VNTB – Thủy điện phải chịu trách nhiệm

VNTB – Thủy điện phải chịu trách nhiệm

Triệu Tử Long

(VNTB) – Gần 1 tháng sau khi thủy điện Thượng Kon Tum ngăn dòng tích nước, thì thủy điện Đăk Ne phía hạ du (trên cùng dòng sông Đăk Snghé) cũng xả nước cầm chừng ra môi trường, khiến dòng sông này trơ đáy.


“Hiện UBND huyện đang tiến hành rà soát, đánh giá thiệt hại của người dân để yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Nếu người dân cảm thấy bị thiệt hại nặng thì có quyền khởi kiện thủy điện. UBND huyện sẽ hỗ trợ pháp lý cho người dân” – ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum nói với báo chí như vậy.

Trong bối cảnh các cấp đảng đang cơ cấu nhân sự cho nhiệm kỳ mới của Đại hội 13 đảng cộng sản Việt Nam dự kiến vào quý 1-2021, thì ‘lời hăm he’ kiện tụng trên ít nhiều sẽ có giá trị, và người dân có thể ‘tọa sơn quan hỗ đấu’.

Ghi nhận qua báo cáo của nhà chức trách cấp huyện

Theo báo cáo của UBND huyện Kon Rẫy, hiện nay, các khu tưới thuộc các công trình thủy lợi: Đăk Đam, Hố Chuối (thị trấn Đăk Rve); Kon Bưu (xã Tân Lập); Đăk Pô Công, Đăk Gur (xã Đăk Tờ Re); Đăk Tờ Lung (xã Đăk Tờ Lung)… đều bị thiếu nước, không đủ đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng và phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đáng chú ý, trước sự ảnh hưởng của việc tích nước tạm của hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum (để nghiệm thu các hạng mục công trình đầu mối), trong cuối tháng 2-2020, huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo xã Tân Lập huy động hơn 140 lao động, triển khai đắp hơn 400 bao tải cát để chặn, dẫn dòng vào cửa lấy nước của công trình thủy lợi Đăk Snghé nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 100ha lúa đông xuân.

Sau công trình này, một đoạn sông dài hơn 30 km, dòng nước ở các khe suối nhỏ, hợp lưu đưa nước về sông Đăk Snghé (nhánh cấp I của sông Đăk Bla, thượng nguồn sông Sê San) để dẫn nước về hạ lưu cũng bị chặn bởi thủy điện Đăk Ne. Đến nay, sau hơn 20 ngày tích nước từ thượng nguồn, hạ lưu con sông bị “bức tử”. Hàng trăm ha hoa màu nơi đây đang đứng trước nguy cơ khô cháy.

Ông Phan Duy Huynh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy, cho biết từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước thì thủy điện Đăk Ne không thực hiện cam kết xả dòng chảy ra môi trường tối thiểu là 1,29 m3/giây. Hệ lụy là sông Đăk Snghé bắt đầu khô cạn, đập thủy lợi Đăk Snghé không có nước về. Ngoài ra việc thủy điện Đăk Ne xả nước theo lịch mỗi ngày 2 đợt, mỗi đợt chỉ kéo dài 1 tiếng, thì với khoảng thời gian ít ỏi đó, không đủ để bà con bơm tưới cà phê. Hiện tại một số diện tích tiêu và cà phê đã chết.

Dấu hiệu khô hạn ngày một nghiêm trọng, ngày 12-3, UBND huyện Kon Rẫy tiếp tục có buổi làm việc với các nhà đầu tư của thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Ne. Tại buổi làm việc, công ty cổ phần thủy điện Trường Thịnh – chủ dự án thủy điện Đăk Ne, không hợp tác với chính quyền.

UBND huyện Kon Rẫy đã yêu cầu thủy điện Đăk Ne phải đảm bảo duy trì lưu lượng xả thường xuyên xuống hạ lưu đập không nhỏ hơn 1,29 m3/giây, không gây biến đổi lớn đến chế độ dòng chảy hạ lưu hồ theo đúng Quy định số 1838/GP-BTNMT ngày 28/9/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi dự án được cấp phép khai thác sử dụng nước mặt. Tuy nhiên, “Tại buổi làm việc, các bên đều thống nhất, riêng đại diện thủy điện Đăk Ne không chịu ký vào văn bản. Họ viện lý do sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà không nghĩ đến thiệt hại của người dân” – ông Phan Duy Huynh, thông tin.

Ý kiến từ nhà đầu tư

Ông Hồ Thanh Tiến – Trưởng phòng Kỹ thuật, công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện Đăk Ne) cho biết, việc người dân không đủ nước tưới khiến cây trông khô héo, chết là do ảnh hưởng của thủy điện Thượng Kon Tum. Cụ thể, từ ngày 26-2 thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu chặn dòng, tích nước, đóng hoàn toàn dòng sông chính chảy về nhà máy Đăk Ne.

Cũng theo ông Tiến, trước đây lưu lượng nước chảy về thủy điện Đăk Ne từ 10 – 12 m3/s nhưng giờ chỉ còn lại chưa được 1m3/s. Tuy nhiên, đơn vị vẫn xả nước ra ngoài môi trường để người dân có nước tưới tiêu, tuy nhiên lượng nước không đủ.

“Ảnh hưởng lớn nhất là do nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Mà theo kế hoạch tích nước thì còn lâu lắm mới có nguồn nước trở lại, ảnh hưởng rất lớn đến trữ lượng. Riêng nhà máy Đăk Ne có bao nhiêu nước xả bấy nhiêu nước ra phía hạ du để người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Đơn vị nhận được 1m3/s thì cũng xả ra bấy nhiêu nước. Đơn vị không đồng ý với việc thủy điện Thượng Kon Tum đổ lỗi cho đơn vị”, ông Tiến khẳng định.

Ông Tiến cho biết, trong cuộc họp vừa qua giữa các bên được tổ chức tại UBND huyện, đơn vị không ký biên bản là do thủy điện Thượng Kon Tum không phối hợp, không đưa ra phương hướng, phương án để giải quyết về việc điều tiết nước cho người dân ở vùng hạ lưu.

Còn ông Lê Thanh – Phó Ban Quản lý Dự án Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum) cho hay, ngày 26-2 khi đơn vị chặn dòng tích nước trong vòng 2 tháng thì đơn vị đã thông báo và tỉnh cũng đã cho phép.

“Trong thời gian 2 tháng này thủy điện không có giọt nước nào chảy xuống. Toàn bộ chỉ có nước thấm, sau 60 ngày sau mới chảy xuống được. Dưới thủy điện Đăk Ne vẫn quy trình vận hành, thủy điện xả vào dòng sông là 7,8m3/s. Còn không có nước, mùa này Đăk Ne vẫn phải xả thường xuyên là 1,29m3/s nhưng mà đơn vị đó không xả. Lỗi tại Đăk Ne chứ không phải tại mình. Việc người dân phản ánh công ty chặn dòng, ngăn sông xả đi Quảng Ngãi nhưng thật ra không phải. Đây là chuyển nhượng nước nhưng chuyển nhượng nước vẫn đảm bảo môi trường sinh thái. Người ta tính toán hết rồi, người ta cho phép. Chỉ cần 60 ngày thôi, 60 ngày sau xả nước lại bình thường” – ông Lê Thanh phân bua.

Hãy cùng nhau ra tòa

Theo luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk), người dân có quyền khởi kiện đòi thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Ne bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo bộ luật Dân sự.

“Về nguyên tắc làm thủy điện thì phải đảm bảo an toàn dưới hạ du và đảm bảo lưu lượng nước phục vụ sản xuất cho bà con. Do đó, người dân có quyền khởi kiện bồi thường thiệt hại do cả 2 thủy điện này gây ra”, luật sư Sơn nói.

Thủy điện Thượng Kon Tum là dự án thủy điện đang thi công lớn nhất Tây Nguyên, sau tích nước, phát điện, lượng nước phần lớn sẽ dẫn từ Kon Tum về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Công trình mới tích nước được 1/3 thời gian nhưng hệ lụy đã hiện rõ.

Ngoài ra dự án Thủy điện Thượng Kon Tum cũng đang ‘dính’ tới việc loại nhà thầu Trung Quốc, chủ đầu tư thuỷ điện bị yêu cầu bồi thường ngàn tỷ trong một phiên xử theo thủ tục trọng tài, diễn ra hồi trung tuần tháng 3-2019 tại Osaka, Nhật Bản.

+ Ảnh: Người dân xã Tân Lập ‘canh nước’ ngày đêm để dùng máy bơm tưới với hy vọng cứu được cây trồng.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)