VNTB – Tạm đóng cửa phi trường Tân Sơn Nhất

VNTB – Tạm đóng cửa phi trường Tân Sơn Nhất

Nguyễn Nam


(VNTB) – Sài Gòn tạm đóng cửa phi trường Tân Sơn Nhất. Hà Nội, người dân nếu ra ngoài phải giữ khoảng cách với nhau…


Tình hình căng như thời chiến, chỉ khác là không đạn bom, và ‘tản cư’ thì tạm dừng lại từ 0 giờ ngày 25-3-2020 đến hết ngày 31-3-2020, khi phi trường Tân Sơn Nhất ‘đóng cửa’ với các hãng hàng không vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam từ nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất; ưu tiên cho các chuyến bay chở hành khách là người nước ngoài rời khỏi Việt Nam. Lý do: bắt đầu quá tải các khu cách ly.

Dịch bệnh tăng nhanh với số lượng đã tính đơn vị hàng trăm, và truyền thông cũng bắt đầu đề cập tới nhiều ca bất ngờ chuyển nặng, trong đó có ít nhất là 3 ca đã phải sử dụng các máy móc hỗ trợ như ‘tim – phổi nhân tạo’… So với thế giới thì những con số này chỉ là phần lẻ nhỏ nhoi, nhưng đây là Việt Nam, một quốc gia vẫn còn nghèo khó, với đồng hồ nợ công thì tiếp tục nhảy múa ở sang con số hàng trăm (http://countrymeters.info/en/Vietnam/economy).

Trong bối cảnh ảm đạm chung đó ở toàn cầu, xem ra những người đứng đầu đảng chính trị ở Việt Nam cần tỉnh táo để nhận về các thay đổi mang tính sống còn. Nhiều thông điệp báo động đã đưa ra. Trật tự thế giới sẽ thay đổi. Đảng chính trị ở Việt Nam dù không phải chịu sự cạnh tranh với các đảng phái nào khác, cũng cần thay đổi.

Người dân đang chứng kiến những nỗ lực như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp chiều 23-3 của Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo tình hình phòng chống dịch Covid-19: “Trong giai đoạn tới, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao và trong 10 – 15 ngày tới sẽ quyết định thành bại trong chống dịch”.

Liệu phía đảng chính trị hiện đang trong thời kỳ “chuẩn bị nhân sự” cho nhiệm kỳ tới, sẽ có ứng cử viên nào trong đảng chính trị đó đưa ra được những hoạch định cam kết khi ‘đắc cử lãnh đạo’ trong nhiệm kỳ mới, như bảo đảm “nước ngọt” cho người dân đồng bằng sông Cửu Long?

Lãnh đạo tương lai có dự án gì để mở mang hạ tầng cơ sở, trên bình diện cả nước, đặc biệt ở miền Nam để sự phát triển được “đồng bộ”, đồng thời thích ứng với đà “hội nhập” vào kinh tế khu vực? Về kinh tế, lãnh đạo tương lai có kế hoạch ra sao thời “hậu Covid-19”?…

Dịch Covid-19 chắc chắn làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Hàng rào ranh giới quốc gia sẽ được xây dựng, thay thế cho “toàn cầu hóa”. “Trật tự cũ” có thể sẽ thay ngôi đổi vị. Việt Nam, ngoài sự vững chắc của hệ thống chính trị luôn được gia cố, kinh tế rõ ràng là “phồn vinh bấp bênh”, vì lệ thuộc đầu vào lẫn đầu ra. Trung Quốc “bịnh”, kinh tế Việt Nam đình trệ. Các xứ Mỹ, Châu Âu… ho, Việt Nam cũng bị đình trệ. Thời gian để kinh tế Việt Nam được khởi sắc thời “hậu Covid-19” hiển nhiên sẽ lâu hơn Trung Quốc lẫn Tây Âu và Mỹ.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)