hồng, Vân bị giết, về bưu điện vào ngày thứ tư 9-1 đến sáng thứ năm 10-1 tôi mới đi TP.HCM làm tiếp”.

Vẫn theo lời của luật sư Trần Hồng Phong, trong hồ sơ vụ án có thể hiện thông tin cho thấy ngay tối 13-1-2008 Mi Sol có cuộc hẹn với Hồng tại bưu điện Cầu Voi. Cụ thể: Tại “Biên bản ghi lời khai” ngày 19-1-2008 (Bút lục 197) chị Hiếu khai: “Tôi nghe chị Vân: hai đứa gái không đường xe cộ không mà đi làm gì. Chiều anh Sol về chứ gì phải đi”.

“Ngày 25-11-2011, chúng tôi có trực tiếp gặp chị Hiếu – bạn thân của hai nạn nhân và là người thường xuyên đến chơi, ngủ lại tại bưu điện Cầu Voi. Chị Hiếu khẳng định trước giờ chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải, và cũng chưa bao giờ gặp Hải tại bưu cục Cầu Voi. Trong khi nhiều lần gặp Sol, Nghị. Chị Hiếu cũng cho biết trong buổi chiều ngày 13-1-2008, chính chị có thấy Hồng nói chuyện điện thoại di động với Sol 2 lần và khẳng định chắc chắn tối hôm đó Sol sẽ về Cầu Voi. Vì tới lúc 17 giờ chiều, không hề nghe nói Sol không về.

Trong bối cảnh như vậy, liệu có thể có khả năng Hải đã đến chơi tại bưu điện đến 21g, sau đó giết hại nạn nhân? Hơn nữa, qua những thông tin trên, chúng tôi cảm thấy hết sức bất thường khi trong hồ sơ vụ án không hề có bất kỳ bản hỏi cung nào đối với ông Sol về việc chiều tối ngày 13-1-2011 Sol đã ở đâu?” – luật sư Trần Hồng Phong đặt hàng loạt câu hỏi.

Như vậy, từ tình tiết hung thủ là người thuận tay trái, rất có thể vụ huyết án bưu điện Cầu Voi vừa xong phiên giám đốc thẩm, giờ sẽ là tái thẩm được quy định từ điều 397 đến điều 403, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.

Ông Trần Văn Tạo, nguyên phó giám đốc – Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM (giai đoạn 1992 – 1995), phân tích: Bộ luật Tố tụng hình sự là bộ luật hình thức, Bộ luật Hình sự là bộ luật nội dung. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hết sức chặt chẽ để không sai phạm trong quá trình thực hiện nội dung và buộc phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Trong đó, chứng cứ phải là cái thật, là khách quan, là trực tiếp gây ra hành vi phạm tội thì mới gọi là chứng cứ trực tiếp, chứng cứ có giá trị thật sự trong vụ án hình sự.

Chứng cứ gián tiếp cũng cần thu thập, nhưng đã nói là “gián tiếp” thì giá trị nó nhẹ, nó chưa phản ánh đầy đủ tính chất hành vi. Chứng cứ trực tiếp mới là cái phản ánh đầy đủ tính chất của hành vi. Cơ quan điều tra ban đầu đã bỏ hết chứng cứ trực tiếp mà vẫn đi đến kết luận, và chỉ ra được bản chất vụ án cứ như là chuyện không tưởng!

Như vậy, nay cùng thêm chứng cứ mới được luật sư Trần Hồng Phong nêu ra, cho thấy bên cạnh việc đã có căn cứ pháp lý cho yêu cầu tái thẩm, thì ở đây còn đòi hỏi Cục Điều tra Viện Kiểm sát Tối cao cần thiết khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp. Vì nói như chia sẻ kinh nghiệm của cựu Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM Trần Văn Tạo, ở đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đến không thể tưởng tượng được, vậy mà được ngụy biện ở phiên giám đốc thẩm là không thay đổi bản chất vụ án.

“Nguyên tắc tố tụng hình sự từ chứng cứ đánh giá bản chất, soi ra bản chất. Không bao giờ từ bản chất sinh chứng cứ được. Tôi làm điều tra cũng soi tố tụng mà làm. Ở vụ án này, tất cả những chứng cứ không thu thập từ đầu mà lại nói về bản chất vụ án, cứ như trò đùa. Nhận định của tôi, đây là sự thất bại, khiến người dân không tin tưởng vào kết quả phiên tòa” – ông Trần Văn Tạo, nhấn mạnh.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)