VNTB – “Truyền thông nguy cơ” trong phòng chống dịch

VNTB – “Truyền thông nguy cơ” trong phòng chống dịch

Lynn Huỳnh biên tập 

 

(VNTB) –Bảy nguyên tắc truyền thông về nguy cơ dịch bệnh mà ông Nguyễn Đình Anh nêu ra, cho thấy còn đúng với cả việc khủng hoảng niềm tin chính trị của người dân.

 

Xin trích giới thiệu bài viết chia sẻ của Nguyễn Đình Anh khi Việt Nam vừa kết thúc ba tuần lễ cách ly toàn xã hội. 

 

Năm 2017, tôi được tham gia Chương trình “Phát triển lãnh đạo chiến lược” tại Đại học Indiana và Đại học Harvard. Nhóm chúng tôi 10 người đến từ các bộ, ngành, địa phương khác nhau, mỗi người theo đuổi lĩnh vực, chuyên ngành của mình, sau đó chia sẻ lẫn nhau và chia sẻ với các giáo sư.

 

Trong khoá học, mỗi người phải chọn 2 đề tài để viết chuyên đề; tôi công tác tại ngành y tế nên tôi chọn hai lĩnh vực để viết, đó là truyền thông nguy cơ và già hoá dân số.

Đại dịch Covid-19 lần này xảy ra, nhìn lại thấy khá hữu ích, chắc chắn tới đây sẽ hoàn thiện tiếp vì có cái nhìn tổng thể hơn, thực tế hơn. Sau đây, tôi xin chia một số điểm để những ai quan tâm thấy truyền thông nguy cơ nó đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với y tế công cộng.

 

Dịch bệnh nói chung, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi như cúm gia cầm, Ebola, MER-Cov, Zika… trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không chỉ đến từng quốc gia, lãnh thổ mà còn còn ảnh hưởng đến toàn cầu trên tất cả mọi mặt về kinh tế, chính trị và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao thương, đi lại thuận tiện giữa các vùng lãnh thổ và các quốc gia cũng là yếu tố nguy cơ làm lây truyền các dịch bệnh. Nhiều dịch bệnh đang diễn biến khó lường, gia tăng số ca mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu.

 

Tại Việt Nam do đặc điểm của khí hậu vùng nhiệt đới, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát và lây lan ra cộng đồng. Chúng ta cơ bản khống chế được các bệnh dịch, không để dịch lớn xảy ra, không để các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi xâm nhập. Tuy nhiên, công tác phòng chống các dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức khi đất nước hội nhập sâu rộng với quốc tế.

 

Tại sao lại lập kế hoạch chiến lược truyền thông nguy cơ?

 

Truyền thông nguy cơ được xem như là một nội dung thiết yếu của kế hoạch ứng phó với thiên tai, bão lụt, động đất, lở đất, sóng thần, dịch bệnh bùng phát như dịch SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), sốt xuất huyết, tả, tay chân miệng và một số bệnh mới lưu hành như Ebola, MERS-CoV, Zika…

 

Xây dựng kế hoạch chiến lược truyền thông nguy cơ nhằm giúp Việt Nam sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh khẩn cấp xảy ra. Khi xảy ra các vấn đề dịch bệnh khẩn cấp, nếu chậm trễ, không biết cách đưa thông tin, không biết cách truyền thông cho cộng đồng thì hậu quả sẽ khó lường, do vậy truyền thông nguy cơ cần phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ và chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là việc thông tin sớm, minh bạch, biết lắng nghe dư luận, cộng đồng để thu thập thông tin, giúp người dân hành động theo các khuyến cáo một cách có trách nhiệm, không hoang mang, bị động trong các tình trạng dịch bệnh khẩn cấp xảy ra.

Có bốn lý do: Thứ nhất, điểm mạnh của truyền thông nguy cơ là nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong việc ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập hay bùng phát tại Việt Nam. Qua đó giúp củng cố mạng lưới làm công tác hệ thống y tế dự phòng từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt là mạng lưới truyền thông phát triển như hợp tác tốt với các cơ quan báo chí, số lượng người dân sử dụng internet, TV và điện thoại cao nên dễ dàng tiếp cận, tiếp nhận thông tin về bệnh dịch và các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Ngoài ra có sự hợp tác tích cực của các tổ chức quốc tế như Tổ chức y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, các tổ chức song và đa phương khác.

 

Thứ hai, hạn chế/ điểm yếu trong truyền thông nguy cơ. Một số nơi như vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo đôi khi người dân chưa tiếp cận được thông tin (do trở ngại về địa lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ…). Một số lãnh đạo địa phương chưa quan tâm, hoặc thiếu tính chuyên nghiệp trong việc xử lý thông tin hoặc nắm chưa chắc thực trạng (hiểm họa, nhóm tổn thương và nguy cơ) do đó cấp thông tin chưa xác đáng gây hoang mang trong cộng đồng.

 

Ở đây cần lưu ý rằng những sự kiện về dịch bệnh khẩn cấp thường xảy ra cực kỳ nhanh, gây áp lực thời gian cho lãnh đạo và các nhà chuyên môn. Do vậy thông tin về ảnh hưởng và hậu quả của dịch bệnh lên sức khỏe được thu thập từ nhiều nguồn, có thể nhầm lẫn gây hoảng loạn/ hoang mang. Ngoài ra khó khăn trong việc phát hiện ca bệnh đầu tiên, có thể do người dân thiếu thông tin, hoặc thiếu hiểu biết về bệnh dịch, hoặc hệ thống y tế chưa đủ năng lực để phát hiện, chẩn đoán ca bệnh đầu tiên.

 

Một số phong tục, tập quán của người dân ở một số địa phương cản trở đến công tác phòng chống dịch bệnh như việc lưu trữ nước tại nhà (điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển…), ngủ không mắc màn…

 

Thứ ba, là mở ra cơ hội cho công tác truyền thông nguy cơ. Đây là dịp để kêu gọi cam kết ủng hộ, tham gia của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung và cho công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp nói riêng. Qua đó nâng cao khả năng và năng lực của hệ thống y tế trong việc ứng phó với các loại dịch bệnh, sẵn sàng ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống.

 

Thứ tư, thách thức đối với truyền thông nguy cơ. Việc đi lại dễ dàng giữa các quốc gia, lãnh thổ và các địa phương là yếu tố tiềm ẩn, luôn là thách thức cho mọi quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh. Khi có dịch bệnh xảy ra, thường chịu áp lực lớn từ phía chính phủ, của các cơ quan liên quan, đặc biết là sự chú ý của giới báo chí và của người dân tăng mạnh. Thông tin bởi nguồn không chính thức có thể sẽ bị bóp méo và sai lệch trong công tác chỉ đạo, điều hành; và những tình huống khẩn cấp, các dịch bệnh xảy ra thường không dự tính trước.

 

Nguyên tắc truyền thông trong kế hoạch chiến lược truyền thông nguy cơ

 

Một, kịp thời: Sớm công bố những thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra. Kích hoạt hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra…

 

Hai, tin cậy: Để bảo đảm độ tin cậy, nguồn thông tin phục vụ cho công tác tuyền thông nguy cơ phải thu thập từ nguồn tin tưởng của cộng đồng. Mức độ tin cậy của người dân phụ thuộc vào kết quả và năng lực chăm sóc của nhân viên y tế.

 

Ba, minh bạch: Các nguồn thông tin đó có thể tiếp cận được hoặc nhìn thấy được, theo trình tự lô gic và khoa học.

 

Bốn, đồng cảm, chia sẻ. Truyền thông nguy cơ cần phải chuyển tải những thông tin về sự quan tâm của chính phủ với người dân và cộng đồng, đặc biệt về những sự đau đớn, mất mát của người dân do các sự cố dịch bệnh xảy ra.

 

Năm, sự thật: Những vấn đề chưa chắc chắn về thực tế dịch tễ của bệnh, mở rộng vấn đề, khả năng kiểm soát dịch bệnh, các nguồn lực cần thiết và những khó khăn cần được truyền thông theo một cách trung thực, không được truyền thông theo kiểu suy đoán, tưởng tượng. Tình hình thực tế và mức độ điều tra giám sát cũng cần được truyền thông theo những kênh truyền thông phù hợp.

 

Sáu, loại bỏ tin đồn: Tin đồn thường xuất hiện và tăng lên khi thiếu hoặc chậm công bố thông tin từ nhưng nguồn tin đán tin cậy và phù hợp. Chính vì vậy, truyền thông nguy cơ giúp hạn chế tin đồn, tránh sự hoang mang của người dân liên quan đến dịch bệnh.

 

Bảy, giám sát các phương tiện truyền thông đại: Đây là một phần quan trọng khi chúng ta cần theo dõi những phản phản hồi thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp cho chúng ta hiểu được hành vi, nhu cầu và những rào cản của cộng đồng, giúp cho công tác truyền thông được hiệu quả hơn. Do đó, cần phải tạo được số điện thoại đường dây nóng và các kênh tiếp nhận thông tin phản hồi như các trang mạng xã hội.

* Ông Nguyễn Đình Anh là Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng của Bộ Y tế, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý về hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ; cung cấp thông tin y tế; quản lý báo chí, xuất bản và công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)