VNTB – Thẩm phán, hội thẩm trong xét xử làm sao được độc lập?

VNTB – Thẩm phán, hội thẩm trong xét xử làm sao  được độc lập?

 Triệu Tử Long

(VNTB) – Trong những vụ án hình sự liên quan đến những đảng viên nằm trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương, thì muốn nói chuyện về pháp luật khi họ có dấu hiệu vi phạm, buộc phải thông qua thủ tục là thỉnh thị ý kiến của Bộ Chính trị.

Như vậy thì các vấn đề về ‘tư pháp độc lập’ mà một số bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo đặt ra, là khó thể thực hiện nếu như trong nhiệm kỳ mới sắp tới, đảng chính trị ở Việt Nam vẫn giữ nguyên cung cách quản lý cũ.

(Xem thêm https://vietnamthoibao.org/vntb-nhin-tu-bieu-tinh-o-my/; https://vietnamthoibao.org/vntb-can-cham-dut-doc-quyen-ve-giam-dinh-tu-phap/).

Ngày 4-10-2019, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị về phòng chống ma túy. Thiếu tướng Phan Anh Minh – cựu phó giám đốc Công an TP.HCM đã được mời tới dự. Tại đây trong số những ý kiến mà ông nêu ra, có vấn đề thẩm quyền xử lý khi có hoạt động cần tương trợ tư pháp.

“Hầu hết các vụ án lớn đều dồn về các cơ quan Trung ương. Có những lúc phát hiện container có ma túy đã xuống tàu đi Đài Loan, họ chuẩn bị nhận hàng nhưng tôi phải xin ý kiến, mà lãnh đạo Bộ đang họp Quốc hội nên không xin ý kiến được, trong khi chậm một chút đã mất rồi. Đây là tồn tại phải khắc phục, nếu không khắc phục thì đừng ngạc nhiên khi họ chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển và trung chuyển với quy mô ngày càng lớn”. Tướng Phan Anh Minh, nói.

Lúc còn đương chức, tướng Phan Anh Minh được biết đến là người phản đối sự can thiệp của Bộ Chính trị vào các nghi phạm là đảng viên.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2006 – 2011 do ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư đã có Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 về sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có đoạn: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng”.

Vì thế, thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM tại “Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015” vào ngày 8-3-2016 đã thể hiện sự bất bình, vì “công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên” nên không thể phát hiện được tham nhũng.

Tính đến hiện tại thì vẫn còn có quy định rằng đảng chỉ đạo, hoặc cho ý kiến về nguyên tắc chung trên cơ sở quy định của pháp luật trong việc giải quyết, xử lý tội phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện quản lý của các cấp ủy đảng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại… và trực tiếp quản lý công tác cán bộ, trong đó có việc xem xét, quyết định nhân sự cán bộ lãnh đạo và thẩm phán tòa án các cấp.

Lâu nay trong thành phần cấp ủy các cấp luôn có sự cơ cấu, tham gia của người lãnh đạo cơ quan hành pháp. Lẽ ấy, tòa án tất yếu phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy tương ứng, và đương nhiên thì lãnh đạo cơ quan tòa án thường là “cấp dưới” của những người lãnh đạo cơ quan hành pháp.

Mối quan hệ giữa tòa án và cơ quan hành pháp còn thể hiện ở việc, cơ quan hành pháp có thẩm quyền tham gia hoặc quyết định những vấn đề về ngân sách, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của tòa án. Do đó dẫn đến một thực tế là, cơ quan tòa án khó có thể độc lập, mà chịu sự chi phối và lệ thuộc cơ quan hành pháp.

Ngoài ra thể chế chính trị ở Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, cụ thể cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Cho nên thực tế cho thấy, vẫn còn một số trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát cùng cơ quan tòa án họp bàn thống nhất về đường lối xử lý vụ án trước khi đưa vụ án ra xét xử – hay gọi là họp liên ngành. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó bảo đảm tính độc lập của tòa án và của thẩm phán.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)