VNTB – Tranh chấp đất cơ sở tôn giáo ở Quảng Ngãi

Hàn Giang (VNTB) “Năm 2010 chính quyền tiếp tục cưỡng chế đất cơ sở của chúng tôi thêm một lần nữa, trước đó là vào năm 1995 họ đã cưỡng chế lấy cơ sở trường học, còn tôi là Nguyễn Ý đi tù thời hạn 18 tháng về tội gây rối trật tự”- lời của Mục sư Nguyễn Ý.

Hình ảnh cưỡng chế đất tại Giáo hội Hội truyền giáo Cơ đốc Quảng Ngãi (ảnh; người nhà cung cấp)
Đối diện với hai lần cưỡng chế, bị mất rất nhiều diện tích đất so với diện tích ban đầu và một lần phải nhận bản án 18 tháng tù giam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng do đấu tranh giữ đất cơ sở tôn giáo, đây là tình cảnh của Mục sư Nguyễn Ý nói riêng và của Giáo hội Hội truyền giáo Cơ đốc Quảng Ngãi nói chung…

18 tháng tù giam cho một Mục sư giữ đất và đòi đất…


Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB), Mục sư Nguyễn Ý ở Giáo hội Hội truyền giáo Cơ đốc Quảng Ngãi cho biết; Nguồn gốc đất của Giáo hội tại Quảng Ngãi có từ tháng 8/1974, Mục sư Nguyễn Luận, tức là cha của Mục sư Nguyễn Ý được Ty Điền địa tỉnh Quảng Ngãi cấp cho 4700m2 đất để xây dựng cơ sở tôn giáo. Ngày 30/8/1974, Tổng hội Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam biểu quyết cấp riêng cho Mục sư Nguyễn Luận các thửa đất số 37, 38, 39 với tổng diện tích 2160m2 trong tổng diện tích 4700m2 đất. Đối với diện tích còn lại, năm 1974 Mục sư Nguyễn Luận có xây dựng Nhà thờ với diện tích khoảng 140m2 và xây dựng Cô nhi viện khoảng 100m2. Khoảng năm 1975 đến năm 1978, gia đình mục sư Nguyễn Luận chỉ còn sử dụng 782m2 trong tổng số diện tích 2160m2, diện tích còn lại được Mục sư Nguyễn Ý cho biết là hiện đang bị các hộ dân lấn chiếm gồm các hộ; hộ bà Lương Thị Hòa, hộ ông Phạm Văn Sắc và hộ ông Võ Cường. Số diện tích 782m2 đất, gia đình Mục sư Nguyễn Luận sử dụng ổn định không có tranh chấp cho đến ngày nay. Mục sư Nguyễn Ý gỉai thích việc đất bị chiếm dụng trong một thời gian dài mà không lên tiếng được VNTB hiểu đại khái là do hoàn cảnh đất nước Việt Nam sau năm 1975, miền Nam không còn thuộc thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà có chung một thể chế Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay) từ Bắc xuống Nam nên đã có nhiều chính sách và đường lối thực hiện sự quản lý Nhà nước thay đổi khác trước, có ảnh hưởng đến chính sách quản lý đất đai tôn giáo ở Việt Nam nói chung và đất đai của Giáo hội Hội truyền giáo Cơ đốc Quảng Ngãi nói riêng. Mục sư Nguyễn Ý nói: 

“Cơ sở giáo Hội tại Đà Nẵng mất hết, đây là nghiệp chủ của cha tôi từ năm 1974. Sau giải phóng, tức là sau năm 1975 chúng tôi bị đẩy về quê, không cho chúng tôi ở và với thời điểm này chúng tôi phải im lặng để lo cho công việc Chúa và những trọng trách khác. Khi có chính sách thì chúng tôi căn cứ theo luật pháp để làm.”

Năm 1993, Chính phủ Việt Nam ra Chỉ thị số 379-TTg ban hành ngày 23/7/1993 về các hoạt động Tôn giáo nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 69- HĐBT ban hành ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trong đó Điều 1 của Chỉ thị 379- TTg có quy định “Những nơi thờ tự của các tôn giáo mà trước đây cơ quan Nhà nước đã mượn sử dụng vào việc khác, nay cần xem xét nếu sử dụng không đúng thì trả lại cho giáo hội hoặc người chủ trì nơi thờ tự ấy.”. Căn cứ vào Chỉ thị 379-TTg nên năm 1993, gia đình Mục sư Nguyễn Luận có làm thủ tục đăng ký kê khai sử dụng đất tôn giáo của Giáo hội Hội truyền giáo Cơ đốc Quảng Ngãi với tổng diện tích 4700m2 nhưng chưa được xác nhận của chính quyền địa phương. Mục sư Nguyễn Ý chia sẻ tiếp;

“Trong khi đó chúng tôi đóng thuế từ năm 1993 đến năm 1999 và đồng thời gian này chúng tôi khiếu nại mãi cho đến năm 1999 thì chúng tôi yêu cầu giải quyết rồi mới tiếp tục đóng thuế”

Cũng cần phải nói thêm, diện tích 4700m2 đất mà Giáo hội Hội truyền giáo Cơ đốc Quảng Ngãi kê khai là đúng với số diện tích đất ban đầu mà Ty Điền địa tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1974 đã cấp cho Giáo hội bao gồm phần diện tích đất của gia đình Mục sư Nguyễn Luận và sau đó một phần lớn diện tích đất xảy ra tranh chấp với các hộ gia đình Phạm Văn Sắc, Lương Thị Hóa, Võ Cường. Một điểm đáng nói khác là chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã cấp Quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình có đất tranh chấp với Giáo hội như đã nêu trên, Mục sư Nguyễn Luận có làm đơn khiếu nại về vấn đề này.

Giấy sao lục họa đồ mà Ty Điền địa tỉnh Quảng Ngãi cấp đất cho Mục sư Nguyễn Luận xây dựng cơ sở tôn giáo (ảnh; người nhà cung cấp)
Tuy nhiên, ngày 7/2/1999 UB thị xã Quảng Ngãi nay là thành phố Quảng Ngãi ra Quyết định số 437/QĐ-UB có nội dung là không chấp nhận khiếu nại đòi lại Quyền sử dụng đất của các hộ Phạm Văn Sắc, Lương Thị Hóa, Võ Cường.

Gia đình Mục sư Nguyễn Luận không đồng tình với Quyết định số 437/QĐ-UB nên tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh. Ngày 12/9/2000 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4255/QĐ-UB cũng với nội dung như ở Quyết định số 437/QĐ-UB.

Hộ gia đình Mục sư Nguyễn Luận làm đơn Khiếu nại Quyết định 4255/QĐ-UB ngày 12/9/2000 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc giải quyết khiếu nại về đất đai, yêu cầu Nhà nước giải quyết trả lại quyền sử dụng đất của số hộ dân đang sử dụng đất trước đây được chính quyền địa phương thuộc chế độ cũ (chế độ Việt Nam Cộng Hòa) cấp cho cơ sở tôn giáo.

” Năm 2010 chính quyền tiếp tục cưỡng chế đất cơ sở của chúng tôi thêm một lần nữa, trước đó là vào năm 1995 họ đã cưỡng chế lấy cơ sở trường học, còn tôi là Nguyễn Ý đi tù thời hạn 18 tháng về tội gây rối trật tự”- Lời của Mục sư Nguyễn Ý.

Theo Mục sư Nguyễn Ý, năm 2010 cũng là lần cưỡng chế gần đây nhất. Theo Mục sư Nguyễn Ý thì ngày 5/11/2010, Mục sư Nguyễn Luận có cuộc gặp mặt với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường là các ông Hoàng Thanh Hải, Thanh tra viên Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn, ông Bùi Thọ Văn, chuyên viên, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường làm thành viên thẩm tra xác minh nội dung khiếu nại của Mục sư Nguyễn Luận theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5736/VPCP-KNTN ngày 16/8/2010 cuả Văn phòng Chính phủ. Cũng theo Mục sư Nguyễn Ý, sau cuộc gặp mặt với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khoảng mấy ngày thì đất của Gíao hội Hội truyền giáo cơ đốc Quảng Ngãi bị cưỡng chế lần 2.

Hộ gia đình Mục sư Nguyễn Luận không đồng ý việc UBND thị xã Quảng Ngãi căn cứ Khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 có nội dung “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phúc cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để giải quyết vì diện tích đất gia đình Mục sư Nguyễn Luận được giao sử dụng, gia đình Mục sư Nguyễn Luận không dâng hiến cho Nhà nước.

Giấy chứng nhận cấp 47000m2 đất cho Mục sư Nguyễn Luận(ảnh; người nhà cung cấp)
Riêng về việc lý do cưỡng chế, chiếm dụng đất theo Mục sư Nguyễn Ý thì phía chính quyền đã nói; Họ nói là họ đánh Mỹ thắng nên họ lấy chứ họ không nói gì. Còn những hộ dân mà gia đinh Mục sư Nguyễn Luận đang khiếu nại do việc chiếm dụng đất thì…

“Những hộ dân naỳ chiếm đất rồi thì chính quyền cấp giấy sổ đỏ, bán buôn, cưỡng chế để bảo vệ cho những người chiếm” – Lời Mục sư Nguyễn Ý.

Từ những tài liệu mà Mục sư Nguyễn Ý cung cấp, VNTB còn được biết hiện đang trong lúc chờ đợi sự giải quyết của Trung ương nhưng chưa nhận được sự giải quyết nào thì hộ ông Võ Cường đã bán đất tôn giáo cho ông Nghiệp đặc công hưu trí ở tại phường Nguyễn Nghiêm. Việc làm trái pháp luật này gia đình Mục sư Nguyễn Luận đã có đơn gửi đến các cơ quan tỉnh Quảng Ngãi nhưng vẫn không được giải quyết. Đến ngày 24/12/2016, ông Nghiệp tiếp tục lại bán đất cho chủ hộ mới đến xây dựng trên khu đất tôn giáo đang tranh chấp nhưng gia đình Mục sư Nguyễn Luận đã ra ngăn chặn.

Mục sư Nguyễn Ý mong muốn mọi việc xử lý theo đúng tinh thần của pháp luật./.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)