VNTB – Tính nhân đạo qua vụ người tù Đào Quang Thực tử vong

VNTB – Tính nhân đạo qua vụ người tù Đào Quang Thực tử vong

 

Nguyễn Nam

(VNTB) – Liệu có khuất tất nào ở đây khi gia đình ông Đào Quang Thực không nhận được thi thể của ông – một người đang chịu thi hành án tù 13 năm tại trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An?

Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960, từng giảng dạy tại trường tiểu học Triệu Phúc Lịch, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong hơn 30 năm trước khi về hưu. Ông bị cơ quan an ninh điều tra bắt giữ vào tháng 10 năm 2017 với lý do là ông dùng 2 tài khoản Facebook “thường xuyên đăng tải nhiều bài viết, bài chia sẻ, bình luận có nội dung chống Nhà nước”.

Ông bị Tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên 14 năm tù vào phiên sơ thẩm, và giảm còn 13 năm tù ở phiên phúc thẩm ngày 17 tháng 1 năm 2019.

Gia đình không được mang về mà mai táng trong trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, 3 năm sau thì mới được mang hài cốt về”. Ông Đào Duy Tùng, con trai của ông Đào Quang Thực, cho báo chí biết như vậy. Ông Tùng nói nhận được tin thân phụ của ông qua đời tại bệnh viện Hữu Nghị, Nghệ An vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 10 tháng 12 năm 2019.

Cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999 mà ông Đào Quang Thực bị tòa kết án, ở điều khoản này không có nội dung nào về việc trong trường hợp khi đang thi hành án, nếu tử vong thì ông Đào Quang Thực buộc phải mai táng trong trại giam.

Trên trang facebook cá nhân của luật sư Lê Luân, người đã bào chữa cho ông Đào Quang Thực trong vụ án, tính đến ngày 12 tháng 12, hoàn toàn không có ý kiến nào về vấn đề này đối với gia đình thân chủ mình.

Một trao đổi với luật sư đề nghị không nêu tên có văn phòng tại thành phố Vinh, thì với trường hợp bệnh lý được cho là xuất huyết não và viêm phổi, nếu xảy ra tử vong trong khi đang thi hành án, ông Đào Quang Thực – về nguyên tắc, tử thi của ông Thực không thuộc nhóm bệnh gây truyền nhiễm, ảnh hưởng vệ sinh môi trường nên hoàn toàn có thể bàn giao tử thi về để gia đình ông Thực mai táng theo các nghi thức tâm linh của lễ tục truyền thống.

Câu hỏi đặt ra, “liệu nếu gia đình tổ chức lễ mai táng ông Đào Quang Thực tại nhà của ông ở xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, thì có khả năng ảnh hưởng trật tự đô thị tại địa phương?”. Theo vị luật sư có văn phòng tại thành phố Vinh, thì có lẽ chính quyền lo ngại có khả năng xảy ra lộn xộn gì đó về một tang lễ khi diễn ra tại quê nhà của người tù Đào Quang Thực.

Có lẽ trong vụ thầy giáo Đào Quang Thực, cơ quan thi hành án đã áp dụng quy định rằng nếu phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Bộ luật Hình sự thì khi phải nhận mức án tử hình, gia đình sẽ không được nhận tử thi. Điều đó có thể tìm thấy ở Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC. Vấn đề ở đây là phải có giải thích với viện dẫn pháp luật phù hợp để gia đình ông Đào Quang Thực rõ”. Vị luật sư nói.

Từ vụ gia đình người tù Đào Quang Thực không được nhận tử thi của ông về để mai táng theo luật tục, cho thấy vấn đề về tính nhân đạo trong thi hành án hình sự ở Việt Nam là điều cần được cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa. Bởi, nghĩa tử là nghĩa tận.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)