VNTB – Vì nghèo nên chấp nhận làm khủng bố để kiếm miếng ăn?

VNTB – Vì nghèo nên chấp nhận làm khủng bố để kiếm miếng ăn?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Trong các vụ án có dáng dấp của hành vi khủng bố được cho là có liên quan đến tổ chức “Đào Minh Quân” và “Triều Đại Việt” tại nước ngoài, thực tế cho thấy yếu tố chính trị từ phía ‘gây án’ là bằng không. Chủ yếu họ vì nghèo khó, nên khi thấy có nguồn tiền ‘thuê’ là họ làm.

Tòa án nhân dân TP.HCM đã kết thúc phiên xét xử sơ thẩm đối với 20 bị cáo trong đường dây khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tài trợ khủng bố, mua bán chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ.

Theo cơ quan điều tra, đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức “Triều Đại Việt” thành lập với mục đích lôi kéo, tập hợp người Việt ở trong và ngoài nước tham gia sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Ngày 20-6-2018, các bị cáo đã gây ra vụ nổ lớn tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM. Vụ nổ khiến 3 người bị thương, trụ sở công an phường bị hư hỏng nặng, nhiều tài sản là xe máy bị hư hại.

Sau khi bắt được một nghi can tên Nguyễn Khanh (sinh năm 1964), cơ quan điều tra đã thu giữ được tại nhà ông Khanh nhiều vật liệu chế tạo trái nổ, đạn AR-15, thuốc súng, dao tự chế, tài khoản ngân hàng, sim điện thoại, hộ chiếu, ống nhòm, máy ảnh… Đặc biệt có khoảng 10kg thuốc nổ TNT, trong đó một số trái nổ đã chế tạo thành công, chỉ cần bấm nút kích hoạt là nổ tung…

Bị cáo đầu vụ Nguyễn Khanh, có nguyên nhân gây án là tích tụ thời gian dài bất mãn về chính sách đất đai trong vấn đề quy hoạch đã khiến gia đình ông bị thiệt hại.

Theo hồ sơ vụ án, ông Ngô Hoàng Văn Hùng – một người Việt sống tại Canada, tự xưng mình là “tổng tư lệnh” của tổ chức Triều Đại Việt. Ông Hùng đã chuyển về nước hơn 300 triệu đồng; 1.600 đôla Canada và 100 USD Mỹ để chuẩn bị phương tiện, công cụ khủng bố.

Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Nguyễn Khanh cho biết quen biết Ngô Hoàng Văn Hùng (Ngô Hùng – sống ở nước ngoài) qua mạng xã hội. Khi được Hùng rủ tham gia tổ chức “Triều Đại Việt” với mục đích tổ chức các cuộc khủng bố, bạo động nhằm lật đổ chính quyền, Khanh biết đó là ý định “hão huyền” nhưng vẫn đồng ý tham gia, vì Hùng hứa sẽ cho tiền.

Bị cáo Nguyễn Khanh

Trên thực tế, Hùng đã chuyển cho Khanh hơn 140 triệu đồng để bị cáo mua thuốc nổ, mìn… Khanh sử dụng khoảng 20 triệu để mua nguyên vật liệu. Số tiền còn lại để tiêu xài.

“Do gia đình khó khăn, tiền nhận được lo đem trả nợ nần, trả tiền lãi mượn của anh em… chứ cũng không xài riêng được gì” – bị cáo Khanh khai trước tòa.

Bị cáo Điểu A Nam khai khi lên mạng xem các video về chương trình khủng bố, phản động của Hùng, bị cáo rất “tò mò” liền nhắn tin cho Hùng hỏi “có cần người không”. Bị cáo Hùng nhận A Nam vào tổ chức và dặn “cứ nói với mọi người về tổ chức càng nhiều càng tốt”.

Từ đó, Nam rủ rê được 14 người tham gia tổ chức “Triều Đại Việt”. Nam được cho 2,5 triệu đồng, cho một xe máy 1,7 triệu đồng. Số tiền được cho, Nam khai đã dùng hết để “mua gạo nấu ăn sống qua ngày”.

“Khi bị bắt công an có thu giữ gì của bị cáo không” – Tòa nhắc đi nhắc lại câu hỏi này đến 3 lần thì Điểu A Nam mới hiểu và trả lời.

Tại tòa, tất cả 20 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Vấn đề đặt ra là nếu mang so sánh cùng hành vi khủng bố với lực lượng có tên gọi là “Biệt động Thành” ở Sài Gòn trước tháng 4-1975, thì 20 bị cáo kể tên ở trên, có thật động cơ gây án là mong muốn “sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hay không? Bởi như khai nhận của bị cáo Điểu A Nam là sở dĩ tham gia đường dây khủng bố, ném bom xăng để nhằm “kiếm tiền mua gạo nấu ăn sống qua ngày”…

Từ phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “Triều Đại Việt”, cho thấy xét về mặt xã hội học, cần giải quyết vấn nạn có thể còn chưa mấy phổ biến, “vì nghèo nên chấp nhận làm khủng bố để kiếm miếng ăn” – điều này tương tự trước đây người Việt sẳn sàng cưa bom (theo đúng nghĩa đen) để lấy phế liệu trong cuộc mưu sinh.

***

Bản án “khủng” cho các bị cáo trong vụ án “Triều Đại Việt”

Chủ tọa tuyên án từ 10:00 đến 11:15 ngày 22/9/2020 như sau: (trong ngoặc là đề nghị của Viện kiểm sát)

1. Nguyễn Khanh, SN 1964, Đồng Nai (cha của Nguyễn Tấn Thành trong cùng vụ án): (22 – 24 năm tù + Quản chế 5 năm + nộp phạt 10 triệu đồng) 24 năm tù + 5 năm quản chế + phạt 10 triệu đồng + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng + nộp lại 121.450.000 đồng.

2. Dương Bá Giang, SN 1971, Đồng Nai: (17 – 18 năm tù + Quản chế 5 năm) 18 năm tù + 5 năm quản chế + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng.

3. Vũ Hoàng Nam, SN 1996, TP.HCM: (16 -17 năm tù + 5 năm quản chế) 17 năm tù + 5 năm quản chế + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng.

4. Dương Khắc Minh, SN 1993, Thanh Hoá: (16 – 17 năm tù + 5 năm quản chế) 17 năm tù + 5 năm quản chế + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng.

5. Nguyễn Tấn Thành, SN 1993, Đồng Nai (con của Nguyễn Khanh trong cùng vụ án): (3 – 4 năm tù + 2 năm quản chế) 3 năm tù + 2 năm quản chế.

6. Nguyễn Thị Bích Vân, SN 1954, TP.HCM: (12 – 14 năm tù + 5 năm quản chế) 12 năm tù + 5 năm quản chế.

7. Phạm Trần Phong Vũ, SN 1982, Kiên Giang (chồng không hôn thú với Trần Thị Thu Hạnh trong cùng vụ án): (16 – 17 năm tù + 5 năm quản chế) 17 năm tù + 5 năm quản chế.

8. Hồ Anh Tuấn, SN 1973, Tiền Giang (anh cùng cha khác mẹ với Hồ Nguyễn Quốc Hưng trong cùng vụ án): (9 – 10 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.

9. Hồ Nguyễn Quốc Hưng, SN 1981, Tiền Giang (em cùng cha khác mẹ với Hồ Anh Tuấn trong cùng vụ án): (10 – 11 năm tù + 3 năm quản chế) 10 năm tù + 3 năm 6 tháng bản án cũ = 13 năm 6 tháng.

10. Trần Thị Thu Hạnh, SN 1981, Vĩnh Long (vợ không hôn thú với Phạm Trần Phong Vũ trong cùng vụ án): (3 – 4 năm tù + 2 năm quản chế) 3 năm tù + 2 năm quản chế.

11. Nguyễn Minh Tấn, SN 1978, Hậu Giang (chồng của Trương Thị Trang trong cùng vụ án): (17 – 18 năm tù + 5 năm quản chế) 18 năm tù + 5 năm quản chế + nộp lại 119.250.000 đồng.

12. Võ Công Hải, SN 1965, Kiên Giang: (9 – 10 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.

13. Nguyễn Thanh Bình, SN 1957, An Giang: (8 – 9 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.

14. Trương Thị Trang, SN 1983, Hậu Giang (vợ của Nguyễn Minh Tấn trong cùng vụ án): (3 – 4 năm tù + 2 năm quản chế) 3 năm tù + 2 năm quản chế.

15. Trần Văn Đoan, SN 1988, Kiên Giang: (9 – 10 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.

16. Điểu Lé, SN 1952, dân tộc S’Tiêng, Bình Phước (bà con xa với Điểu A Nam): (7 – 8 năm tù + 3 năm quản chế) 7 năm tù + 3 năm quản chế.

17. Điểu A Nam, SN 1986, dân tộc S’Tiêng, Bình Phước (bà con xa với Điểu Lé): (7 – 8 năm tù + 3 năm quản chế) 7 năm tù + 3 năm quản chế.

18. Nguyễn Trung Trực, SN 1982, Đắk Nông: (2 – 3 năm tù + 10 triệu đồng) 2 năm tù + 10 triệu đồng.

19. Nguyễn Khắc Sinh Nhật, SN 1981, Đắk Nông: (2 – 3 năm tù + 10 triệu đồng) 2 năm tù + 10 triệu đồng.

20. Nguyễn Minh Nhật, SN 1991, Đắk Nông: (2 – 3 năm tù + 10 triệu đồng) 2 năm 6 tháng tù + 10 triệu đồng.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)