VNTB – Tâm lý “học ngành nào làm nghề đó”

VNTB – Tâm lý “học ngành nào làm nghề đó”

Út Sài Gòn

(VNTB) – Có thể nói, cái suy nghĩ học ngành nào, khi ra trường phải làm đúng nghề đó là tâm lý chung của không ít người. Nhiều lý do chính đáng để giải thích cho vấn đề. Trong đó, thường gặp nhất là lời giải thích nếu làm trái ngành học, sợ quên mất những cái đã được học.

 

– Thiệt nghĩ mà chán quá đi thôi…

– Có chuyện gì vậy anh Tám? Bữa nay sao mà tràn trề tâm sự dữ hen.

– Tui đang có chuyện rầu nè anh Út. Chả là thằng cháu họ tốt nghiệp đại học rồi mà vẫn ngồi lỳ ở nhà chơi game, không chịu đi kiếm việc làm thêm, để ba má của nó phải gòng lưng đi làm nuôi nó.

– Đó là chuyện của gia đình ảnh chỉ. Anh hơi sức đâu mà lo anh ơi.

– Sao không lo được? Ổng năm nay cũng gần 60 rồi, bả thì sức yếu. Anh chị tui nữa.

– Ủa mà sao thằng cháu anh nó không chịu đi làm? Nó học ngành gì?

– Nó học cái ngành gì đó tui cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ liên quan đến lập trình rồi máy tính. Nó giải thích trong mùa dịch Covid19, rất khó để kiếm việc làm.

– Việt Nam mình cũng hết giãn cách rồi mà. Sao nó vẫn không chịu đi làm? Nếu chưa xin được công ty nào tuyển nhân viên IT, thì nó cũng có thể ra ngã tư chạy xe ôm kiếm thêm đồng ra đồng vô phụ ba má nó chứ!

– Nếu nó được như vậy thì cũng mừng. Tui cũng từng nói nó vậy rồi, nhưng nó trả lời tui rằng nó học đại học ra phải làm việc gì tương xứng với cái bằng đại học nó nhận được chứ. Nó thà thất nghiệp chứ nhất quyết không thèm làm việc liên quan đến chân tay. Phần ảnh chỉ cũng thương con quá, nên tui thôi không nói nữa.

– Anh kể tui mới nhớ ra. Tui có đọc một câu chuyện trên facebook. Câu chuyện kể về một ông xe ôm cũng lớn tuổi, khi chủ câu chuyện hỏi sao ông xe ôm trên 60 tuổi rồi vẫn còn cực khổ mưu sinh thế này, không có con cháu gì à? Thì ổng kêu có hai đứa con: “tụi nó học giỏi lắm, đứa Bách Khoa, đứa Nhân Văn giờ đang tìm công việc phù hợp nhưng chưa có. Với mùa dịch này khó kiếm việc đúng ngành nghề nên thôi tụi nó ở nhà. Đi làm mà trái ngành học, tụi nó không muốn làm, sợ lục nghề. Trước tụi nó đi làm được 1-2 năm thì công ty giảm biên chế nên nghỉ từ trước dịch”.

– Hóa ra cũng có trường hợp giống anh chị của tui quá hen anh Út. Mà tui thấy đâu phải ai cũng học ngành nào rồi bắt buộc ra trường cũng làm nghề đó đâu. Người ta cũng thành công ầm ầm đó thôi. Bữa cũng mới nghe bà Bảy kể nè chứ đâu, cháu bả tốt nghiệp ngành Văn học của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn ra. Cái hàng xóm nói học Văn ra là phải làm nhà văn rồi. Mà nhà văn kiếm đâu được bao nhiêu. Rồi họ chê bai đủ điều.

Rồi tui còn thấy một số người cho rằng, phải làm việc theo giờ hành chánh, làm từ thứ 2 tới thứ 6 hay thứ 7, chủ nhật phải nghỉ mới là đúng đi làm. Có những nghề làm luôn cả chủ nhật đó thôi.

– Tui không có nói tất cả nha, tui rất “ưng cái bụng” các trường hợp những người bạn trẻ đang bán buôn, chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online, phục vụ bưng bê…. Họ từ bỏ cái tôi để mưu sinh và gác lại lý tưởng để chờ đợi ngày mai tươi sáng.

Nhưng giáo dục Việt Nam chắc phải coi lại, tại sao lại có thể đào tạo ra một số đứa thanh niên mang tâm lý vô cảm đến thế? Xin lỗi anh trước, như trường hợp của cháu anh, nó vô cảm với chính gia đình, với những người đã sinh ra và nuôi dưỡng nó luôn.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)