VNTB – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘tự diễn biến’?

VNTB – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘tự diễn biến’?

Ngô Vân Khanh

(VNTB) – “Chính phủ số là con đường đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”.

“Theo Thủ tướng, phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, đẩy lùi nạn tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là con đường phát triển Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” – trích bài viết trên báo điện tử VietnamNet, tường thuật tại lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào sáng 19/8 (*).

Lâu nay trên báo chí, trong các bài diễn văn ở các buổi lễ, những chương trình sự kiện, người ta quen cách hiểu của lối diễn đạt, “thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản”. Nếu có ai đó đi ngược lại quan điểm này, sẽ đối mặt với cáo buộc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ở đây, cần giải thích là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không được hiểu theo từ điển tiếng Việt.

Theo nghĩa thông thường thì “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” được sử dụng trong văn kiện của Đảng và trên sách báo chính trị – xã hôi ở Việt Nam không theo nghĩa như vậy; mà theo nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên.

Nôm na theo cách nói của Đảng, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là quá trình tự thay đổi của chủ thể theo hướng tiêu cực. “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của cán bộ và đảng viên nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến sự chuyển hóa của cả chế độ.

Chủ thể của “tự diễn biến” là cán bộ, đảng viên, bất kể ở vị trí nào. Vị trí của người cán bộ, đảng viên càng cao thì hậu quả tiêu cực của “tự diễn biến” càng lớn. Còn chủ thể của “tự chuyển hóa” vừa là cán bộ, đảng viên, vừa là tổ chức của chính những cán bộ, đảng viên đó.

Tuy nhiên, sự xác định như nêu cũng chỉ mang tính tương đối tùy theo vị trí bài diễn văn có những cụm từ này do ai phát biểu, vị ấy ‘chức sắc’ đến đâu trong bộ máy Đảng. Theo cách lập luận của Đảng, thì “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” có quan hệ chặt chẽ với nhau giống như mối quan hệ không thể phân biệt giữa cá nhân trong tổ chức mà cá nhân đó là thành viên. “Tự diễn biến” là quá trình thẩm thấu từng ngày, từng hoạt động của các chủ thể; còn “tự chuyển hóa” là đích đến, là hệ quả của “tự diễn biến” của các cá nhân, tổ chức.

Có vẻ càng ‘mô tả – diễn đạt’ cho các cụm từ được hiểu không theo từ điển tiếng Việt ở trên, thì xem ra càng rối rắm hơn.

Một cách đơn giản, trở lại với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo VietnamNet tóm ý để đặt thành tựa bài tường thuật “Chính phủ số là con đường đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, nếu thư ký của ngài thủ tướng cẩn trọng hơn, và biên tập viên của VietnamNet có ‘tính Đảng’ hơn, thì:

“Theo Thủ tướng, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.

“Đây cũng là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh”.

Đoạn tường thuật đó nên ‘biên tập’ thế này để bảo đảm tuân thủ Điều 4, Hiến pháp 2013:

“Theo Thủ tướng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là quan tâm sâu sát của đồng chí Tổng Bí thư, đang tạo những điều kiện tốt nhất cho xây dựng và phát triển Chính phủ số, một xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.

“Đây cũng là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng mà Đảng của chúng ta đang nhắm đến”, Thủ tướng nhấn mạnh”.

Các đoạn ‘thêm thắt’ ở trên nghe tuy có vẻ nịnh hót, song sẽ tương đồng với lối phát biểu trước đó trong bài diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; có thêm nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Thành tựu của 35 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” (**).

Rõ ràng, theo nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là nhờ vào “đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Nay nếu tự nhiên ở đâu đó xuất hiện quan điểm “Chính phủ số là con đường đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, thì hóa ra ở đây các vị tiền bối cách mạng như Mác, như Lênin, như Hồ Chí Minh ở cả trăm năm trước đã tiên đoán được sự phát triển của ‘kỷ nguyên số’?

Có lẽ lâu nay thế giới tôn vinh chiêm tinh gia người Pháp Nostradamus, là điều cần xem lại khi so với ‘cây cao bóng cả’ Mác, Lênin và Hồ Chí Minh của Việt Nam.

_________________

Chú thích:

(*) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-phu-so-la-con-duong-phat-trien-viet-nam-hung-cuong-thinh-vuong-667662.html

(**) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/dien-van-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-458617/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)