VNTB – Triết lý nhà đấu tranh nhân quyền: “Chúng ta là người Việt Nam”

Anh Văn (VNTB) Tôi tôn trọng bà Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn (tiểu bang California), bởi bà đã vượt lên trên định kiến và sự thù hận để nói rằng: Tôi không hận Cộng sản.

Hiện nay, không chỉ đối với những người đấu tranh nhân quyền, mà có cả một bộ phận người dân mất đất hoặc bị sách nhiễu có xu hướng ghét, thậm chí hận người Cộng sản. Nhưng đối đầu trực tiếp nhất, va chạm mạnh nhất, và làm xáo trộn cảm xúc – tâm lý nhiều nhất với người Cộng sản lại là những nhà đấu tranh nhân quyền.
Những chia sẻ ủng hộ hành xử bạo lực của nhóm người yêu đảng, yêu chế độ.
Người vào tù, kẻ tàn tật; người bị mất nghề nghiệp, kẻ mất mát vợ – chồng; người phải tha hương tứ xứ, kẻ phải điên loạn trong đời thường,… Nếu có một cuốn sách để ghi chép về cuộc đời của những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, tôi tin rằng, đó là những chương sách đầy máu và nước máu. Về những con người hiến mình cho lý tưởng quyền dân tại Việt Nam, là những người ngày ngày đối diện với án pháp lý cho đến những đòn thù bằng bạo lực và sự nhục mạ nhân phẩm, danh dự hàng ngày, hàng giờ. Nếu đặt trong một hoàn cảnh truyện phản ánh hiện thực xã hội, thì họ không khác gì Lão Hạc, chị Dậu, anh Chí Phèo ngày xưa cả,… đều là thành phần bị tước đoạt và bóc lột về quyền cơ bản con người, chỉ khác, họ sớm nhận ra thực tế và dấn thân vào cái con đường – nơi không hề có một chút hoa hồng nào cả.

Ngày 30/04/2017, khi nhà hoạt động Trương Văn Dũng (Hà Nội) đang tổ chức biểu tình tại bến xe Mỹ Đình, đã có một thanh niên “vai u, thịt bắp” xông đến và hành xử một cách đầy bạo lực, điều này được cổ vũ bởi những thanh thiếu – trung niên yêu đảng – yêu chế độ.

Cũng cách đây không lâu, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cũng từng bị gây chấn thương nặng ở chân và khiến chị tập tễnh cả một thời gian dài.

Hầu như ai đi vào con đường đấu tranh dân chủ – nhân quyền cho Việt Nam đều nhìn thấy mình ở trong hoàn cảnh của người khác và ngược lại, bởi đơn giản, họ là đồng chí trong lý tưởng của mình.

Nhưng rõ ràng, sự bao dung – cái thiếu thốn nhất của dân tộc Việt Nam, cái thứ hiếm hoi ở những người Cộng sản hiện đại, lại là thứ mà những nhà nhân quyền đang sở hữu. Lòng bao dung cho phép họ dùng lý lẽ để đối thoại với bạo lực, và dùng tấm thân yếu ớt để đối diện với dùi cui, tấm khiên, gạch đá, nắm đấm của cơ quan công quyền nhà nước hoặc những công dân nhân danh nhà nước CHXHCNVN.

Những người Cộng sản hiện đại đang gây nợ máu với từng người nằm trong phong trào dân chủ – nhân quyền, và vì nợ máu, nên dẫn đến một quan điểm “trả nợ”?

Nhưng có lẽ, đó là một lý thuyết ảo trong một cuộc phiếm đàm không đầu, không đuôi, mà nhiều nhà hoạt động chỉ dám nghĩ thoáng qua, chứ chưa nói đến khả năng thực tế hóa. Bởi đó là một “hình dung ghê rợn” [1], như nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho hay. Cái hành xử mất tính người đó, tưởng tượng dù ở một tương lai xa cũng gây ra cho bản thân họ một cảm giác ớn lạnh, chết chóc, và buồn nôn. Không ai dám nghĩ một ngày sẽ ứng xử thú vật với những người Cộng sản – như cách họ từng ứng xử với mình, dù chỉ bằng 1/10. Bởi đó, là một trò chơi không hề tốt đẹp, nếu không muốn nói thẳng ra là phi nhân.

Bà Janet Nguyễn – Thượng nghị sĩ bang California.
Nhưng vì sao tôi hiểu họ phải làm thế? Vì sao Cộng sản dồn họ đến chân tưởng, dùng nắm đấm, nhà tù và những câu tục tĩu nhất để đối xử với họ cũng không thể khiến cho họ bị ám thị và làm theo? 

Trong trả lời phỏng vấn đài VOA gần đây, bà Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn (tiểu bang California) [2] đã cho rằng, bà không thích người Cộng sản, nhưng điều đó không có nghĩa là hận Cộng sản. Khi bà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, bà chỉ muốn người Cộng sản lo cho người dân với hơn80 triệu người. Và dù sao, theo bà, “người Việt Nam là người Việt Nam”. 

Đó là triết lý sống bao dung và nhân đạo, và sau khi xem xong video phỏng vấn, tôi tôn trọng bà Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn (tiểu bang California), bởi bà đã vượt lên trên định kiến và sự thù hận. Tôi tin rằng, đây sẽ là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi vì sao ở trên. Bởi, một nhà đấu tranh nhân quyền bị tước đoạt và thiệt thòi nhiều thứ, thì thứ họ vẫn còn giữ trong mình là lương tâm của một con người và một hành xử rất người, ít nhất đó là thứ phải làm vì dù thù hay nghịch cũng chỉ là người Việt Nam. Đó chính là thứ mang lại sự khác biệt lớn nhất giữa họ với nhà cầm quyền hiện nay và là thứ nuôi dưỡng trong họ sự dẻo dai, bền bĩ trong một hành trình đầy gian khó, chưa thể hình dung ra điểm đích. Triết lý đó không gắn hết 100% cá thể người đấu tranh, nhưng nó sẽ luôn thuộc về số đông.

Cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam do vậy, là một hành trình dài hơi, mà nơi đó sẽ thể hiện rõ nét chí ngôn của nhà thơ Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Tham khảo:


[2] https://www.youtube.com/watch?v=60ABp4hyRYI
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)