VNTB – Tha tù trước thời hạn

VNTB – Tha tù trước thời hạn

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Chiến dịch pháp lý kêu gọi trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức

 

“Bắt đầu từ ngày 12/10/2020, từng người trong gia đình chúng tôi sẽ gửi hai đơn: Đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại cho ông Trần Huỳnh Duy Thức; và Đơn đề nghị giải thích pháp luật đến các cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Kính mong những người bạn ủng hộ anh Trần Huỳnh Duy Thức cùng gửi hai đơn sau để ủng hộ chiến dịch pháp lý kêu gọi trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của mọi người”.

Gia đình của người tù Trần Huỳnh Duy Thức đã có lời kêu gọi như vậy với niềm tin pháp lý được diễn giải thế này:

“Khoản 3, Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội như sau:

“Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó Khoản 3 là một quy định pháp luật mới có lợi cho các bị can, bị cáo và người thụ án về tội phạm này như sau:

“Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Nói cách khác, nếu một người đã bị tuyên án theo Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 do Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 (được sửa đổi bởi Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/06/2009) về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, với hình phạt trên 5 năm, mà xét theo quy định về hành vi phạm tội và mức hình phạt mới tối đa 5 năm của Khoản 3, Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015, thì sẽ áp dụng quy định có lợi này cho người đã và đang chấp hành án trên 5 năm.

Do ông Trần Huỳnh Duy Thức đã chấp hành hình phạt hơn 11 năm, nên cần được trả tự do ngay lập tức.

Nôm na của vấn đề theo nghĩa đơn giản nhất, đó là “tha tù trước thời hạn”.

Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015, một người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: Phạm tội lần đầu; Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung như hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ bồi thường dân sự; Đã chấp hành được ít nhất là 1/2 thời hạn tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Tuy nhiên có một lưu ý là Bộ luật Hình sự phiên bản 1999, hay phiên bản 2015 đều có điều khoản không chấp nhận “tha tù trước thời hạn” đối với những người bị cáo buộc trong nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia”. Điều này cho thấy nếu không phải đặc xá, đại xá hoặc “trao đổi ngoại giao” thì các tù nhân nhóm này thường phải thi hành án đủ số năm mà tòa phúc thẩm tuyên.

Việc “hồi tố” như lập luận pháp lý của gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức, đang đặt ra tình huống pháp lý thú vị cần được giải thích bằng một tu chỉnh luật, chứ không phải một văn bản hành chính gọi là “trả lời” cho yêu cầu “giải thích pháp luật”.

***

CHIẾN DỊCH PHÁP LÝ KÊU GỌI TRẢ TỰ DO TRẦN HUỲNH DUY THỨC
_______________

Bắt đầu từ ngày 12/10/2020, từng người trong gia đình chúng tôi sẽ gửi hai đơn: Đơn Yêu Cầu Miễn Hình Phạt Còn Lại Cho Ông Trần Huỳnh Duy Thức và Đơn Đề Nghị Giải Thích Pháp Luật đến các cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Kính mong những người bạn ủng hộ anh Trần Huỳnh Duy Thức cùng gửi hai đơn sau để ủng hộ chiến dịch pháp lý kêu gọi trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của mọi người.

A. ĐƠN ĐỀ NGHỊ MIỄN HÌNH PHẠT CÒN LẠI CHO ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Gửi đến: Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao

Địa chỉ: 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

=============== Nội dung đơn ==================

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________________

ĐƠN ĐỀ NGHỊ MIỄN PHẦN HÌNH PHẠT CÒN LẠI
CHO ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Kính gửi: – Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
– Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao

Kính thưa ông Chánh án và Hội đồng Thẩm phán,

Tôi là [họ và tên], hiện đang cư trú tại [địa chỉ], lập đơn này để đề nghị ông Chánh án và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét miễn phần hình phạt còn lại cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, căn cứ Bản án sơ thẩm số 19/2010/HSST ngày 20/01/2010 của Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 254/2010/HSPT ngày 11/05/2010 của Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã bị tuyên án theo Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 do Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 (được sửa đổi bởi Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/06/2009) (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 1999), với hình phạt 16 năm tù giam tính từ ngày 24/05/2009 và 5 năm quản chế. Tính đến nay ông Thức đã bị giam giữ hơn 11 năm.

Vào ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (được sửa đổi bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017) (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015), theo đó xác lập hai cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, mà tôi xin trình bày dưới đây.

1. Hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là “chuẩn bị phạm tội” theo luật hiện hành

Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 không quy định về hành vi chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 đã khắc phục thiếu sót đó bằng Điều 109. Cụ thể, Khoản 3 của Điều 109 quy định người nào chuẩn bị phạm “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Liên quan đến hành vi “chuẩn bị phạm tội”, Khoản 1, Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

“Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.”

Theo mô tả của Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm, nhóm “Nghiên cứu Chấn” trên thực tế chỉ là tên gọi của một mối quan hệ xã hội đơn thuần giữa ông Trần Huỳnh Duy Thức và những người bạn cùng quan tâm nghiên cứu các vấn đề kinh tế Việt Nam, chứ không phải là một tổ chức hội đủ các yếu tố luật định để bị xem là “nhóm tội phạm” có mục tiêu “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Do đó, theo quan điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ dừng lại ở hành động “chuẩn bị phạm tội” dù xét từ góc nhìn nghiêm khắc nhất của các cơ quan tố tụng hiện nay.

2. Nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội

Giá trị nhân bản xuyên suốt của Bộ luật Hình sự 2015 chính là nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Nguyên tắc này không chỉ thể hiện tại Điều 7 của Bộ luật này mà còn được khẳng định và cụ thể hóa tại các Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/06/2016 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội.

Thật vậy, Khoản 3, Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội như sau:

“Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.” (Lưu ý các phần tô đậm)

Cụ thể hơn, Khoản 1(b), Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 quy định như sau:

“Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.” (Lưu ý các phần tô đậm)

Do vậy, theo nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, nếu Bộ luật Hình sự 2015 quy định về một hình phạt nhẹ hơn, liên quan đến hành vi phạm tội tương tự như hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999, thì quy định như vậy sẽ được áp dụng cho người phạm tội dù người đó đang chấp hành hình phạt theo bản án đã tuyên trước đó.

Như đã trình bày ở trên, hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ dừng lại ở hành động “chuẩn bị phạm tội” theo quan điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 tại Khoản 3 của Điều 109. Do đó, cần sửa lại các bản án đã tuyên để áp dụng quy định có lợi này cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Trong trường hợp sửa đổi bản án như vậy, mức hình phạt tối đa mà ông Trần Huỳnh Duy Thức phải chịu theo Khoản 3, Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 chỉ có thể là 5 năm. Do ông Trần Huỳnh Duy Thức đã chấp hành hình phạt hơn 11 năm, nên cần được trả tự do ngay lập tức.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã viết nhiều kiến nghị gửi đến các nhà lãnh đạo nhà nước, trong đó phân tích thực trạng kinh tế và đề xuất các giải pháp thay đổi chính sách điều hành nền kinh tế quốc gia, một công việc hoàn toàn mang tính chất khoa học mà ông vẫn kiên trì thực hiện kể cả trong thời gian dài thụ án bất công.

Hiện nay, theo gia đình của ông cho biết sau lần thăm gặp gần nhất, ông Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực trong tù để phản đối việc Tòa án Nhân dân Tối cao chưa hồi đáp Đơn đề nghị miễn hình phạt còn lại mà ông đã lập và gửi vào ngày 07/07/2018.

Vì những lẽ nêu trên, tôi kính đề nghị ông Chánh án và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, bao gồm 5 năm tù giam và 5 năm quản chế, và trả tự do cho ông.

Trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức là một biểu hiện cụ thể của tinh thần thượng tôn pháp luật. Điều này không chỉ mang đến lợi ích hợp pháp cho cá nhân ông Trần Huỳnh Duy Thức, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào pháp luật, vào chủ trương “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.

Tôi mong sớm nhận được quyết định ông Chánh án và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào.

Lập vào ngày __ tháng __ năm 2020
Kính đơn
(ký và ghi rõ họ tên)

_______________________________________________________

B. ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI THÍCH PHÁP LUẬT

Gửi đến các đơn vị sau:
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội; địa chỉ: Tòa nhà Quốc hội, số 2 đường Độc Lập, Quận Ba Đình, Hà Nội.
– Ủy ban Tư pháp Quốc hội; địa chỉ: Tòa nhà Quốc hội, số 2 đường Độc Lập, Quận Ba Đình, Hà Nội.
– Tòa án Nhân dân Tối cao; địa chỉ: 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
– Bộ Tư pháp; địa chỉ: 60 Trần Phú – Hà Nội.
– Hội Luật gia Việt Nam; địa chỉ: Tầng 3, Tòa tháp Ngôi Sao (Star Tower), đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

=============== Nội dung đơn ==================

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________________

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI THÍCH PHÁP LUẬT

Kính gửi: [Tên Của Từng Cơ Quan]

Kính thưa quý cơ quan,

Tôi là [họ và tên], hiện đang cư trú tại [địa chỉ], lập đơn này để đề nghị quý cơ quan giải thích về một số quy định pháp luật của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (được sửa đổi bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017) (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015), như trình bày dưới đây.

Khoản 3, Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội như sau:

“Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.” (Lưu ý các phần tô đậm)

Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó Khoản 3 là một quy định pháp luật mới có lợi cho các bị can, bị cáo và người thụ án về tội phạm này như sau:

“Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Nói cách khác, nếu một người đã bị tuyên án theo Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 do Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 (được sửa đổi bởi Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/06/2009) về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, với hình phạt trên 5 năm, mà xét theo quy định về hành vi phạm tội và mức hình phạt mới tối đa 5 năm của Khoản 3, Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015, thì sẽ áp dụng quy định có lợi này cho người đã và đang chấp hành án trên 5 năm.

Tôi mong sớm nhận được ý kiến giải thích pháp luật từ quý cơ quan, để tôi có thể hiểu rõ và vận dụng pháp luật vào những trường hợp cụ thể trên thực tế, qua đó giúp nâng cao hiệu quả thực thi và tôn trọng pháp luật. Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào.

Lập vào ngày __ tháng __ năm 2020
Kính đơn
(ký và ghi rõ họ tên)

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)