VNTB – Ừ, thì cứt trâu rồi cũng hóa bùn…

VNTB – Ừ, thì cứt trâu rồi cũng hóa bùn…

Lynn Huỳnh

(VNTB) – “Nếu giao sa mạc cho người cộng sản quản lý, sớm muộn gì sa mạc ấy cũng phải nhập thêm cát”.

“Tôi nghĩ chỉ 1,2 tuần nữa thôi những bức xúc, đau đớn, giận dữ đòi những ai làm mất rừng, lở đất phải chịu trách nhiệm hay thủy điện có lỗi lầm gì  sẽ không chìm vào quên lãng như mọi năm!”

Nhà báo Hà Phan nói rằng, “Ngay như thủy điện Rào Trăng 3, nơi vẫn còn 12 công nhân chưa tìm thấy xác cho đến nay vẫn chẳng thấy bóng dáng chủ đầu tư hay người phê duyệt đâu.

Cũng chưa thấy một lời xin lỗi, thăm hỏi, hỗ trợ hay chung tay cùng lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích thì đừng đòi hỏi cái gì lớn lao hơn thế! Tôi nghĩ rồi “để lâu cứt trâu cũng hóa bùn” như thường lệ mà thôi. Tôi cứ nhìn núi Chín Khúc ở Nha Trang quê mình bị người ta cạo trọc nham nhở mà đến nay đã có ai bị gì đâu?”.

Ừ, thì cứt trâu rồi cũng hóa bùn vì ở Việt Nam với thể chế chính trị thiếu động lực cạnh tranh, thì sợi dây dài nhất là sợi dây có tên kinh nghiệm, khi năm nào cứ qua cơn bão với thủy điện xả gây lụt lội, người ta lại nghe điệp khúc quen thuộc của ‘rút kinh nghiệm’.

Thử kiểm lại đi, hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, người dân, nhất là ở khu vực miền Trung, ngoài nỗi lo về thiên tai còn canh cánh trong lòng nỗi lo sợ về “nhân tai” do các hồ thủy điện xả lũ. Lời nguyền tài nguyên có câu “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, ngẫm suy thật chuẩn xác, vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên.

Trong các báo cáo ‘rút kinh nghiệm’, tiếp tục viết theo những mẫu câu nằm lòng: “Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành, sự tiếp tay của những phần tử thoái hóa trong chính quyền thì việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan, tàn phá rừng đầu nguồn, kể cả vườn quốc gia, cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi…, phá hủy các cơ sở hạ tầng, làm nhiều người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đặc biệt là cướp đi biết bao sinh mạng của người dân vô tội!”.

Ai là những phần tử thoái hóa trong chính quyền, khi chính quyền ấy luôn chỉ bao gồm những đảng viên? Có bao nhiêu bản án hình sự xử đến nơi đến chốn, và truy tận gốc rễ nguyên do đưa đến sự thoái hóa ấy?

Nên nhớ, với thời đại thông tin của mạng xã hội, thì ai cũng rõ là công luận đã dồn dập cảnh báo từ cuối năm 2018 khi lũ cuốn, sạt lở dìm chết cả chục người, mà nay vẫn thấy thay đổi gì đâu!

“Chỉ thời gian nữa thôi, những dự án khoác áo tâm linh, resort phá rừng, lấn biển sẽ lại tiếp tục và hỉ hả tính vào tăng trưởng, việc làm cho địa phương. Khi bàn thờ hàng trăm nạn nhân vừa qua chưa kịp tan khói nhang, ai dám chắc sẽ có những chỉ thị này, nghị quyết kia, chỉ đạo nọ đủ sức ngăn nạn phá rừng, dời non, lấp biển thực sự hay chỉ có trên… TV?

Cứ chạy theo dư luận, bức xúc theo sự cố, đau lòng theo đám đông và chỉ đạo theo cảm tính thì năm sau, năm sau nữa người ta sẽ lại đổ cho biến đổi khí hậu và lại đoàn đoàn lớp lớp đi cứu trợ, cứu nạn và tiếp tục phẫn nộ triền miên. Còn nguyên nhân và thủ phạm thì cứ trơ lì, nhởn nhơ ra đấy. Những hình ảnh tang thương như dưới vẫn còn dài…” – nhà báo Hà Phan chua chát nhận xét.

Rất có thể mai đây, sẽ có lãnh đạo đăng đàn để ‘rút kinh nghiệm’ bằng biện minh kiểu ‘hỏi đố’ vầy: “Có nơi nào trên thế giới cũng chịu thiên tai khắc nghiệt như miền Trung mà họ vẫn sống bình thường không?”.

Xin thưa với những thắc mắc tương tự đó, là có rất nhiều, hơn 200 quốc gia có biển, mà điển hình là Philippines.

Philippines là một đảo quốc nằm chơi vơi giữa biển cho nên hứng trọn tất cả các cơn bão biển lớn nhất, mạnh nhất từ tất cả các hướng. Trong cơn bão số 9 Molave vừa đi qua đảo quốc này để vào miền Trung của Việt Nam, báo cáo của Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro quốc gia Philippines (NDRRMC) ngày 28-10 cho hay, chỉ có hai người mất tích.

Dĩ nhiên so sánh ở trên là quá khập khiễng, vì ở miền Trung của Việt Nam đang có hàng trăm đập thủy điện, hàng triệu hecta rừng bị phá, hàng trăm con đường xuyên ngang chẻ dọc đã phá vỡ tan nát hệ sinh thái tự nhiên vốn đã ổn định hàng ngàn đời nay…

Trong dân gian lâu nay đang ‘lưu truyền’ một bi quan thế này: “Nếu bạn giao sa mạc cho người cộng sản quản lý, sớm muộn gì sa mạc ấy cũng phải nhập thêm cát”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)