VNTB – Tố Hữu- Nhà thơ báo trước viễn cảnh dữ dội và đẫm máu

VNTB – Tố Hữu- Nhà thơ báo trước viễn cảnh dữ dội và đẫm máu

Giang Tử

(VNTB) – Trong đời sống sinh hoạt văn học thường nhật, thơ Tố Hữu là một kiểu “lẩy đểu”, một kiểu cười người và cũng tự cười mình, một thời ấu trĩ làm “độc giả trung thành” của Tố Hữu suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

***

Nguyễn Kim Thành- TỐ HỮU, anh học sinh trung học Huế, ở tù vài năm trong nhà tù của Pháp, làm được thơ Từ Ấy, ngay sau Biến cố 19 tháng Tám 1945, ra tù được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế.

Toàn bộ triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) lúc này đã thành “bụi đất”, chả là cái đinh gì nữa. Chủ tịch cố đô Huế 25 tuổi đắc chí cười ha hả và làm thơ “thần thánh” khép lại tập Từ Ấy. Bài thơ này được coi là mở ra một “trào lưu diễn ngôn ngạo nghễ” suốt từ ấy đến tận bây giờ.

Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?”

(bài “Huế Tháng Tám”, 1945)

Chế Lan Viên 15 năm sau cũng phụ hoạ ý thơ Tố Hữu:

Rồng năm móng vua quan thành bụi đất,

Mỗi câu thơ còn dội tiếng ta cười”.

(bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng !”, 1960).

“Ai cười” ? Chế rặn ra cười phụ họa nối đuôi tiếng cười Tố Hữu ngày cướp chính quyền ở kinh thành Huế như “lẩy”một “điển cố văn học” (“cổ ta ré trăm trận cười. trận khóc”).

Nghệ thuật ca ngợi cấp trên của Chế Lan Viên đạt trinh độ cao thủ trong làng văn cách mệnh. “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.

Năm 1946 Tố Hữu 26 tuổi được điều ra làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa.

Năm 1947 Tố Hữu 27 tuổi được gọi ra chiến khu Việt Bắc, ông Cụ ấn vào tay Tố Hữu quản lý tất cả văn nghệ sĩ lừng danh bậc cha chú ra vùng kháng chiến và phụ trách công việc tuyên truyền và tư tưởng (liền một mạch tới năm 1986 mới thôi, chưa kể vô số các chức vụ khác, trong đó “phó thủ tưởng kinh tế” là tệ hại nhất, là cú ngã đầu tiên – cũng là cuối cùng của ông này).

Có người hỏi, hồi kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu còn làm gì nữa không? Người bạn cho biết: Tố Hữu lái xe cho Ông Cụ đi công tác. Hỏi sao biết. Bạn nói “chính nhà thơ tự kể về công việc đó” như sau:

Báo bảo đi, là đi

 Bác bảo thắng, là thắng”.

Bài “Sáng tháng Năm”, 5. 1951).

(chú thích: tiếng miền Nam “thắng” là đạp phanh, bóp phanh).

E rằng, đó là câu chuyện tiếu lâm vui  vui chăng ?

Trân đường chính phủ kháng chiến kéo quân trở về TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ (do QUÂN ĐỘI PHÁP bàn giao, về sau hệ thống tuyên truyền đổi cách gọi cho văn vẻ là “Giải phóng thủ đô”) nhà thơ báo trước cuộc CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT sẽ diễn ra long trời lở đất:

Những bàn chân sẽ vùng dậy đạp đầu,

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp”.

(bài “Ta đi tới”, tháng 8. 1954, tập Việt Bắc)

Nhà thơ báo trước rằng: Cải Cách Ruộng Đất sẽ đạp đầu địa chủ phú nông tới tận “vạn kiếp”, gồm cả con cháu hậu duệ của hơn một trăm ngàn địa chủ khắp miền Bắc, không cho ngoi đầu lên.

Cải cách Ruộng Đất xong (một mặt đánh gục nền công thương nghiệp tư nhân ở Hà Nội và các thành phố thị xã khác ở miền Bắc) thì nhà thơ báo trước còn “đi tới”nữa. Đó là địa chỉ miền Nam:

“Ai đi Nam bộ
Tiền Giang, Hậu Giang…

Nói với Nửa Việt Nam yêu quý
Rằng: Nước ta là của chúng ta”.

“Chúng ta, con một cha, nhà một nóc

THỊT VỚI XƯƠNG TIM ÓC DÍNH LIỀN”.

Có người nói vui rằng câu thơ trên tả TAI NẠN GIAO THÔNG khủng khiếp trên đường “Ta đi tới” (xương, thịt, tim, óc dính nát liền một đống)

Người nghiêm túc cho rằng nhà thơ lớn báo trước cuộc chiến tranh ở MIỀN NAM 1954 -1975 cũng sẽ rất khốc liệt:

“Chúng ta con một cha, nhà một nóc /Thịt với xương tim óc dính liền”.

Tôi tin rằng Tố Hữu đã tiên tri cảnh báo nhiều việc lớn, quan trọng. Bởi vì ông biết trước nhiều kế hoạch của Đảng, ông được biết sớm hơn người thường. Chỉ có điều nhiều người  đọc thơ Tố Hữu lúc đương thời không để ý mà thôi.

Rất nhiều công trình nghiên cứu về thơ Tố Hữu, có loại nghiêm túc đi tìm phương pháp sáng tác của Tố Hữu. Và loại nghiên cứu phê bình “ăn theo nói leo” cũng chẳng kém cạnh chút nào.

Rất nhiều câu chuyện bàn bạc về thơ Tố Hữu, cả nghiêm túc và tiếu lâm.

Bởi vì Tố Hữu quả thực là người làm thơ tài năng “xuất sắc hàng đầu” của “cách mạng Việt Nam”. Bởi lẽ “miệng nhà quan có gang có thép”, nhà thơ được Đảng giao quản lý hàng ngàn văn nghệ sĩ trực tiếp với quyền sinh quyền sát và quyền sáng tác, còn gì hơn nữa.

Tuy nhiên thái độ phản kháng ngấm ngầm của văn nghệ sĩ – sĩ phu Bắc Hà trong một tâm thế lấy lại cân bằng trong tâm trí, bằng nghệ thuật, có thể đạt đỉnh cao trong tập thơ trào phúng hiện đại bất hủ của Xuân Sách (cựu biên tập viên Tạp chí văn nghệ quân đội)- tập thơ “Chân dung 100 nhà văn hiện đại”.

“Từ Ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việc Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây”

(một tứ tuyệt điểm mặt 4 tập thơ tiêu biểu đời thơ Tố Hữu: Từ ấy, Việt Bắc, Gió Lộng, Máu và Hoa).

Ngày nay thơ Tố Hữu vẫn tồn tại ngập ngừng trong sách giáo khoa Văn. Kỳ thay sách Văn sắp tới sẽ ra sao là cả một vấn đề của giới nghiên cứu văn học. Trong làng đại học Ngữ văn, Tố Hữu là một “đề tài khó xử” cho thầy trò giảng viên đại học, tất nhiên có độ co giãn tự do tự chủ hơn phổ thông. Còn trong đời sống sinh hoạt văn học thường nhật, thơ Tố Hữu là một kiểu “lẩy đểu”, một kiểu cười người và cũng tự cười mình, một thời ấu trĩ làm “độc giả trung thành” của Tố Hữu suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cũng là bài học cần tránh của kẻ sĩ ngày nay.

(tham khảo FB Ngoc PhungHoai: https://www.facebook.com/hoaingoc.phung.3/posts/666858340845581 )

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)