VNTB – “Tập trung xem đá bóng đi!”

VNTB – “Tập trung xem đá bóng đi!”

Anh Khoa

(VNTB) – Trận bóng đêm 10.12 làm không khiến người vỡ oà cảm xúc và “bão” hình thành sau chiến thắng 3-0 trước Indonesia tại nhiều tỉnh thành Việt Nam.

Niềm vui của người Việt rất giản dị, và chiến thắng là một niềm tự hào mà họ tận hưởng. Tâm lý đám đông của người Việt tạo nên những “cơn bão” với tiếng kèn vuvuzela, tiếng còi xe, nẹt pô xe, lời bài hát “Tự hào mãi hát lên Việt Nam ơi!”. Tất nhiên, cờ đỏ sao vàng chưa bao giờ thiếu thốn trong đêm ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nhà.

BBC Tiếng Việt cũng không quên chia sẻ tâm trạng trên fanpage – “Tự hào!”

Người Việt đáng yêu và lạc quan, quả thật cho đến nay, cái làm nên người Việt chính là “nụ cười”. Là bà Võ Thị Thắng nở nụ cười trước Toà án quân sự VNCH năm 1968 đến nụ cười của biểu tượng ngành du lịch Việt Nam – cô Phan Thị Như Quỳnh. Gần nhất đây là một đất nước hạnh phúc qua… nụ cười trong videoclip blogger Nas Daily.

Người Việt Nam thích cười và cực kỳ dễ dàng hạnh phúc bởi tâm lý đám đông. Thế nên đặc tính này có thể trở thành một trong những cấu thành nên tuyên truyền.

Cô Hà Thuỷ Nguyên, người quản lý nội dung Book Hunter chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Đêm qua đi làm về gặp đúng bão, nhìn đám đông cuồng loạn tay bắt mặt mừng, chợt nghĩ đến đấu trường La Mã thời cổ đại! Chính quyền La Mã đầu tư rất nhiều vào các hoạt động thi thố như giác đấu, đua ngựa, giả lập các trận chiến lớn… Nguyên nhân là để xoa dịu những bức xúc của người dân với chính quyền. Ở các thời kỳ dân có độ bức xúc càng cao thì các hoạt động kiểu này càng được đầu tư hoành tráng.”

Cô cũng đặt câu hỏi.

Các bạn nghĩ gì khi Đội tuyển bóng đá nam cứ liên tục được đầu tư, ngốn ngày càng nhiều tiền thuế của dân và “nguồn vốn xã hội”? Tại sao Việt Nam cứ phải cố sống cố chết đạt cái cup vàng SEAGAME, hay FIFA hay sau này có thể là Worldcup…? Người dân tại sao lại sướng vì chức vô địch của những người chẳng liên quan với mình chỉ vì họ khoác lên cái thứ gọi là “màu cờ sắc áo”? Tất cả đều là một chuỗi những chiêu trò tuyên truyền, gắn một tập thể nhỏ với giá trị quốc gia, để rồi thu hút đám đông dân chúng tin rằng đội tuyển đại diện cho giá trị quốc gia.

Hệ quả là, “Say cơn chiến thắng, họ quên dần đi, hoặc chí ít là nguôi dần đi phản ứng bức xúc đang tồn tại.”

Quan điểm của cô Hà Thuỷ Nguyên thể hiện một góc cạnh của những “cơn bão” bóng đá và sự đầu tư mạnh vào bóng đá của Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc. Và có vẻ nó làm chìm các vấn đề liên quan đến giá xăng tăng, ô nhiễm tím tại Hà Nội, tham nhũng, và chủ quyền Biển Đông.

Nhưng đó là lựa chọn của người Việt, người Việt lựa chọn một điều mà Phan Châu Trinh nhắc đến trong “Tỉnh hồn quốc ca”: “chơi bời, rượu chè cờ bạc”.

Danh sách 10 video được người Việt Nam xem nhiều nhất trên Youtube trong năm 2019 không có bất kỳ video nào về công nghệ – khoa học – môi trường – chính trị – kinh tế – xã hội, mà chỉ bao gồm: nhạc chế; phim ca nhạc giang hồ; phim ngắn giang hồ; thách thức bữa ăn 10 triệu; và gameshow hài.

Người Việt bị cưỡng chế tinh thần với những liều doping “chơi-rượu-cờ” bằng sự tự nguyện. Đó là sự kết hợp giữa tuyên truyền và định hướng gắn với đặc tính hèn mọn của dân tộc.

Và thế là, người Việt hạnh phúc và tự hào ở top thế giới.

Khi môi trường không khí Hà Nội hay Sài Gòn đang xấu đi, các khuyến cáo không nên hạn chế ra đường vì có thể ảnh hưởng sức khoẻ của Airvisual lại không thể người Việt bớt đông đúc tại các quán bia hơi, cafe, quán nhậu,… Và bài hát “Tự hào mãi hát lên Việt Nam ơi!” vẫn vang lên như một điều trêu ngươi đối với chính số phận của người Việt.

Phải chăng người Việt xứng đáng cho cái nguyên lý “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng dân vẫn là nô lệ)?!?! Người dân Việt hạnh phúc và hài lòng trong chuỗi “làm thần dân” thay vì “làm công dân”?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)