VNTB – Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện

VNTB – Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện

Mai Lan

 

(VNTB) – Dường như tân bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã học được bài học xương máu từ tiền nhiệm mấy khóa trước, để giờ đây ông tiết chế hơn với “mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện”.

 

Lương giáo viên là một vấn đề được đặt ra từ cách đây hàng chục năm, đến giờ vẫn nguyên tính thời sự.

Nhớ lại, khi vừa nhậm chức, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thiện Nhân từng bày tỏ mong ước “lương giáo viên đủ sống”.

Ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ những nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và một số giáo sư vừa mới được công nhận chức danh, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Nhưng rồi kế hoạch xây dựng đề án cải cách tiền lương của Bộ nhanh chóng bị phá sản, thay vào đó là đề xuất khôi phục phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Tuy nhiên, cũng trầy trật đến tháng 7-2011, Nghị định 54 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo mới được ban hành.

Nhưng dẫu ngành giáo dục đã “đấu tranh” để nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên, lương giáo viên thật khó nói rằng đã cán đích “đủ sống”, theo như báo cáo mà nhóm nghiên cứu của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình công bố năm 2013.

PGS, TS Vũ Trọng Rỹ, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, lương giáo viên thấp không đủ sống, áp lực cao, dẫn đến những bệnh nghề nghiệp mà nhiều người không có điều kiện chữa trị. “Nhưng cái quan trọng nhất là nó không làm cho người ta yêu nghề”, ông Rỹ nói. Cũng theo ông Rỹ, khoảng một nửa số giáo viên được hỏi cho biết nếu được chọn lại họ sẽ không chọn nghề giáo!

Tháng 9-2017, Bộ GD&ĐT có thực hiện một khảo sát mang tên “Thực trạng và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm”. Tuy nhiên cho đến nay nói như trong một trao đổi với báo Tuổi Trẻ, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết được”.

Ông Nguyễn Kim Sơn khá sòng phẳng khi bên cạnh đặt vấn đề “thu nhập được cải thiện”, thì “Hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống dưới cần quan tâm gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện của đội ngũ với cả các vấn đề xã hội nói chung và chính sách đang thực thi trong giáo dục nói riêng. Đúng là tiếng nói phản biện như vậy còn ít vì nhiều chính sách mới đưa đến trường, chính quyền, chứ chưa đến được giáo viên.

Các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa. Tất nhiên, vị thế cần nâng lên không chỉ dựa vào các chính sách, mà chính người thầy cũng phải nỗ lực nâng vị thế qua năng lực, chất lượng giảng dạy, nhân cách của mình.

Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng”.

Bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ không thấy chi tiết về yêu cầu “gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện” với chuyện “các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa” là cụ thể thế nào để không bị chụp mũ chính trị của “tự chuyển biến – tự chuyển hóa”.

Thầy giáo trường luật – ông Ngô Huy Cương góp câu chuyện sau đây, qua đó tạm thấy rằng khả năng cho đến lúc này, ông Nguyễn Kim Sơn chưa quá ma mãnh của ma mị chính sách:

“Có một bức bối tại cơ quan của Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải được giải quyết ngay. Thường vụ Đảng ủy ra nghị quyết và triển khai lập tức. Thế nhưng điều đó lại ảnh hưởng tới một đơn vị dưới quyền. Tôi là một trong những người có ý kiến phản ứng khá gay gắt dù tôi không phải là đảng viên.

Ông Nguyễn Kim Sơn xem xét lại và rút bỏ quyết định đó, trong khi có nhiều ý kiến cho rằng nếu ông làm như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ xấu mà khó lãnh đạo về sau.

Ông Sơn đã hành xử đúng. Hành xử đó đã thu phục thêm được sự tôn trọng của cấp dưới. Không ai là biết tất! Mỗi người có một “điểm mù” riêng! Nếu hết lòng vì tập thể, vì dân, vì nước, thì biết lắng nghe và tự cải tạo mình là điều kiện số một cho sự thành công trong lãnh đạo, quản lý”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)