VNTB – Thông quan, corona và EVFTA

VNTB – Thông quan, corona và EVFTA
Hữu Sự

(VNTB) – Bất chấp nạn dịch corona diễn biến phức tạp, sáng 5-2, chính quyền Lạng Sơn, thừa nhiệm uỷ của Chính phủ tiến hành thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mục đích ‘giải cứu nông sản.’ 

Quyết định này xuất phát từ nhu cầu xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc bị đình trệ, người nông dân và thương lái ‘khóc ròng.’ Nhưng lớn hơn cả, ‘thông quan’ khắc hoạ cán cân thương mại hai chiều Việt – Trung và cho thấy vai trò của EVFTA.

Để dễ hình dung, theo thông tin Tổng cục Hải quan công bố vào 1-2020, chỉ 11 tháng trong năm 2019, dù xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, dẫn đến tình trabgj nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc lên đến hơn 31 tỷ USD (tăng 9 tỷ USD so với 2018).

CPTPP, EVFTA trở thành cứu cánh của Việt Nam trong giảm bớt phụ thuộc vào nền kinh tế phía Bắc. Tuy nhiên, vì nhiều nước trong CPTPP đã ký FTA với Việt Nam, nên so với EVFTA, thì CPTPP ít có giá trị tạo cú hích thoát Trung về phụ thuộc kinh tế.

Đây cũng là lý do mà Luật sư Lê Công Định bày tỏ nhiều lần trên trang cá nhân, thể hiện xu hướng ủng hộ ký kết EVFTA trên cơ sở ‘giúp VN thoát rơi khỏi vòng xoáy Trung Quốc.’

Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao, trước khi sự kiện Đồng Tâm 9-1 xảy ra, một cựu tù nhân lương tâm là ông Vũ Hùng đã nhận được tin mật báo rằng, có những người cố tình phá EVFTA bằng cách ‘động binh’. Và trong một buổi họp riêng tại Bỉ của các dân biểu EU, một số nhân vật đến từ một bộ phận thương mại của Việt Nam đã ‘đổ vấy’ ông Phạm Chí Dũng là bị ‘Trung Quốc’ giật dây để phá EVFTA (mà sự thật là ông Dũng chỉ đòi hoãn để đảm bảo nhân quyền rõ ràng trước khi ký kết).

Nhu cầu EVFTA trong bộ máy Chính phủ là rất lớn, và EVFTA có thể được xem là một thành quả chính trị – kinh tế đủ lớn để đảm bảo một giá trị chính trị lớn hơn trong kỳ Đại hội tới của một số người. Thế nhưng, câu chuyện EVFTA sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi phụ thuộc thương mại với Trung Quốc là điều không cần bàn cãi.

Dù đánh giá chiều sâu tác động tích cực của EVFTA trong cải thiện nền kinh tế và giữ thăng bằng với Trung Quốc. Thế nhưng, EVFTA cũng cần nhận được nhiều hơn nữa sự hảo thị của nhà nước Việt Nam về mặt nhân quyền. Khi mới đây, Một lá thư ngỏ đề ngày 04/02/2020 được 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ký tên đã được gởi đến các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU), yêu cầu hoãn ký kết Hiệp định tự do mậu dịch EU-Việt Nam (EVFTA) cho đến khi Hà Nội đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền.

Câu chuyện này không nên được chính quyền xem xét dưới góc độ ‘chống phá nhà nước’, bởi lẽ bản chất của lá thư ngỏ chỉ nhằm đúng một mục đích là kiểm soát các đòi hỏi về nhân mặt ‘một cách cụ thể và có thể kiểm chứng được.’ Dưới góc độ của các tổ chức phi chính phủ (thực hành các hoạt động, vai trò quyền con người) thì giá trị tích cực có thể nhìn thấy là họ mong muốn một sự phát triển bền vững hơn và thịnh vượng hơn của Việt Nam trong tương lai, gắn liền với thực thi các cam kết nhân quyền.

Thực tế đã chứng minh, nền kinh tế Trung Quốc – vốn được coi là hình mẫu của kiểm soát độc đoán về chính trị, và mở cửa về kinh tế theo hướng tư bản. Thế nhưng, dịch corona đã phô bày lỗ hổng chết người của Trung Quốc, đó là khi nhân quyền (quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận) không đảm bảo, thì nền kinh tế – xã hội đã phải trả giá, tăng trưởng GDP quý I của Bắc Kinh dự đoán ở mức 0%, trong khi dư luận xã hội bắt đầu đòi hỏi quyền con người và trút căm phẫn vào độc đoán của chế độ Tập Cận Bình.

Với Việt Nam, kỳ bầu cử nhân sự đảng (chính quyền) được bắt đầu. Nhưng câu chuyện phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, thoát khỏi vòng phụ thuộc thương mại Trung Quốc chỉ có thể tiến hành được nếu như chính quyền nghiêm túc hơn về thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam. Không chỉ phương diện lý thuyết hay chủ nghĩa hình thức nhân quyền thông qua căn cứ pháp lý, mà phải là triển khai đầy đủ trong thực tế.

Và khi nhân quyền được đảm bảo, thì chính quyền mới huy động được đầy đủ sức dân trong tự cường, độc lập, tự chủ xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Trước mắt là có thể có triển vọng chấm dứt nạn nhập siêu (năm sau cao hơn năm trước) trong cán cân thương mại Việt – Trung. Cùng lúc, khái niệm chụp mũ ‘các thế lực thù địch, các thế lực phản động’ sẽ biến mất, thay vào đó là các nhóm hỗ trợ, nhóm đối tác trong xây dựng nhà nước, quốc gia Việt Nam hùng cường.

Không có bất kỳ người Việt Nam nào muốn tổn hại lợi ích dân tộc. Và có nói khó nghe đến mấy thì tiếng nói đó cần được lắng nghe, đối thoại thay vì tìm cách bắt nhốt, bỏ tù những người đó.

Cần có một nhà lãnh đạo thực sự có tâm, có tầm trong kỳ đại hội tới.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)