VNTB – Thẻ nhà báo và thẻ… tạp chí?

VNTB – Thẻ nhà báo và thẻ… tạp chí?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Luật Báo chí của Việt Nam không giải thích ‘báo chí’ khác với ‘tạp chí’ ra sao?

Chiều 4/3, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra Lễ trao giấy phép các tạp chí thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí.

18 tờ báo thành 18 tạp chí

Có tổng cộng 18 cơ quan báo chí của các tổ chức, hội được trao giấy phép mới trong đợt quy hoạch lần này: Tạp chí Một thế giới (Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam); Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam); Tạp chí Bóng đá (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam); Tạp chí Kinh tế nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam); Tạp chí Làng nghề Việt Nam (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam); Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam (Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam); Tạp chí Sức khỏe cộng đồng (Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam); Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (Hội Marketing Việt Nam);

Tạp chí Mê Kông – ASEAN (Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN); Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); Tạp chí Thương hiệu và Công luận (Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Tạp chí Người cao tuổi (Hội Người cao tuổi Việt Nam); Tạp chí Chất lượng và cuộc sống (Hội Khoa học Kỹ thuật về tiêu chuẩn & chất lượng Việt Nam); Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam); Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Hội Xuất bản Việt Nam); Tạp chí Kinh tế và Đồ uống (Hiệp hội Chè Việt Nam); Tạp chí Năng lượng mới (Hội Dầu khí Việt Nam); Tạp chí Thời đại (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam).

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo giải thích rằng ‘tạp chí’ là nhằm “để cho các bài viết chuyên sâu hơn về hoạt động của hội mình, về đối tượng tập hợp của mình, về lĩnh vực hoạt động của mình để không sa đà vào những việc khác. Các cơ quan báo chí của hội phải coi việc tuyên truyền cho hội là số một”.

Vẫn theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, các hội được sinh ra để tổ chức, tập hợp các đối tượng nhằm tham gia phản biện chính sách cùng Đảng và Nhà nước. Các hội vẫn làm điều đó, nhưng thể hiện trên cơ quan ngôn luận của mình lại rất mờ nhạt. Đây là một trong những lý do phải quy hoạch báo chí. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, báo chí nhiều, đông nhưng không có sức mạnh. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước thấy rằng cần phải sắp xếp lại các cơ quan báo chí.

Nếu chấp nhận lập luận của ông Hoàng Vĩnh Bảo, thì sắp tới đây sẽ có Hội Nhà báo, Hội Tạp chí, Thẻ Nhà báo, Thẻ Tạp chí…

Sẽ có “Ngày Tạp chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng sáu”

Thuở báo chí mới xuất hiện ở Việt Nam, năm 1865, Gia Định báo có khuôn khổ 25cm x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn. Theo phân loại hiện nay, tờ báo này thuộc tiểu nhóm tạp chí. Nhưng ở thời đó cũng như ngay hôm nay ai nấy đều có thể gọi đó là tờ báo, tờ báo Gia Định, hay Gia Định báo.

Ví dụ khác. Lâu nay người ta vẫn tuyên truyền “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng 6”, là ngày kỷ niệm ra đời của báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập 21 tháng 6 năm 1925. Theo phân loại của cách hiểu như ông Hoàng Vĩnh Bảo, thì “Thanh niên” của Nguyễn Ái Quốc cũng là ‘tạp chí’. Như vậy sắp tới đây cần thiết đổi tên thành “Ngày Tạp chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng 6”.

Nhà báo Hải Văn ở Sài Gòn cho rằng việc phân biệt trong tờ giấy phép hành chính về sản xuất “Báo”, “Tạp chí” thực chất là một kiểu hạn chế về quyền tự do thông tin, tự do báo chí.

Báo chí dù là ở loại hình nào, có cơ quan chủ quản về mặt quản lý hành chính là ai đi nữa, thì đối tượng rộng rãi người dân trong cộng đồng vẫn là ‘độc giả’ ưu tiên số một. Những nhà quản trị quốc gia có bổn phận xem báo chí là kênh thông tin cần thiết, để hiểu trách nhiệm của mình phải làm gì cho an sinh của người dân.

Theo nhà báo Hải Văn, ở thời chưa có internet, “nhật báo” là thứ báo ấn hành hàng ngày, và nhờ ra hàng ngày nhật báo có điều kiện đưa những tin tức cập nhật hơn, có tính thời sự hơn so với tạp chí là thứ báo có tần suất ấn hành thưa hơn (thường là hàng tuần, hàng tháng). Do thưa kỳ, tạp chí không có khả năng đưa tin cập nhật, nhưng bù lại có khả năng bình luận phân tích vấn đề sâu hơn, có tính tổng kết hơn. Nhật báo Nhân Dân, Nhật báo Quân đội, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tia sáng, nhật báo Nữu Ước (the New York Times), Nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post),  tạp chí Time, tạp chí Newsweek, v.v. là những ví dụ.

Khi báo chí internet ra đời, báo giấy (cả nhật báo và tạp chí) đã từng bước nhường chỗ báo chí điện tử, các nhật báo và tạp chí giấy giờ cũng đều đã có phiên bản điện tử và đều hướng tới điện tử là chủ yếu, vấn đề tần suất phát hành giờ đây đã được giải quyết triệt để.

Bất kể cơ quan báo chí điện tử nào, dù tiền thân là nhật báo hay tạp chí, giờ cũng đều có thể xuất bản tin, bài với tần suất rất cao, từng giây, vấn đề chỉ còn là làm sao để có tin bài đúng và hay để mà xuất bản. Các cơ quan báo chí giờ đều dùng những thành tựu kỹ thuật chung của thời đại (internet tốc độ cao, máy tính bàn -desktop, máy tính xách tay – laptop, máy tính bảng – tablet, điện thoại thông minh – smart phone, mạng xã hội – social media, thậm chí dữ liệu lớn – big data, trí tuệ nhân tạo – AI, và học máy – machine learning) để tăng tần suất thông tin, mở rộng đối tượng và phạm vi phát hành phục vụ bạn đọc.

Công cuộc chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Việt Nam đang chủ động xúc tiến, đang khiến những tờ nhật báo và tạp chí trước kia giờ trở nên hoàn toàn giống nhau về phương diện tần suất phát tin.

Tần suất như nhau lại tạo tiền đề cho các cơ quan báo chí điện tử mở rộng phạm vi đề tài. Cũng có thể nói ranh giới giữa nhật báo và tạp chí giờ đã khác xưa rất xa. Time, Newsweek vốn là hai tạp chí in lừng lẫy thế giới, ra hàng tuần, giờ đây cũng đã trở thành tạp chí điện tử, và giống hoàn toàn với The New York Times hay The Washington Post về phương diện tần suất phát tin.

Báo chí điện tử giờ đã giống nhau về tần suất thông tin. Sự khác nhau lúc này chỉ còn là đề tài có rộng và tin bài có sâu có tính khái quát hay không, mà điều này lại chỉ tùy thuộc nguồn lực con người và vật chất và cách vận hành của từng tờ chứ không phụ thuộc nó có tên gọi gì…

Cán bộ phần lớn chỉ thích đọc ‘báo biếu’, ‘tạp chí kính tặng’ (!?)

Nếu răm rắp theo cách lập luận về quy hoạch báo chí như lời của Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, thì cái khó của tạp chí là ngoài việc bảo đảm tính hấp dẫn và thuyết phục đối với bạn đọc, thì quan trọng hơn là việc xác định đối tượng phục vụ của tạp chí bao gồm những loại bạn đọc nào: là cán bộ nghiên cứu, hay cán bộ quản lý, hoặc cán bộ cơ sở?.

Trên thực tế có nhiều loại tạp chí chỉ phục vụ chủ yếu cho một loại bạn đọc là cán bộ nghiên cứu có trình độ khoa học nhất định. Nhưng cũng có loại tạp chí đối tượng phục vụ bạn đọc vừa là cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, vừa là cán bộ chuyên môn thực hành thuộc ngành đó.

Và vượt lên trên tất cả, thực tế mấy mươi năm qua cho thấy ở trên các quầy sạp báo từ thời ‘hoàng kim’ cho tới ‘thoái trào’ như hiện tại, gần như hiếm hoi người mua tạp chí trong vai trò là cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Đa phần nhóm độc giả cán bộ này có thói quen đọc tạp chí có đóng dấu “kính biếu”

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)