VNTB – Tiến vi bộ, thoái vi ban, cơ nhỡ lang thang thì về Quốc hội

VNTB – Tiến vi bộ, thoái vi ban, cơ nhỡ lang thang thì về Quốc hội

Vân Khanh

(VNTB) – Câu nói được lưu truyền về hoạn lộ ở Việt Nam: “Tiến vi bộ, thoái vi ban, cơ nhỡ lang thang thì về Quốc hội”.

 

Việt Nam tuy chưa coi chính trị gia là một nghề cần đào tạo chuyên nghiệp như bao nghề khác, nhưng làm quan cũng đã trở thành đường đi công khai của rất nhiều người. Sự chuyên nghiệp của các đại biểu ở cơ quan dân cử, mỗi năm đến kỳ chất vấn lại trở thành một vấn đề day dứt với đông đảo cử tri.

Mất bao nhiêu tiền thuế của dân để bộ máy bầu ra được một đại biểu, nên ai đã làm đại biểu thì phải làm tròn trách nhiệm… Thời tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XI, tôi tự cảm thấy có tội với dân vì 50% thời gian là làm việc riêng, trong khi dân tín nhiệm, bỏ phiếu cho mình làm đại biểu để dành toàn bộ tâm sức cho việc của dân, của nước”. Ông Võ Quốc Thắng, biệt danh bầu Thắng do có thời gian làm Chủ tịch CLB Bóng đá Đồng Tâm Long An, nhận xét.

Hiện tại ông Thắng là chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long.

Tự trách của cựu đại biểu Quốc hội Võ Quốc Thắng thật ra cũng chỉ là việc lực bất tòng tâm, bởi vì sự chuyên nghiệp không được tạo ra bởi những cá nhân đơn lẻ có tính giai đoạn, nó phải được xây lên từ gốc rễ. Và mỗi một nhiệm kỳ Quốc hội qua đi, niềm mong mỏi về một cơ quan dân cử chuyên nghiệp lại càng lớn lên.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng , cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong cuộc trả lời báo chí về tiến trình đổi mới, dân chủ hóa ở Quốc hội, có nhận xét thế này:

Các đại biểu Quốc được lòng cử tri chắc là nhiều hơn đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, cho dù như thế thì đúng là cũng chưa thật nhiều. Có một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vì chúng ta chưa có một Quốc hội chuyên nghiệp. Làm nghề gì cũng phải chuyên nghiệp mới giỏi giang được.

Làm đại biểu Quốc hội lại càng phải như vậy. Đây là một nghề rất khó vì bạn vừa phải làm nhà lập pháp, vừa phải làm người đại biểu của dân. Làm nhà lập pháp thì bạn phải biết sử dụng quyền năng của mình để tác động lên chính sách, pháp luật, để bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ, của các bộ ngành. Làm người đại biểu cho dân, thì bạn phải biết giữ quan hệ chặt chẽ với cử tri đã bầu mình, thúc đẩy lợi ích của họ và giải quyết các vấn đề mà họ yêu cầu”.

Một nhà báo có bằng cử nhân luật, cho rằng trên nghị trường Quốc hội, không ít các vị đại biểu thiếu am tường về pháp luật, nên khó tránh tình trạng đại biểu Quốc hội nhiều khi bỏ phiếu cho một dự án luật mà không biết bỏ phiếu cụ thể về những yêu cầu gì.

Không phải đại biểu nào cũng xuất thân có trình độ pháp luật, nhưng với mặt bằng tri thức và văn hóa cao thì có thể tiếp cận, nghiên cứu để am hiểu được. Nhưng để làm được việc này thì cũng phải có thời gian và phương pháp làm việc của một nghị sĩ chuyên nghiệp” – nhà báo kể trên nhận định.

Cho đến giờ, vẫn hơn 90% các dự án luật xuất phát từ Chính phủ, do các bộ, ngành đề xuất và đệ trình. Nhiều ý kiến từng trăn trở về cơ chế làm luật này bởi khó tránh khỏi chuyện đưa lên Quốc hội những dự án luật chứa trong nó “lợi ích cục bộ”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “không quản được thì cấm”…

Ở nhiều nước, nguồn luật đến với Quốc hội rất phong phú, do các nhóm xã hội khác nhau đệ trình thông qua các hoạt động lobby (vận động hành lang) chính sách, và nhiều khi nghị sĩ chỉ là người bảo trợ cho các dự luật như vậy. Phần việc chính của nghị viện là mở các phiên điều trần (tại các tiểu ban, ủy ban) để các bên có liên quan (ủng hộ, phản đối) nêu quan điểm, làm rõ từng vấn đề.

Để làm được điều mà các Quốc hội khác trên thế giới vẫn làm, có ý kiến đề nghị rằng dẫu là đơn nguyên đảng chính trị, song vẫn cần tới một nghị viện chuyên nghiệp với những nghị sĩ chuyên nghiệp, chứ không phải dừng lại ở mức ‘chuyên trách’ như lâu nay.

Nhớ lại, trong phiên thảo luận về Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, đại biểu đoàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đã phát biểu: “Nếu không có một cơ chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp thì muôn thuở đại biểu vẫn phải ăn, phải sống, lệ thuộc rất nhiều vấn đề khác… nên không thể nói chính kiến của mình một cách độc lập được”.

Thực tế, quá trình hoạt động đại biểu của bà Tâm là minh chứng rõ nhất cho những khó khăn mà bà đã tâm sự vào 6 năm về trước.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)