VNTB – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đại diện cho quyền lực nhà nước

VNTB – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đại diện cho quyền lực nhà nước

Nguyễn Huyền

(VNTB) – Vì bởi đại diện cho quyền lực nhà nước nên tổ chức công đoàn của Việt Nam phải chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nói một cách khác, công đoàn ở Việt Nam không phải là tổ chức trung lập về chính trị, mà bắt buộc phải đặt dưới quyền của tổ chức chính trị là Đảng cộng sản Việt Nam. Theo ý nghĩa đó, mọi chính sách được đưa ra ở cấp lãnh đạo cao nhất của Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam, chắc chắn trước tiên phải nhận được sự đồng thuận từ cấp Đảng tương ứng.

Ở đây tôi muốn nói đến con số 29 ngàn tỷ đồng được giải thích là khoản tích lũy trong suốt thời gian dài của TLĐLĐ Việt Nam.

Nguồn thu lớn vượt chi, số dư tích lũy tài chính công đoàn đã vượt 29.000 tỷ, chỉ gửi ngắn hạn hoặc không kỳ hạn, lãi suất thấp trong khi lại rất hạn chế chi chăm lo trực tiếp cho người lao động… Đây là những con số, vấn đề được chỉ ra tại báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của TLĐLĐ Việt Nam, vừa được cơ quan Kiểm toán nhà nước công bố.

Báo cáo kiểm toán cho biết là tỷ lệ tổng chi/ tổng kinh phí để lại tại cấp công đoàn cơ sở là 99,1% (chưa vượt 100% do phải tuân thủ tỷ lệ chi dự toán đề ra), công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%, cấp Liên đoàn Lao động tỉnh/ thành phố, công đoàn ngành là 45,4% và tại TLĐLĐ Việt Nam là 8,3%.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, tài khoản thu tài chính công đoàn tại cấp tổng dự toán TLĐLĐ Việt Nam có phát sinh khoản thu 11,3 tỷ đồng, tiếp nhận của các cá nhân hỗ trợ.

Theo hồ sơ của TLĐLĐ Việt Nam cung cấp, đây là khoản vận động xã hội hóa theo Chương trình Tết sum vầy năm 2019 (theo Công văn số 49/TLĐ của Đoàn Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam). Tuy nhiên về mặt quy định hành chính, thì công văn này có nhiều dấu hiệu vi phạm, vì đã không ghi rõ số tài khoản để nhận tiền ủng hộ, và cũng không có quyết định thành lập Ban tiếp nhận ủng hộ.

Toàn bộ việc tiếp nhận ủng hộ do Ban Tài chính thực hiện, không có phiếu thu, mà chỉ có bảng kê danh sách đóng góp hỗ trợ bằng tiền mặt của 5 đơn vị do phó trưởng ban Tài chính lập. Số tiền thu được đã nộp vào tài khoản cấp tổng dự toán của TLĐLĐ Việt Nam. Việc sử dụng số kinh phí đó, theo thông báo kết luận giao ban của Đoàn Chủ tịch Tổng TLĐLĐ Việt Nam gồm: chi quà tặng cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và chi khen thưởng cho cá nhân, tập thể có đóng góp cho Chương trình Tết sum vầy.

Thế nhưng về phía Kiểm toán nhà nước thì với những tài liệu được cung cấp, không đủ căn cứ hồ sơ để xác nhận tính chính xác và hợp pháp của khoản thu vận động xã hội hóa này.

Giải trình liên quan ngờ vực về dấu hiệu tham nhũng trong số bạc chục ngàn tỷ ấy, ông Phan Văn Anh – phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, nguyên là Trưởng ban tài chính của TLĐLĐ Việt Nam, nói rằng trong tổng số 29 ngàn tỷ đó, hiện quỹ còn trên 20.000 tỷ đồng. Số tiền này được công đoàn tiếp tục chi hỗ trợ Covid-19, chi thường xuyên vài nghìn tỉ đồng, chi xây dựng các thiết chế công đoàn như nhà ở cho người lao động, khu vui chơi, nhà trẻ… khoảng 3.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên ông Phan Văn Anh lại cố tình bỏ qua khi giải trình khoản tiền ngân sách hỗ trợ, công đoàn cơ sở đóng góp và tiền vay xây thiết chế đã để đi đâu trong sổ sách kế toán? Sao giờ lại trích quỹ để làm các điều như ông vừa giải trình? Chưa kể, việc này Kiểm toán nhà nước đã kết luận là vướng quy định, hay nói đúng hơn là sai luật thì sao ông phó chủ tịch có thể triển khai hợp pháp được? Như vậy là tiền cứ để trong quỹ hoài thế à?

Cụ thể, theo quy định tại Điều 54, điều 55 của Luật Đất đai 2013, TLĐLĐ Việt Nam (là tổ chức chính trị xã hội) không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc kết hợp cho thuê, do vậy các địa phương gặp vướng mắc về tính pháp lý khi ban hành quyết định giao đất cho Tổng liên đoàn.

Cùng đó, việc bán nhà với giá ưu đãi cho đoàn viên, công nhân lao động từ nguồn vốn được đầu tư từ ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với Luật nhà ở 2014. Khi xây dựng đề án TLĐLĐ Việt Nam chưa làm rõ cơ chế chính sách trong huy động vốn thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế dẫn đến nguồn vốn được huy động chủ yếu từ tài chính công đoàn.

Mặt khác theo đề án sẽ sử dụng 3.570 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn để đầu tư và bán hoặc cho thuê đối với người lao động là không phù hợp với Điều lệ công đoàn Việt Nam. Ngoài ra, theo cách thức huy động 87% từ nguồn tiết kiệm chi của các cấp công đoàn là chưa phù hợp.

Còn trong chuyện giải trình là dùng một phần trong số tiền bạc chục ngàn tỷ đó để hỗ trợ Covid, thì cần giải thích sao đây khi công nhân vẫn phải đi ra mấy cái ATM gạo, vẫn phải đi xếp hàng nhận từ thiện hệt như người lao động mưu sinh nơi đầu đường xó chợ?. Tiền thu về được TLĐLĐ Việt Nam mang gửi ngân hàng lên cả chục ngàn tỷ để lấy lãi, còn người lao động và chủ doanh nghiệp phải nai lưng đóng đủ con số 2% lương cho TLĐLĐ mỗi ngày lại đói, và mất việc thế sao?.

Trách nhiệm mang tính ngọn nguồn ở đây không phải của những người đứng đầu TLĐLĐ Việt Nam, mà là từ Bộ Chính trị – nơi luôn độc quyền ‘phân công/ bổ nhiệm’ người ngồi vào ghế quyền lực tối cao của tổ chức công đoàn Việt Nam.

Con dại thì cái mang. Đó là sự sòng phẳng.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)