VNTB – Tàu cá ngư dân lại bị cảnh sát biển Trung Quốc tấn công

Ngọc Hồi (VNTB) Chiều 30/5, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), ông Nguyễn Văn Lai cho biết: ngày 27/5, tàu cá mang số hiệu BĐ 96680 – TS với 6 ngư dân đang neo đậu tại tọa độ 12 độ vĩ Bắc, 115 độ kinh Đông (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bất ngờ bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng xịt vào cabin tàu cá, gây hư hỏng các thiết bị liên lạc, dàn đèn điện, bể mui và hư hỏng dàn câu. Thiệt hại ban đầu ước tính 100 triệu đồng, báo Lao Động dẫn tin cho hay.


Sau khi dùng vòi rồng tấn công liên tục 3 lần, tàu cảnh sát biển Trung Quốc bỏ đi. 


Rất may, tàu cá BĐ 96680 đã cập cảng Tam Quan an toàn. 

“Đánh – cướp – phá” – không phải lần đầu
Việc sử dụng lực lượng vũ trang và lực lượng vũ trang ẩn nấp dưới dạng ngư dân để tấn công, cướp phá tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại ngư trường thuộc Hoàng Sa được Trung Quốc thực hiện trong nhiều năm nay. 
Tính riêng trong tháng 5/2015, đã xảy ra hai vụ. Cụ thể, vào ngày 7/5, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 96416 TS, của ông Nguyễn Lộc (thôn Tây – An Vĩnh – Lý Sơn – Quảng Ngãi) cùng 16 ngư dân khi đang đánh bắt tại khu vực đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì bị một tàu của Trung Quốc mang số hiệu 1241 rượt đuổi; đồng thời dùng vòi rồng phun nước, ném búa và ốc vít to sang tàu cá.

Hải quân Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở vùng biển nước này  – Ảnh: Reuters
12 ngày sau, vào ngày 19/05, trong lúc đang đánh bắt hải sản ở vùng đảo Hoàng Sa, tàu cá QNg 96011-TS do ngư dân Huỳnh Tấn Được (An Hải – Lý Sơn) làm thuyền trưởng cũng tiếp tục gặp tình huống tương tự, khi bị tàu Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và tấn công, đập phá tàu và cướp toàn bộ tài sản, tư trang trên tàu cá của anh Được. Ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Thậm chí, vào tháng 3/2015, khi tàu cá QNg95431 của ngư dân Quảng Ngãi mắc cạn gần Hoàng Sa cũng bị tàu Trung Quốc lợi dụng tiến tới, cắt lưới cụ, cướp đi máy Icom…
Việt Nam thường quan ngại
Bộ ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên án “hành vi đập phá, tịch thu trái phép tài sản và đánh đập ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.”

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài trong hai tháng rưỡi, từ 12h ngày 16/5/2015 đến 12h ngày 1/8/2015. Khu vực biển mà Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

Trước lệnh cấm này của phía Trung Quốc, Hội nghề cá Việt Nam, “thể hiện quan điểm cứng rắn trước tuyên bố trên, đồng thời kiến nghị, thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm khuyến khích, động viên ngư dân tiếp tục bám biển…”

Đối với Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam – một cơ quan chủ quản thuyền ngư và đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn, năm 2014, tổ chức này đã lên tiếng “yêu cầu phía TQ chấm dứt ngay những hành động vô nhân đạo, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân và Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.”. 
Đồng thời Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi, cổ vũ ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, khai thác thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam.

Cho đến nay, những lời tuyên bố ngoại giao và “cổ vũ ngư dân bám biển” đã khiến không ít ngư dân Việt Nam phải trả giá bằng tính mạng, sức khỏe và tài sản khi gặp tàu ngư dân và cảnh sát biển Trung Quốc trên biển Đông.

Indonesia mạnh tay
Trong một diễn biến có liên quan ngư dân và ngư trường trên Biển Đông. Ngày 26/05, báo Thanh Niên dẫn tin từ báo Jakarta Post (Indonesia) cho biết, Indonesia đã huy động 61 tàu chiến đã xuất phát đến các khu vực thuộc vùng biển Indonesia để làm nhiệm vụ tuần tiễu, bảo vệ ngư dân Indonesia trước mối đe dọa của tàu cá nước ngoài.
Và “Lãnh đạo Hải quân Indonesia không đề cập cụ thể tàu cá nước ngoài nào trong phát biểu của mình. Tuy nhiên, ông kêu gọi ngư dân Indonesia tiếp tục ra khơi và không cần lo lắng trước đe dọa của ngư dân nước ngoài.”
“Nếu họ (ngư dân nước ngoài) rượt đuổi ngư dân chúng ta, chúng tôi sẽ rượt theo và bắt họ”, Đô đốc Supandi, Chỉ huy Hải quân Indonesia nói.
Trước đó, Hải quân Indonesia đánh chìm một tàu của ngư dân Trung Quốc khi “săn bắt cá bất hợp pháp gia tăng trên vùng biển Indonesia.”

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)